Hệ lụy không nhỏ từ “một tài sản” có nhiều “giá”
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Tp.HCM cho hay, công tác thi hành án (THADS) đã có tiến triển rõ rệt, với tỉ lệ thi hành án thành công tăng từ 38,31% (2017) lên 51,84% (2024), thu hồi trên 50.000 tỷ đồng, chiếm 76-96% của cả nước.
Tuy nhiên, vấn đề xử lý tài sản trong thi hành các vụ án kinh tế hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, gặp khó khăn trong xử lý tài sản phức tạp và chưa hoàn chỉnh pháp lý, nhiều vụ án lớn chưa được xử lý dứt điểm, gây lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng cục Thi hành án dân sự (THADS) Tp.HCM phát biểu tại Hội thảo.
Thực tiễn cho thấy, trong cùng một vụ án, một tài sản có thể được các đơn vị định giá khác nhau đưa ra kết quả chênh lệch hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Như trong đại án SCB liên quan đến Trương Mỹ Lan, chỉ riêng 4 bất động sản như Windsor Plaza, Times Square, Mũi Đèn Đỏ… đã có sự chênh lệch định giá lên đến hơn 193.000 tỷ đồng giữa 2 công ty thẩm định được Bộ Tài chính công nhận.

Nhiều ý kiến tranh luận diễn ra sôi nổi tại hội thảo.
Sự chênh lệch này không chỉ tạo ra nghi ngờ về tính chính xác, khách quan trong hoạt động thẩm định giá mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định hậu quả thiệt hại, trách nhiệm hình sự và quá trình khắc phục hậu quả sau bản án.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài đã có những ý kiến tham luận về vấn đề này. Ông Hoài cho biết, các quy định hiện hành về định giá tài sản trong tố tụng và thi hành án đang thiếu thống nhất, bị chi phối bởi nhiều văn bản chồng chéo như: Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Luật Giá 2012, Luật Kinh doanh bất động sản, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn…

TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Một điểm đáng chú ý là việc giám định, định giá tài sản hiện không bắt buộc mà chỉ thực hiện “khi xét thấy cần thiết” tức là phải phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng.
Thêm vào đó, thời hạn hiệu lực của chứng thư định giá (3 tháng đối với động sản, 6 tháng đối với bất động sản) lại quá ngắn so với thời gian tố tụng có thể kéo dài nhiều năm. Điều này khiến cho giá trị pháp lý của các chứng thư bị tranh cãi gay gắt giữa các bên trong quá trình xét xử và thi hành án.
Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài đề xuất có cơ chế xử lý tài sản đang hình thành dở dang hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý; định giá tài sản theo giá thị trường; thành lập hội đồng xử lý tài sản cho các vụ án lớn; hoàn thiện quy định về thu thập thông tin khách quan, xác định thời điểm định giá, và hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản đặc thù, đảm bảo tính thống nhất và có lợi cho người phạm tội.
Hội đồng định giá cần tham khảo giá cả địa phương và giá trị tài sản do các bên cung cấp để xác định giá bình quân, chỉ định giá theo khung giá khi có đủ chứng cứ chứng minh sát với giá thị trường.
“Nhiều tài sản bị "kẹt" hàng chục năm vì không định giá xong”
Những vụ án kinh tế lớn như SCB, Huyền Như, hay xa hơn là Epco Minh Phụng đã kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn chưa thể thi hành án dứt điểm, chủ yếu do vướng ở khâu xử lý tài sản. Hệ quả không chỉ là thiệt hại tài sản quốc gia mà còn là sự bào mòn lòng tin vào pháp luật và hiệu quả của hệ thống tư pháp.
