Sau cuộc tranh cử lãnh đạo Anh mùa hè nóng bỏng vừa qua bị chi phối bởi cuộc tranh luận về cắt giảm thuế, chính phủ của tân Thủ tướng Liz Truss sẽ công bố một kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế của “xứ sở sương mù”.
Chính phủ của bà Truss hôm 23/9 dự kiến sẽ công bố một loạt các cắt giảm về thuế, bao gồm cắt giảm thuế mua nhà mới, cũng như đảo ngược kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp và cắt giảm mức tăng thuế tiền lương gần đây. Chính phủ Anh cũng sẽ bãi bỏ các giới hạn về tiền thưởng cho các chủ ngân hàng và cho phép tiếp tục khai thác khí đá phiến trên khắp Vương quốc Anh.
Ít “Thatcher” và nhiều “Reagan” hơn
Các biện pháp này, được đưa ra bên cạnh kế hoạch chi tiêu lớn của chính phủ nhằm giới hạn hóa đơn năng lượng cho hộ gia đình và doanh nghiệp trong mùa đông sắp tới, có thể khiến chính phủ Anh tiêu tốn khoảng 100 tỷ Bảng Anh (113 tỷ USD) trong 2 năm tới.
Mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế đang đối mặt với tăng trưởng yếu và lạm phát cao, một phần do cú sốc giá năng lượng do giá khí đốt tự nhiên tăng vọt theo sau cuộc chiến ở Ukraine, cũng như tình trạng thiếu lao động do hậu quả của Brexit.
Nếu không có các gói cứu trợ của chính phủ, các nhà kinh tế cảnh báo rằng, nhiều người Anh sẽ không thể thanh toán hóa đơn năng lượng của họ trong mùa đông tới và hàng nghìn công ty sẽ phá sản.
Kế hoạch kinh tế của bà Truss vượt xa một gói cứu trợ ngắn hạn bằng cách cắt giảm thuế vĩnh viễn, khiến nó trở thành một nỗ lực rộng lớn hơn để thúc đẩy tăng trưởng cho Vương quốc Anh.
JPMorgan Chase & Co. đã dự đoán nền kinh tế Anh sẽ giảm 0,5% trong năm tới, nhưng đã điều chỉnh dự báo xuống còn 0,2% sau khi gói trợ cấp năng lượng được công bố.
Có nhận định cho rằng bà Truss đang cố gắng định hình hình ảnh chính trị của mình theo khuôn mẫu của bà Margaret Thatcher, nhà lãnh đạo những năm 1980, người cũng đã giúp tạo ra sự thay đổi kinh tế ở Vương quốc Anh.
Trong khi bà Thatcher cũng tán thành việc giảm thuế và bãi bỏ quy định, bà nhấn mạnh rằng việc mạnh tay cắt giảm chi tiêu phải được thực hiện trước khi cắt giảm thuế để không gây nguy hiểm cho tài chính của chính phủ, các nhà kinh tế cho biết.
Ngược lại, kế hoạch của bà Truss có nhiều điểm tương đồng với kế hoạch của ông Ronald Reagan hơn, ông Jonathan Portes, một nhà kinh tế học tại Đại học King’s College ở London cho biết. Vị Tổng thống thứ 10 của Mỹ (nhiệm kỳ 1981-1989) chủ trương tăng chi tiêu trong khi cắt giảm thuế.
“Mọi người nói về việc liệu bà ấy có hấp thụ các chính sách kinh tế của bà Thatcher hay không”, ông Portes nói, đồng thời cho rằng có vẻ chính sách của bà Truss ít “chất” Thatcher hơn và nhiều “chất” Reagan hơn.
Chính phủ Anh cũng đang lên kế hoạch cho một đợt bãi bỏ quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, để cố gắng củng cố vai trò của London như một trung tâm kinh doanh.
Nói tóm lại, kế hoạch bà Truss là một canh bạc táo bạo nhưng đầy rủi ro, khi đánh cược rằng “cái được” từ tăng trưởng cao hơn sẽ bù đắp được rủi ro do thâm hụt và nợ chính phủ mở rộng vào thời điểm lạm phát leo thang và lãi suất tăng, điều sẽ làm tăng chi phí để trả nợ và có thể làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Vương quốc Anh và đồng Bảng Anh.
