Mua nhiều loại thuốc để trị Covid-19
Hiện nay, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày một tăng, tại Hà Nội những ngày qua số ca mắc lên tới 3.000 ca/ngày. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện có hơn 44.000 ca F0 đang điều trị tại nhà.
Số F0 điều trị tăng, dẫn tới hệ thống y tế cơ sở rơi vào tình trạng quá tải, không kịp giải đáp thắc mắc của nhiều F0. Thay vì chờ vào nguồn thông tin tin cậy, chính thống đã có không ít F0 lên mạng và tự ý đặt mua nhiều loại thuốc để uống chữa Covid-19.
Anh C. (bệnh nhân F0 tại Hoàng Mai) chia sẻ trên nhóm tư vấn cho F0: “Xin chào bác sĩ, tôi mua cả thuốc kháng virus và thuốc kháng đông thì bây giờ tôi dùng luôn cả hai loại có được hay không? Tôi là F0 không triệu chứng”.
Hay chị P.H (bệnh nhân F0 tại Nam Từ Liêm) cũng đặt câu hỏi: “Chào các bác sĩ, tôi lên mạng và tìm mua thuốc điều trị Covid-19 thì được một người bán giới thiệu ba loại và của ba nước khác nhau, tôi mua hết với giá thành cũng vài triệu đồng. Bây giờ tôi cũng không biết dùng loại nào, xin bác sĩ cho tôi biết với. Tôi hiện chỉ hơi đau rát họng nhưng tôi cũng rất lo lắng”.
Còn rất nhiều các trường hợp khác cũng tự ý mua trên mạng hoặc ra hiệu thuốc được tư vấn “mua để phòng”, sau đó cũng đăng tải ảnh lên nhóm tư vấn online để xin ý kiến các bác sĩ.
Lời khuyên của bác sĩ
Việc mua thuốc không thông qua chỉ định, chỉ theo lời giới thiệu của những “bác sĩ mạng” cũng đã khiến không ít trường hợp F0 lại phải cầu cứu đến các bác sĩ đang trực tiếp thăm khám, điều trị cho F0.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong quá trình tư vấn online miễn phí cho các F0 điều trị tại nhà, anh gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân chụp các loại thuốc đã mua, được cho hoặc đặt trên mạng để điều trị Covid-19.
“Có những bệnh nhân F0 chụp ảnh gửi cho tôi nói có cả thuốc kháng virus của Nga, của Nhật… không biết dùng thế nào. Khi đó tôi có giải thích với người bệnh là không nên dùng cả hai vì dùng cả hai thì liều gấp đôi, hiệu quả không hơn mà gan, thận phải làm việc nhiều hơn. Bên cạnh đó, có bệnh nhân cũng rất mâu thuẫn trong việc dùng thuốc như uống thuốc ức chế kháng thể, nhưng lại dùng song song thêm thuốc tăng đề kháng. Tất cả thuốc đều có thể dùng được nhưng cách dùng, lúc nào cần tăng, cần giảm kháng thể thì phải xin chỉ định của bác sĩ.
Quan điểm của tôi là thuốc dùng đúng là thuốc tốt còn dùng sai là thuốc độc, thuốc để trong nhà rất nhiều mà không biết sử dụng thì sẽ là “con dao hai lưỡi”. Vì thế, khi là F0 điều trị tại nhà cần có sự theo dõi của nhân viên y tế, không nên tự ý mua và dùng thuốc”, BS. Thiệu nói.
Cùng quan điểm với BS. Thiệu, BS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ môn Trung tâm Nội dã chiến, Bệnh viện Quân y 103 cho biết thông thường, khi phát hiện mình mắc Covid-19, đa số các bệnh nhân đều cảm thấy hoang mang và lo lắng chính điều này có thể làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh.
“Từ tâm lý hoang mang lo lắng, nhiều bệnh nhân F0 sử dụng thuốc không đúng cách và đôi khi sử dụng thuốc quá mức khiến bệnh bị nặng hơn”, BS. Hiệp cho hay.
Trước tình trạng, một số F0 đã chi tiền để mua các loại thuốc trên mạng được quảng cáo là chữa khỏi Covid-19, BS. Hiệp cho hay: “Đây là tình trạng mà chúng tôi rất hay gặp khi tư vấn cho các bệnh nhân F0 qua điện thoại. Các bệnh nhân đa số gửi ảnh cho chúng tôi xem với câu hỏi: “Em mua thuốc của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ theo bác sĩ em nên sử dụng như thế nào?”. Theo tôi thấy, đây là những thuốc trôi nổi, không có kiểm định, không có tem mác và cũng không rõ chất lượng. Hầu hết chúng tôi khuyên bệnh nhân không nên sử dụng. Còn đối với các loại thuốc kháng virus mà bệnh nhân được phép sử dụng là các loại thuốc đã nằm trong chương trình chỉ định của Bộ Y tế”.
Khi F0 điều trị tại nhà
BS. Hiệp cho biết thêm: “Các F0 khi điều trị tại nhà không được hoang mang lo lắng và đặc biệt là không được chủ quan. Bệnh nhân tin tưởng điều trị tại nhà trong trường hợp chưa chuyển biến nặng. Nhưng cũng không được chủ quan vì có trường hợp “không triệu chứng – giả” – mặc dù không có triệu chứng nhưng trên xét nghiệm, trên các chỉ số đo SPO2, nồng độ oxy trong máu giảm vẫn có khả năng đã tổn thương đến phổi. Vì thế, vẫn phải theo dõi sát các triệu chứng bệnh hàng ngày”.
Hoàng Bích - Hương Thương