Cận cảnh xác cá rồng biển trôi dạt bờ biển Mexico ngày 5/10.
Loài cá có hình dạng giống như rắn này từng xuất hiện ở vùng bờ biển Chile vào tháng 7 năm nay. Ngày 5/10, thêm một con cá rồng biển khác với chiều dài khoảng 4,8 mét trôi dạt vùng bờ biển Mexico, theo Daily Star.
Những hình ảnh được đăng tải cho thấy cảnh con cá rồng biển được đặt lên xe tải ở Sinaloa, bang ven biển của Mexico.
Với kích thước dài đáng kể, con cá rồng biển hay cá mái chèo trông giống như sự kết hợp giữa loài cá, rắn và lươn. Nó là sinh vật chuyên sống ở biển sâu từ 200 đến 1.000 mét, trong môi trường có điều kiện ánh sáng thấp.
Con cá trôi dạt bờ được cho là đem đến điềm xấu.
Giống như ở nhiều quốc gia khác, người dân Mexico quan niệm rằng cá rồng biển trôi dạt vào bờ mang đến "điềm xấu". Một số người cho rằng, những cơn địa chấn sâu trong đại dương đã đẩy các sinh vật lên trên mặt nước và khiến chúng trôi dạt bờ. Những chấn động này dưới đáy biển có thể gây ra động đất.
Trong văn hóa Nhật Bản, cá rồng biển được coi là "sinh vật mang thông điệp của thần biển".
Giống như Mexico, người Nhật Bản tin rằng có những đồn đoán về mối liên hệ giữa loài cá này và động đất. Không lâu trước thảm họa động đất, sóng thần kép tại Nhật Bản năm 2011, người ta phát hiện khoảng 20 con cá rồng biển trôi dạt vào các vùng bờ biển ở nước này. Hàng chục con cá rồng biển cũng được phát hiện trước trận động đất mạnh 8,8 độ ở Chile năm 2010.
Loài cá này chuyên sống ở đáy biển sâu lên tới 1.000 mét.
Kiyoshi Wadatsumi, chuyên gia về địa chấn sinh thái nói rằng do sống ở sâu dưới đáy biển nên cá rồng biển nhạy cảm hơn với hoạt động kiến tạo liên quan tới đứt gãy hơn là các loài sống gần mặt nước.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng mối liên hệ giữa những cơn địa chấn và cá rồng biển chỉ là sự trùng hợp, không phải lúc nào loài cá này trôi dạt bờ cũng báo hiệu động đất sắp xảy ra.
Đăng Nguyễn - Daily Star