Khi căng thẳng biên giới với Trung Quốc gia tăng, Ấn Độ đang hy vọng Mỹ sẽ “mở đường” cho nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và các thiết bị phòng thủ quan trọng khác từ Nga.
Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt hiện đang là rào cản cho bất kỳ quốc gia nào là đối tác của Mỹ có ý định giao dịch quân sự với Nga. Tháng trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Clarke Cooper một lần nữa cảnh báo Ấn Độ không nên tiến hành thương vụ S-400.
“Đừng mạo hiểm với những cơ hội trong tương lai có thể bị cản trở bởi các giao dịch quốc phòng quan trọng với Nga. Không hẳn tất cả mọi thứ đều bị cấm, nhưng một thứ như hệ thống phòng không S-400 hay chiến đấu cơ Su-35 sẽ là rào cản”, ông Cooper lên tiếng trong một cuộc họp trực tuyến gần đây.
Khi căng thẳng với Trung Quốc có nguy cơ bùng phát, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh mới đây đã thúc giục Nga tăng tốc độ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho nước này.
Vào tháng 10 năm 2018, Ấn Độ đã ký thỏa thuận vũ khí lớn nhất, trị giá 5,43 tỷ USD để mua 5 trung đoàn S-400. Về phần mình, Trung Quốc cũng có thỏa thuận mua hệ thống phòng không tiên tiến nhất từ Nga.
Các chuyên gia tin rằng hệ thống tiên tiến S-400 có thể phát hiện và bắn hạ các mục tiêu bao gồm cả tên lửa đạn đạo, chiến đấu cơ và máy bay không người lái của đối phương với khoảng cách lên đến 600km, ở độ cao từ 10m đến 27km.
S-400 vượt trội so với Patriot của Mỹ
Theo nhà phân tích quốc phòng Ajai Shukla, hệ thống phòng không Patriot của Mỹ có tốc độ 5.000km/giờ, trong khi S-400 của Nga có tốc độ bay lên tới 17.000km/giờ.
“Chúng tôi không mạo hiểm mối quan hệ song phương với Mỹ ở thỏa thuận này. Rõ ràng là họ không có hệ thống nào so sánh được với S-400. Tổng thống Mỹ có điều khoản cung cấp miễn trừ trừng phạt và khả năng cao Ấn Độ sẽ nhận được điều đó”, ông nói.
Theo kế hoạch, Ấn Độ được cho là sẽ nhận chuyển giao hệ thống S-400 vào tháng 1/2021. Nhưng với những căng thẳng đang diễn ra ở biên giới, nước này đã yêu cầu Nga xúc tiến việc bàn giao gấp rút hơn.
Các loại vũ khí khác như tên lửa Phòng không Tầm ngắn (VSHORAD) và trực thăng Kamov dự kiến sẽ được trang bị vào cuối năm 2020.
Vào tháng 7, Ấn Độ cũng đã hoàn tất việc mua thêm máy bay chiến đấu từ Nga, bao gồm 21 chiếc MIG-29 mới cùng với nâng cấp đội bay 59 chiếc MIG-29 hiện có.
Hệ thống radar tốt hơn
Theo tuyên bố từ Nga, với hệ thống radar mạnh mẽ, S-400 có thể khóa hơn 300 mục tiêu trên không và có thể ưu tiên mối đe dọa nào quan trọng để tiêu diệt ít nhất 30 đối tượng cùng lúc.
“S-400 có thể chứng tỏ là vũ khí thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Nó là một hệ thống phòng không tích hợp với phạm vi dao động từ 40-400km”, Amit Ranjan Giri, một phi công chiến đấu kỳ cựu của không quân Ấn Độ cho biết.
Nếu được triển khai dọc biên giới, S-400 sẽ cung cấp cho Ấn Độ phạm vi phủ sóng radar 600km với tùy chọn bắn hạ máy bay ở khoảng cách 400km tính từ lãnh thổ của mình.
Phản đối
Tuy nhiên, Subramanian Swamy, thành viên cấp cao của đảng cầm quyền BJP (đảng Bhartiya Janata) do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, đã cảnh báo Chính phủ không nên mua sắm hệ thống tên lửa của Nga.
“Chính phủ sẽ được khuyến cáo không sử dụng S-400 trong một cuộc chiến có thể xảy ra với Trung Quốc. Điều này là do S-400 được sản xuất bằng thiết bị điện tử của Trung Quốc. Nga ngày nay đang là một đối tác quan trọng của Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Trong khi các quan chức Bộ Quốc phòng không đưa ra bình luận về tuyên bố của Swamy, truyền thông Ấn Độ trích dẫn một cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ năm 2012 đã phát hiện 1.800 trường hợp thiết bị điện tử giả được sử dụng trong máy bay quân sự của Mỹ với 70% các bộ phận có nguồn gốc từ Trung Quốc.
“Các máy bay sử dụng thiết bị điện tử giả này bao gồm máy bay vận tải C-130J và máy bay tuần tra hàng hải P-8, cả hai đều đã được Mỹ bán cho Ấn Độ. Ngoài việc gây ra nguy cơ hỏng hóc, thiết bị giả mạo như vậy có thể được sử dụng như một phương tiện cấy ghép các hệ thống theo dõi và gián điệp”, tạp chí The Week của Ấn Độ lo ngại.