Sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đang mất đà khi những “rủi ro và sự không chắc chắn” được khuếch đại bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron và lạm phát cao hơn dự đoán, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết hôm 1/12 khi công bố báo cáo triển vọng mới.
Sự xuất hiện của một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 làm tăng những bất định vốn đã đè nặng lên triển vọng kinh tế toàn cầu, và làm nổi bật những bất cập trong tiêm chủng, theo nhà kinh tế trưởng của OECD, Laurence Boone.
Mặc dù không tính toán trực tiếp đến Omicron trong báo cáo này, nhưng tổ chức có trụ sở tại Paris nhấn mạnh các nguy cơ của việc đại dịch tiếp tục xảy ra và kêu gọi các chính phủ giải quyết tình trạng tỉ lệ tiêm chủng thấp ở một số khu vực để không tạo ra "lò ấp cho những biến chủng nguy hiểm hơn".
“Chúng tôi lo ngại rằng biến thể Omicron đang làm tăng thêm mức độ không chắc chắn và rủi ro cao, và đó có thể là mối đe dọa đối với sự phục hồi”, Boone cho biết trong khi trình bày báo cáo của OECD tại Paris.
Tiêm chủng cho nhiều người hơn “vẫn là ưu tiên quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch và cũng để giải quyết những mất cân bằng đang cản trở sự phục hồi”.
Ở chiều ngược lại, giữ cho sự phục hồi mạnh mẽ và đi đúng hướng sẽ giải quyết được một số sự mất cân bằng, “nhưng trên hết nó sẽ có nghĩa là quản lý cuộc khủng hoảng y tế thông qua sự phối hợp quốc tế tốt hơn, cải thiện hệ thống y tế và đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết.
Boone cho biết, sẽ cần tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD để tiêm chủng cho toàn thế giới, một con số không thấm vào đâu so với 10 nghìn tỷ USD mà Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) đã chi để giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19.
Lạm phát sẽ giảm dần vào năm 2022
Ngoài các hạn chế chặt chẽ hơn liên quan tới Covid-19, bao gồm các đợt phong tỏa mới ở một số khu vực, các nền kinh tế thành viên OECD đang vật lộn với lạm phát leo thang do sự kết hợp giữa tắc nghẽn nguồn cung trong sản xuất, tăng giá thực phẩm và sự mất cân bằng trong thị trường năng lượng.
Giá xăng đã tăng mạnh, đặc biệt là ở châu Âu, và rủi ro đang ở mức cao, trong bối cảnh dự trữ thấp hơn bình thường khoảng 28% vào thời điểm này trong năm, OECD cho biết.
Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, OECD nhận định.
Tổ chức này cũng dự báo, lạm phát giá tiêu dùng sẽ chỉ bắt đầu giảm vào năm 2022 khi các nút thắt chính giảm bớt và công suất mở rộng.
OECD cho biết, khả năng tiếp cận tốt hơn trên toàn cầu đối với vắc-xin phải là một ưu tiên chính sách cấp bách vì, cùng với các lợi ích về sức khỏe, nó sẽ giúp xoa dịu tình hình bằng cách cho phép các nhà máy, bến cảng và biên giới mở cửa trở lại hoàn toàn.
Kịch bản trọng tâm của OECD là kỳ vọng rằng các chính sách tài khóa sẽ tiếp tục mang tính hỗ trợ vào năm 2022.
"Tuy nhiên, rủi ro chính là lạm phát tiếp tục tăng bất ngờ, buộc các Ngân hàng Trung ương lớn phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn và ở mức độ lớn hơn dự kiến", OECD lưu ý.
Nếu rủi ro đó không thành hiện thực, lạm phát trong toàn khối OECD có khả năng gần đạt đỉnh ở mức 5% và sẽ dần dịu xuống về mức khoảng 3% vào năm 2023, tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết.
Trong bối cảnh đó, điều tốt nhất mà các Ngân hàng Trung ương có thể làm lúc này là chờ căng thẳng nguồn cung giảm bớt và ra tín hiệu rằng họ sẽ hành động nếu cần thiết, theo OECD.
Dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế lớn
Bất chấp các yếu tố rủi ro, sản lượng ở các nước OECD hiện đã vượt mức đạt được hồi cuối năm 2019 và đang dần trở lại quỹ đạo dự kiến trước đại dịch, tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn, đặc biệt là những nơi có tỉ lệ tiêm chủng Covid-19 vẫn còn thấp, có nguy cơ tụt hậu.
Do đó, OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 5,6% trong năm nay và 4,5% vào năm 2022, trước khi quay trở lại mức 3,2% vào năm 2023, gần với tỉ lệ được nhìn thấy trước đại dịch.
OECD cũng đưa ra dự báo cho các nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới với triển vọng giảm so với các dự báo trước đó.
Cụ thể, Mỹ sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay, 3,7% vào năm 2022 và 2,4% vào năm 2023, giảm so với các dự báo trước đó là 6,0% vào năm 2021 và 3,9% vào năm 2022.
Triển vọng của Trung Quốc cũng kém lạc quan hơn, với dự báo tăng trưởng ở mức 8,1% vào năm 2021 và 5,1% trong cả năm 2022 và 2023, trong khi trước đó OECD dự kiến 8,5% vào năm 2021 và 5,8% vào năm 2022.
Tuy nhiên, theo OECD, khu vực đồng Euro (Eurozone) có triển vọng lạc quan hơn một chút so với dự kiến trước đây, với mức tăng trưởng dự kiến là 5,2% vào năm 2021, 4,3% vào năm 2022 và 2,5% vào năm 2023, so với các dự báo trước đó là 5,3% vào năm 2021 và 4,6% vào năm 2022.
Minh Đức