Ngày 15/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tại Điều 6 của Nghị định quy định hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư. Theo đó, khoản 3 của Điều 6 quy định phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mà luật sư đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên;
c) Làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức khác bằng hình thức luật sư hành nghề với tư cách cá nhân ngoài tổ chức hành nghề luật sư mà luật sư đã thành lập, tham gia thành lập hoặc đã ký hợp đồng lao động.

Luật gia Nguyễn Quốc Tuấn - Hội Luật gia quận Ba Đình (Tp.Hà Nội).
Quy định nói trên đã dẫn đến người lao động là luật sư đang hành nghề trong các tổ chức hành nghề luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư băn khoăn, lo lắng cho việc làm và công việc của mình, đồng thời cho rằng quy định này không còn phù hợp với các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp, pháp luật có liên quan.
Bởi lẽ, trước hết, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định: "Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng)" - Điều 2.
Mặt khác, ngoài các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 của Luật Luật sư, thì Luật này không cấm luật sư được thực hiện các hành vi đã viện dẫn tại các điểm a và c khoản 3 Điều 6 Nghị định số 82 nói trên.
Tiếp đến, quy định về quyền lao động, quyền làm việc của công dân theo các Nghị quyết của Đảng và quy định của pháp luật Việt Nam. Luật sư trước hết là công dân, là người lao động hành nghề trong các tổ chức hành nghề luật sư thuộc lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Ngày 4/1/2025, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, tại điểm 2.1 phần III của Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, quy định: "Đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm".
Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khỏe của cộng đồng và phải được quy định trong luật".
Khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: "Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc"; khoản 1 Điều 14 của Hiến pháp cũng quy định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật";
Khoản 2 nêu rõ: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 có các quy định rất cởi mở, khơi thông mọi nguồn lực lao động của toàn xã hội, tại Điều 19 của Luật này về giao kết nhiều hợp đồng lao động, quy định rất rõ tại khoản 1:" Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết".
Tiếp đến khoản 2 nêu: "Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động".
Như vậy, với các chủ trương, chính sách của Đảng được quy định trong Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị mới đây và các quy định của Hiến pháp, của các luật có liên quan nói trên, thì việc quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với luật sư tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ không còn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Về hoạt động thực tiễn, trong những năm vừa qua và hiện nay, hoạt động hành nghề luật sư khi thực hiện dịch vụ pháp lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ, nghịch lý mà không ít luật sư gặp phải khi đã ký hợp đồng lao động làm việc trong tổ chức hành nghề luật sư A (bên A). Song, bên A không có hoặc không đủ công việc dịch vụ pháp lý cho họ làm việc. Trong khi tổ chức hành nghề luật sư B lại có nhiều công việc dịch vụ pháp lý do khách hàng yêu cầu, nhưng lại thiếu luật sư do đang làm việc ở bên A.
Luật sư bên A lại không thể "cung cấp dịch vụ pháp lý hoặc hoặc làm việc theo hợp đồng lao động" cho tổ chức hành nghề luật sư B vì vi phạm Nghị định số 82.
Từ những lẽ như trên, căn cứ vào Nghị quyết số 68-NQ/TWngày 4/1/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, vào Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan đã nêu ở trên, thấy rằng cơ quan có thẩm quyền cần sớm xem xét, cân nhắc lại cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của các điểm a, điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định số 82.
Luật gia Nguyễn Quốc Tuấn - Hội Luật gia quận Ba Đình (Tp.Hà Nội)