Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ chính thức diễn ra. Với hơn 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, áp lực cạnh tranh để giành một suất vào các trường đại học là không hề nhỏ.
Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn ngành học và trường đại học phù hợp càng trở nên quan trọng. Ngoài các yếu tố thường được quan tâm như nội dung chương trình đào tạo hay triển vọng nghề nghiệp, vấn đề học phí cũng là một yếu tố thiết yếu mà thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi, mức học phí ở bậc đại học thường cao hơn đáng kể so với bậc phổ thông. Nếu không có sự chuẩn bị tài chính phù hợp, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập lâu dài của sinh viên.
Là học sinh lớp 12, bạn Ngọc Linh (Trần Quang Khải, Nam Định) bày tỏ: "Em có nguyện vọng học Đại học Kinh tế Quốc dân, với những học trước học phí hệ đại trà của nhà trường khoảng hơn 20 triệu đồng/năm học, với chương trình tiên tiến là khoảng hơn 30 triệu đồng. Mức học phí mà em cần phải tính toán kỹ nếu có cơ hội theo học".
Ngọc Linh cho biết ở thời điểm này, bản thân thì chuẩn bị kiến thức, còn gia đình cũng đang bắt đầu sắp xếp những khoản tiền cho em bước vào cánh cổng đại học. Cũng theo bạn học sinh này, nếu học theo hệ tiên tiến/chất lượng cao, sinh viên có nhiều cơ hội học tập, trau dồi khả năng ngôn ngữ, nhưng mức học phí cũng sẽ cao hơn rất nhiều.
"Em đặt kỳ vọng mình sẽ có học bổng, để đỡ đi phần nào mức chi phí học tập tại thành phố lớn. Em cũng đang nghiên cứu các ngành học có cơ hội việc làm cao, để ra trường sớm có thu nhập bù lại khoản học phí mà bố mẹ đã đầu tư cho bản thân", Ngọc Linh chia sẻ.

Học phí là một trong những yếu tố cần cân nhắc trước khi thí sinh chọn trường (Ảnh: Hữu Thắng).
Sau một năm học tập xa gia đình, bạn Nguyễn Tùng Lâm – Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã hình thành thói quen ghi chép cẩn thận từng khoản chi tiêu hàng tháng, để tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt tài chính.
Chia sẻ về mức chi tiêu của mình, Lâm cho biết: "Học phí trung bình mỗi năm của em khoảng 70 triệu đồng, tương đương một khoản cố định là 7 triệu mỗi tháng. Ngoài ra, còn nhiều khoản linh hoạt như học tiếng Anh, đóng góp tiền quỹ, in tài liệu… Những chi phí này dao động tùy nhu cầu và hoàn cảnh từng bạn".
Để giảm áp lực tài chính, Lâm lựa chọn ở ghép cùng bạn trong nhà trọ với phí sinh hoạt và thuê nhà chỉ khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Với tiền ăn uống 3 triệu đồng, như vậy, tổng chi tiêu hàng tháng là hơn 10 triệu đồng, đây là một con số không nhỏ đối với sinh viên ở các địa phương lên học tập tại Hà Nội.
Tùng Lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận làm thêm không phải là giải pháp phù hợp với mọi sinh viên: "Khối lượng kiến thức ở bậc đại học rất lớn, cần đầu tư nhiều thời gian tự học. Nếu quá chú trọng đi làm thêm để kiếm tiền, việc học sẽ dễ bị sao nhãng".
Theo Lâm, các bạn sinh viên nên tính toán kỹ lưỡng trước khi chọn trường và khả năng tài chính của gia đình. Thực tế cho thấy cùng một ngành học, nhưng học phí giữa các trường đại học có thể chênh lệch khá lớn. Ngoài ra, chương trình đào tạo đại trà thường có mức học phí "dễ thở" hơn so với chương trình chất lượng cao hay liên kết quốc tế.