Theo các chuyên gia đến dự Hội thảo, điểm chung trong các vụ án kéo dài là tài sản cần thi hành án hầu hết là bất động sản có giá trị rất lớn, thường nằm trong các dự án đang bị đình chỉ, vướng quy hoạch treo, chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý hoặc đang có tranh chấp sở hữu.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư Tp.HCM trình bày những vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản thi hành án là bất động sản trong các vụ án kinh tế từ góc nhìn thực tiễn.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho hay, có tài sản gồm nhiều phần nhỏ bị tranh chấp quyền sở hữu, tài sản thế chấp nhưng không kê khai đầy đủ, khi kê biên mới phát sinh tranh chấp với ngân hàng.
Cá biệt, có dự án chưa được cấp sổ đỏ, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, hoặc còn nợ thuế vì thế dẫn đến người mua dù trúng đấu giá vẫn không thể sang tên, sử dụng được tài sản
Một nghịch lý đáng lo ngại: Nhiều tài sản bị định giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường, bán đấu giá nhiều lần không thành công, cuối cùng rơi vào tay một nhóm lợi ích. Trong khi đó, cơ chế giám sát gần như không có hoặc không hiệu quả.
Trong vụ án Epco Minh Phụng, đã hơn 20 năm trôi qua, tài sản vẫn chưa xử lý xong vì giao cho ngân hàng tự bán theo Thông tư liên tịch 02, mà không có sự giám sát độc lập từ cơ quan thi hành án. Người phải thi hành án không được thông báo, không được thực hiện quyền phản biện dẫn đến khiếu nại kéo dài, thậm chí khởi kiện ngược.
Đại án SCB là ví dụ điển hình cho tình trạng tài sản kê biên nhưng không thể định giá hoặc định giá quá chênh lệch. Báo cáo từ các công ty thẩm định cho thấy chênh lệch hàng trăm tỷ giữa các đơn vị trong danh sách uy tín do Bộ Tài chính công bố.
Nhiều tài sản trong vụ án SCB (các dự án Times Square, Mũi Đèn Đỏ…), hiện vẫn chưa được xử lý dứt điểm vì vướng pháp lý, thiếu hồ sơ, hoặc đang bị nhiều cơ quan cùng lúc phong tỏa (công an, tòa án, thi hành án...)
Tình trạng tài sản "kẹt" trong thi hành án không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách mà còn khiến người mua rơi vào thế rủi ro kép: Bỏ tiền mua tài sản trúng đấu giá nhưng không thể sử dụng, bị kiện ngược, hoặc tài sản bị tạm dừng giao bởi cơ quan khác. Họ vừa thiệt hại về tài chính, vừa bị kéo vào vòng xoáy pháp lý kéo dài.
Chưa kể, với các dự án lớn, tài sản bị bỏ hoang trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị, lãng phí nguồn lực xã hội và gây mất niềm tin vào tính minh bạch của hệ thống thi hành án.
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: Trong xử lý các vụ án kinh tế, cần ưu tiên biện pháp dân sự, kinh tế trước hình sự, và khuyến khích khắc phục hậu quả bằng tài sản. Nhưng nếu tài sản định giá sai hay thấp hơn thị trường nhiều lần hoặc không thể bán được thì cơ hội khắc phục hậu quả sẽ bị bỏ lỡ, gây thiệt hại kép.
Luật Thi hành án dân sự đang được sửa đổi chính là thời điểm vàng để thể chế hóa các cơ chế định giá rõ ràng, công khai, có giám sát và phản biện xã hội, nhằm đảm bảo niềm tin cho người mua tài sản, giảm thiểu khiếu kiện và thúc đẩy thi hành án hiệu quả.
Một hệ thống định giá tài sản chính xác, minh bạch, có trách nhiệm là nền tảng để giải quyết các vụ án kinh tế đúng người, đúng tội, đúng giá trị. Trong bối cảnh tài sản kê biên thường là bất động sản hàng nghìn tỷ đồng, chúng ta không thể tiếp tục "ước lượng bằng cảm giác", mà cần một cơ chế định giá mới, phù hợp với tính chất đặc biệt của những vụ án đặc biệt.