Điện ảnh tác động rất lớn đến các ngành khác
Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Các đại biểu đã thảo luận rất sôi nổi về những vấn đề mà hai dự thảo luật trình Quốc hội xin ý kiến.
Thảo luận tại tổ, ĐBQH Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng việc có Luật Điện ảnh là vô cùng cần thiết trong xã hội hiện nay. Đặc biệt, khi điện ảnh là ngành nghệ thuật tiên phong, việc đầu tư phát triển ngành điện ảnh sẽ lan toả ra các ngành nghệ thuật khác.
Theo đại biểu Sơn, trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020 dự kiến đóng góp vào ngành điện ảnh 150 triệu USD, trong đó điện ảnh Việt Nam là 50 triệu USD, đến năm 2030 là 250 triệu USD, trong đó các sản phẩm của Việt Nam là 125 triệu USD. Điều này có nghĩa là các sản phẩm điện ảnh của Việt Nam sẽ có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng không phải chỉ phát triển về kinh tế, điện ảnh còn có tác động rất lớn đối với các ngành khác như du lịch, thời trang, ẩm thực…
Khi sửa đổi Luật Điện ảnh, đại biểu Sơn cho biết cần lưu tâm 3 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, xử lý Luật Điện ảnh không chỉ là một ngành giải trí mà điện ảnh phải là một ngành công nghiệp văn hoá.
“Khi là công nghiệp văn hoá thì cách xử lý luật phải theo các ngành công nghiệp văn hoá”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Thứ hai, phải xây dựng Luật Điện ảnh theo đúng xu thế phát triển văn hoá trên thế giới, có 3 vấn đề quan trọng: Phân cấp phân quyền gắn với trách nhiệm; tăng hậu kiểm và giảm tiền kiểm.
Về vấn đề tăng hậu kiểm và giảm tiền kiểm, vị đại biểu này cũng rất tâm tư: “Đối với tự do sáng tạo, việc tiền kiểm rất nguy hại đối với tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, cũng không thể nào hậu kiểm 100%. Một ngày chúng ta không biết có bao nhiêu phim được đưa lên mạng, không thể tiền kiểm được hết, nên buộc phải làm hậu kiểm, hậu kiểm không có nghĩa là không có tiền kiểm mà rõ ràng phải đưa ra các hệ thống quy định rất chi tiết, chặt chẽ để dựa vào các quy định các nhà làm phim biết để tránh. Theo tôi, phải tăng hậu kiểm là quan trọng, bởi chúng ta đang vận hành nền điện ảnh trong nền kinh tế thị trường”.
Trong xu thế phát triển văn hoá thế giới, đại biểu Sơn lưu ý cần chú ý đến quyền văn hoá của người dân, điện ảnh phải chú ý đến người dân, quyền về sáng tạo, hưởng thụ và tôn trọng nhu cầu đa dạng của người dân. Những điều này phải được thể hiện trong Luật Điện ảnh.
Về xây dựng các ngành công nghiệp văn hoá, theo đại biểu Sơn phải giải quyết được những bất cập đang xảy ra đối với ngành điện ảnh như: câu chuyện bản quyền, câu chuyện phổ biến phim trên mạng.
“Gần đây nhất, có rất nhiều bộ phim Việt Nam đạt giải cao ở nước ngoài, nhưng về Việt Nam là bị cấm. Nên, phải làm sao để hài hoà đưa phim đi nước ngoài đạt giải và ở Việt Nam cũng được tôn vinh”, đại biểu Sơn bày tỏ.
Nói thêm về lý do phim Việt Nam đạt giải ở nước ngoài nhưng về Việt Nam bị cấm, đại biểu này cho hay: “Do các bộ phim này làm theo đặt hàng hoặc xin tài trợ của các quỹ nước ngoài. Nếu làm phim để đáp ứng thị hiếu, đặt hàng của nước ngoài thì nhiều khi nó bị méo mó so với thị hiếu, đạo đức của người Việt. Vì thế, cần phải có quỹ điện ảnh để điều tiết câu chuyện đó, cần có những bộ phim “của người Việt, cho người Việt và vì người Việt”, nếu không có thì nền điện ảnh không phát triển được”.
Liên quan đến quỹ điện ảnh, đại biểu Sơn cho rằng quỹ này vô cùng quan trọng với sự phát triển của điện ảnh. Lý do là, cần phải có sự đa dạng nên nếu để điện ảnh vận hành trong nền kinh tế thị trường sẽ chạy theo quy luật của nền kinh tế thị trường, trong đó có quy luật cung – cầu.
“Điện ảnh chạy theo quy luật cung – cầu thì chỉ sản xuất ra những bộ phim thị trường, tạo ra những bộ phim ăn khách. Chúng ta cần có sự điều tiết đối với sự phát triển điện ảnh, không chỉ các dòng phim chạy theo thị trường, mà có những dòng phim khác, dòng phim thử nghiệm… cần sợ hỗ trợ những đạo diễn trẻ, những người mới vào nghề… Muốn như vậy phải có quỹ điện ảnh để điều tiết”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Quy trình cấp phép phim phải minh bạch, rõ ràng
Cũng quan tâm đến Luật Điện ảnh, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho biết việc huy động được nguồn lực xã hội về tài chính, trí tuệ quyết định với việc chúng ta có thể phát triển được nền điện ảnh hiện đại.
“Ngành điện ảnh có tác động đến xã hội vô cùng lớn, nếu coi đó là ngành văn hoá nghệ thuật cũng không đủ, coi đó là một ngành dịch vụ hay công nghiệp cũng không đủ. Bởi, tác động lan toả rất lớn, định hình nền văn hoá, tạo ra tác động lan toả đến nhiều ngành kinh tế khác”, đại biểu Lộc nhấn mạnh.
Vì những tác động như vậy, đại biểu Lộc cho rằng các chính sách đối với điện ảnh vô cùng quan trọng và bày tỏ "chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng điện ảnh có thương hiệu trên thế giới”.
Đại biểu Lộc cũng cho rằng cần có tiêu chí để cấp phép phim: “Việc cấp phép thường diễn ra sau khi đã đầu tư, sản xuất xong. Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất phim là rất lớn, nên khi sản xuất xong mới cấp phép thì rất nguy hiểm. Tôi cho rằng, quy trình, tiêu chuẩn làm sao minh bạch, rõ ràng hơn”.
Về cơ chế kiểm duyệt phim, hiện chủ yếu dựa vào hội đồng của Bộ. Tuy nhiên, đại biểu Lộc cho rằng cần phải tạo sự cạnh tranh giữa các hội đồng trong việc đưa ra xã hội những bộ phim thực sự có tác dụng đối với đất nước.
Thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam
ĐBQH Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) đồng tình với sự cần thiết trong việc sửa đổi Luật Điện ảnh. Theo đại biểu Huyền Mai, Luật Điện ảnh (sửa đổi) có 4 nhóm chính sách, phải đảm bảo cụ thể và phải khả thi. Đại biểu này đề xuất 3 nhóm vấn đề: “Thứ nhất, khi sửa đổi phải đảm bảo thúc đẩy được nền điện ảnh Việt Nam, đây là điều nhìn thấy mặc dù Luật Điện ảnh đã có từ rất lâu và đã sửa đổi hai lần; nhóm thứ hai, đó là phải đảm bảo tôn trọng quyền tác quyền; nhóm thứ ba đó là thể chế hoá đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó có ngành công nghiệp điện ảnh”.