Chỉ có thể chờ xem
Những người ủng hộ kế hoạch của bà Truss cho rằng, sẽ là chính đáng khi chấp nhận những rủi ro đó vào thời điểm nền kinh tế đối mặt với những làn gió ngược, trong khi những người chỉ trích lo ngại nó có thể thúc đẩy lạm phát ở Anh vốn đang ở mức 2 con số.
Các nhà phân tích nhận định, sự thành bại của canh bạc đó sẽ định hình vận may chính trị của cả bà Truss và Đảng Bảo thủ cầm quyền.
Bà Truss đã được các thành viên trong đảng (Tory) lựa chọn để thay thế cựu lãnh đạo Boris Johnson với hy vọng bà sẽ dẫn dắt họ tới chiến thắng kỷ lục lần thứ 5 liên tiếp cầm quyền vào năm 2024. Hiện các cuộc thăm dò cho thấy các Tory vẫn kém Đảng Lao động đối lập 10 điểm.
Kể từ khi được bầu làm Thủ tướng Anh từ đầu tháng này, bà Truss đã đề ra đường hướng kinh tế rõ ràng hơn nhiều so với người tiền nhiệm của mình và đang đảo ngược nhiều đợt tăng thuế mà chính phủ của ông Johnson đã thực hiện trước đó trong thời kỳ đại dịch.
Trong khi hầu hết các Tory sẵn sàng trao cơ hội cho nhà lãnh đạo mới của họ, thì nhiều người sẽ coi thị trường như một thước đo thực sự về khả năng lãnh đạo của bà Truss.
Kế hoạch của bà Truss được cho là sẽ giúp chống đỡ nền kinh tế Anh trong ngắn hạn nhưng có khả năng sẽ làm tăng lạm phát ở nước này trong trung hạn.
Sự kết hợp giữa chi tiêu cao hơn, bao gồm tăng chi tiêu quân sự, và thu nhập từ thuế thấp hơn, có thể khiến nợ chính phủ Vương quốc Anh đi vào con đường không bền vững, theo một báo cáo mới công bố trong tuần này của Viện Nghiên cứu Tài khóa (IFS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London. IFS dự báo rằng các chính sách mới sẽ nâng nhu cầu vay của chính phủ lên 100 tỷ Bảng Anh một năm vào năm 2024, so với ước tính trước đó là khoảng 40 tỷ Bảng.
Các biện pháp này cũng sẽ thúc đẩy nợ của Vương quốc Anh - vốn đã tăng trước các biện pháp mới nhất lên khoảng 100% sản lượng kinh tế hàng năm, so với khoảng 84% trước đại dịch - vào thời điểm khi lãi suất cao hơn khiến việc vay vốn trở nên tốn kém hơn.
“Sẽ là khá liều lĩnh, nếu không muốn nói là nguy hiểm, khi kết hợp việc mở rộng vay chính phủ một lần cần thiết về mặt chính trị (để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng) với việc cắt giảm thuế vĩnh viễn ồ ạt”, ông Portes, nhà kinh tế học tại Đại học King’s College ở London, người đồng thời là một cựu quan chức Bộ Tài chính Vương quốc Anh, cho biết.
Quay trở lại những năm 1980, ông Reagan đã đúng đắn khi đặt cược rằng chính phủ Mỹ có thể chấp nhận vay nhiều hơn mà không làm mất lòng tin của nhà đầu tư, phần lớn do vai trò quan trọng của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu, ông Portes nói. Nhưng liệu điều đó có áp dụng cho Vương quốc Anh và đồng Bảng Anh hay không vẫn còn cần được xem xét.
Quy mô của việc cắt giảm thuế do bà Truss đề xuất cũng khó có thể có tác động gần giống như quy mô của chính sách thời bà Thatcher, khi mức thuế cận biên hàng đầu của Anh là gần 80%. Và lâu dài hơn, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng Anh sẽ vẫn phải đối mặt với sự sụt giảm năng suất, đầu tư kinh doanh yếu và thương mại yếu kém kể từ khi nước này rời EU (Brexit).
Minh Đức (Theo Wall Street Journal, Politico.eu)