Mức trần học phí của các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định 97
Trước đó, đầu năm học 2024-2025, nằm trong lộ trình điều chỉnh học phí, Trường Đại học Hà Nội có mức học phí khoảng 720.000 - 1,74 triệu đồng/tín chỉ. Tùy chương trình, sinh viên cần hoàn thành 145-152 tín chỉ để được công nhận tốt nghiệp. So với năm học 2023-2024 (650.000 - 1,39 triệu đồng/tín chỉ), học phí của trường năm nay tăng 10-25%. Về vấn đề này, nhiều học sinh đã phản ánh tới nhà trường, bày tỏ rằng mức học phí hiện tại đang trở thành một gánh nặng kinh tế không nhỏ đối với bản thân và gia đình các em,
Trao đổi với Người Đưa Tin, ThS. Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội đánh giá: "Trong quá trình lựa chọn ngành nghề và trường đại học, nhiều thí sinh và phụ huynh thường tập trung vào yếu tố danh tiếng, ngành học "hot" hoặc cơ hội việc làm, mà chưa đánh giá đầy đủ khả năng tài chính của gia đình, cũng như mức học phí của chương trình đào tạo. Đây là thiếu sót dễ dẫn đến áp lực tài chính, ảnh hưởng tới việc học hoặc thậm chí gián đoạn nếu không đủ điều kiện chi trả lâu dài".
Theo ông Ngọc Anh, học phí là một yếu tố thiết yếu, không thể bỏ qua trong quyết định chọn trường. Bên cạnh học phí theo tín chỉ hay năm học, còn nhiều khoản chi phí khác cần được tính đến như tài liệu học tập, học phí thực hành, chi phí sinh hoạt, đi lại, đặc biệt nếu học xa nhà.

ThS. Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội.
"Các em cần chủ động tìm hiểu thông tin học phí được công khai trên website các trường, cân nhắc khả năng chi trả của gia đình, và đặc biệt là tận dụng các chính sách học bổng hoặc hỗ trợ tài chính nếu có. Việc lựa chọn một ngôi trường phù hợp với điều kiện kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra việc làm là cách giúp học sinh yên tâm học tập, không phải chịu áp lực kinh tế trong suốt quá trình đại học", ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Chuyên gia cho rằng một quyết định thông minh là khi thí sinh cân bằng được giữa đam mê, năng lực cá nhân và khả năng tài chính. Khi đó, con đường học tập sẽ trở nên vững chắc và bền vững hơn.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ những năm qua, nhiều trường áp dụng cơ chế học phí mới. Tuy nhiên,các cơ sở giáo dục đại học đều có cơ chế học bổng, với những thí sinh thực sự khó khăn. Trước khi quyết định chọn ngành, chọn trường, thí sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin về nhà trường. Sau đó, lựa chọn dựa trên khả năng học, tiềm lực, kinh tế của gia đình.
"Mặc dù vậy, dù trong hoàn cảnh nào, các em cũng đừng buông bỏ ước mơ của mình. Nếu trong thời điểm trước mắt, chưa thể thực hiện ngay, có thể tạm dừng để tích luỹ, tiếp tục theo đuổi đam mê trong tương lai", bà Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.

Học phí đại học là một trong những yếu tố thí sinh cần cân nhắc khi chọn trường (Ảnh: Hữu Thắng).
Lưu ý thêm về những thay đổi của quy chế tuyển sinh đại học năm nay, ông Ngọc Anh cho rằng năm nay không còn phương thức xét tuyển sớm, vì vậy, ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng nhất là học sinh cần tập trung tối đa cho việc học tập và chuẩn bị kỹ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng như các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hay môn năng khiếu.
Bên cạnh đó, với Chương trình giáo GDPT 2018, nhiều tổ hợp xét tuyển mới đã xuất hiện tại các trường đại học. Do đó, học sinh cần tìm hiểu kỹ ngành học và trường đại học mình quan tâm để lựa chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp nhất.
"Giữ tâm thế chủ động, linh hoạt và bền bỉ là điều cần thiết trong bối cảnh giáo dục và thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với thái độ cầu tiến và một kế hoạch học tập khoa học chính là chìa khóa để vượt qua kỳ thi thành công và mở ra cánh cửa đại học như mong ước", ông Ngọc Anh nhắn nhủ.
Hiện nay, học phí của các cơ sở giáo dục đại học căn cứ theo Nghị định số 81 và Nghị định 97 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Cụ thể, học phí đào tạo đại học được tính theo số tín chỉ/mô-đun, theo công thức: Tổng học phí toàn khóa = Tổng số tín chỉ/mô-đun toàn khóa x Học phí một tín chỉ/mô-đun. Hoặc Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 sinh viên/tháng x 10 tháng x số năm học.
Phần lớn các chương trình đào tạo hiện nay học sinh sẽ học trong vòng 4 năm (trừ khối ngành Sức khỏe), với 130 tín chỉ.
Về mức trần học phí, năm học 2024-2025, khối ngành Y dược có quy định về mức trần học phí ở mức cao nhất với hơn 2,7 triệu đồng/học sinh/tháng; tiếp theo là ngành Sức khỏe có mức trần là hơn 2 triệu đồng. Ngành Nghệ thuật có học phí trần thấp nhất là 1,3 triệu đồng; các lĩnh vực khác có mức dao động từ 1,4 -1,6 triệu đồng/học sinh/tháng.