Đám cưới không phải là một cam kết. Đám cưới chỉ là một bữa tiệc mừng chứng kiến hai con người từ người dưng trở thành người thân. Giấy chứng nhận kết hôn cũng không phải là một cam kết. Tờ giấy đó chỉ là tờ chứng nhận hai bạn trở thành vợ chồng, người thân gần nhất với nhau hơn cả cha mẹ anh ấy, cô ấy. Và hai bạn được pháp luật bảo vệ trong suốt quãng đời hôn nhân của 2 bạn. Và tờ giấy đó cũng chỉ có giá trị sử dụng cho đến khi hai người ly dị. Vậy, chúng ta đám cưới để làm gì? Đăng ký kết hôn để làm gì?
Có nhiều người chẳng nghĩ nhiều khi quyết định đám cưới. Có người vì yêu lâu mà cưới. Có người bác sĩ bảo cưới. Có người thì vì đến tuổi phải cưới… Những người đó vốn chỉ coi hôn nhân như bước kế tiếp phải làm trong đời. Nên hàng ngàn hàng vạn cuộc ly dị cũng vì thế thành bước kế tiếp họ phải làm trong đời.
Tôi nghĩ, khi chúng ta quyết định lựa chọn một người đi cùng mình bước vào một cuộc hôn nhân là chúng ta trao cho họ cam kết về hai chữ Gia Đình! Là trở thành người thân của nhau, thân hơn cả cha mẹ con cái. Bởi theo pháp luật, vợ- chồng thuộc hàng quan hệ thân nhất, hơn cả cha mẹ. Bởi pháp luật quy định quyền thừa kế cao nhất cho vợ- chồng, quyền quyết định cao nhất cho người vợ hoặc người chồng trong những quyết định sinh tử quan trọng. Như khi lên bàn mổ, khi bác sĩ yêu cầu người nhà ký giấy thì luôn là vợ hoặc chồng đầu tiên. Pháp luật được thể hiện chính bằng giấy đăng ký kết hôn, thứ mà hàng ngàn cặp đôi đồng giới mơ ước có được. Từ 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình đã không còn cấm kết hôn giữa người đồng giới nhưng vẫn chưa thừa nhận họ là vợ chồng, chưa thừa nhận họ là Gia Đình.
Cam kết của một cuộc hôn nhân chính là cam kết cho chính mình có một Gia Đình, cho bạn đời trở thành Gia Đình của mình. Nếu hiểu được điều đó, tôi nghĩ hôn nhân đó mới thực sự là một cuộc hôn nhân. Bằng không, mọi thứ trở thành vô nghĩa, kể cả những đám cưới rình rang hay những hứa hẹn khi yêu.
Tôi vẫn thấy diệu kỳ thay khi chúng ta sở hữu một cuộc hôn nhân. Không phải máu mủ ruột thịt mà thành Gia Đình. Hai người dưng hòa làm một. Tuyệt diệu hơn nếu như chúng ta cùng sinh ra những đứa con. Nơi 2 bộ gen hòa 1, da thịt của con, dòng máu của con đến cả tính cách của con đều có phần cha, phần mẹ. Hôn nhân biến hai người dưng thành ruột thịt một cách diệu kỳ như thế. Vậy sao bạn có thể đối xử với Gia Đình của mình tệ bạc kia chứ? Vậy sao bạn có thể chia dứt Gia Đình mình kia chứ? Là bạn khi kết hôn đã không nghĩ đến hai chữ Gia Đình. Là bạn, theo năm tháng của hôn nhân, bị bào mòn, quên lãng đi hai chữ Gia Đình. Hôn nhân của bạn nếu không còn là Gia Đình của bạn nữa thì nó phỏng còn ý nghĩa gì?
Hoàng Anh Tú