Cảm động tấm lòng “người thầy” của học sinh nghèo

Cảm động tấm lòng “người thầy” của học sinh nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Thấy trẻ em trong xã bị hổng kiến thức, anh đã tự nguyện mời học sinh đến phụ đạo mà không lấy tiền thù lao

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Lập, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Viết Học (hiện là cán bộ tài chính xã) hiểu được nỗi khổ của người dân quê ít học.

Gặp anh Học trong một ngày cuối tháng 7 nắng đổ lửa, khi anh đang xử lý những công việc thường ngày. Những lớp học đã nghỉ sau một ngày miệt mài của cả thầy, lẫn trò. Anh Học đã dành cho tôi một khoảng thời gian ngắn. Anh trải lòng: “Tôi làm công việc này đơn giản xuất phát từ tình thương thôi, thấy các em học sinh nghèo mà kiến thức hổng nhiều quá nên… thấy tội. Từ đó tôi nảy sinh ra ý tưởng dạy thêm cho các em để các em có kiến thức tốt hơn cho tương lai.

Xã hội - Cảm động tấm lòng “người thầy” của học sinh nghèo

Cháu Tâm và bà

Ý tưởng dạy phụ đạo cho học sinh bắt nguồn từ một lần ngồi nói chuyện với bạn bè. Nghe chuyện tào lao xong, người bạn thân của anh Học gửi con, nhờ anh Học dạy phụ đạo. Khi dạy con người bạn và qua tìm hiểu, anh phát hiện nhiều học sinh trong vùng bị hổng kiến thức. Anh mời các cháu về nhà mình để dạy thêm. Từ ấy, lớp học tình thương ra đời.

Đến nay, lớp học tình thương được 4 năm. Số lượng học sinh đến học là 100 em. Anh Học kèm cho các em từ lớp 5 đến lớp 9. Học ở nhà anh nên các em học sinh đến học, có ghế ngồi ghế, không có ghế thì ngồi chiếu. Về sau, anh Học xin bàn ghế cũ của trường học trong xã về sửa sang lại để các em có điều kiện học tốt hơn. Lớp học tình thương diễn ra vào các buổi tối. “Chỉ hôm nào thời tiết xấu quá hoặc có việc đột xuất tôi mới cho các em nghỉ. Nhiều hôm bận việc gia đình không dạy cho các em được là tôi áy náy lắm. Nhất là những em đang cần kiến thức để thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp”.

Anh Học thừa nhận: “Tôi nắm rất chắc về các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh... nên tập trung phụ đạo cho học sinh các môn đó nhiều hơn. Năm học vừa rồi, do cập nhật được nhiều kiến thức nên tôi tổ chức cho các em ôn môn Sử”.

Qua theo dõi được biết, nhiều học sinh được anh phụ đạo, điểm học ở lớp chính đã tăng lên, có nhiều em đạt điểm cao trong học tập, được điểm 9, điểm 10. Trong đợt thi chuyển cấp vừa qua, có em Trần Thị Nhi (xóm Tân Hồ, Tân Long) được 9,5 môn Lịch sử và có cháu được 9 Văn, 9 Toán... Mỗi buổi học, anh Học thường dành từ 10 – 15 phút đầu giờ để nói và bàn luận với các em về các đạo lý trong đời mà đặc biệt là chữ Hiếu. Những bài học về giá trị con người, tinh thần tiết kiệm, “lá lành đùm lá rách” luôn được anh lồng ghép trong quá trình dạy. Cùng với việc dạy học, anh Học hướng dẫn học sinh tham gia bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường 2 tuần /lần trong cộng đồng dân cư. Anh Học còn tạo quỹ tình thương với sự đóng góp của anh và một phần từ tiền ăn sáng của các em học sinh trong lớp để giúp đỡ cho gia đình của các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong lớp học.

Em Nguyễn Thị Tâm (xóm Tân Lập, xã Tân Long) là học sinh trong lớp tình thương. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, em lại mắc bệnh hiểm nghèo. Anh Học trực tiếp kèm và quan tâm hơn học sinh khác trong lớp. Tâm nói: “Nhà em nghèo không có điều kiện để đi học thêm. Em theo học lớp của chú Học từ lớp 7 đến lớp 9. Chú hiền mà dạy dễ hiểu lắm. Chú quan tâm hỏi han từng bạn trong lớp em, không chỉ được học các môn văn hóa, chúng em còn được chú giảng cho nghe về những bài học đạo lý, được tham gia các hoạt động ngoại khóa nữa”. Bà ngoại của Tâm xúc động: “Hầu hết bà con làng trên xóm dưới đều biết đến chú Học và khâm phục, kính trọng chú. Chú mở một lớp học vô tư, không tính kinh tế vật chất mà chất lượng học của các cháu lại tốt. Gia đình tui là hộ nghèo nên hai cháu đều tham gia lớp học của chú, bọn tui biết ơn chú nhiều lắm!”

Hồng Nhật