Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya đã khiến cuộc xung đột càng trở nên phức tạp hơn. Động thái của Ankara bị cáo buộc chống lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và những nỗ lực của Liên Hợp Quốc để hóa giải cuộc khủng hoảng.
Các nhà phê bình nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ bước chân vào Libya là để tận dụng nguồn tài nguyên dồi dào của quốc gia này, nhằm giải quyết sự phụ thuộc năng lượng và khủng hoảng kinh tế đang xấu đi một cách nguy hiểm.
Học chiến lược Iran
Theo Arab News, ở Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đang “học tập” cách can thiệp ở Trung Đông của Iran,. Ankara huấn luyện và vũ trang cho các nhóm dân quân địa phương, như cách Iran đã làm ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen để củng cố sự hiện diện của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa các chiến binh hậu thuẫn ở Syria đến chiến đấu ở Libya, tương tự như cách Iran đưa lính đánh thuê Afghanistan và Pakistan vào Syria. Đối với dư luận trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ miêu tả sự can thiệp ở Libya như một chiến thắng để khôi phục lại vinh quang trong quá khứ của đế chế Ottoman.
Cho đến gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ủng hộ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm khôi phục hòa bình, an ninh và ổn định ở Libya. Nước này đã tham gia vào một số cuộc họp quan trọng về Libya và đưa ra những tuyên bố đúng đắn về sự cần thiết của một giải pháp chính trị qua trung gian Liên Hợp Quốc.
Tháng 9 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia một cuộc họp về vấn đề Libya ở New York, được tổ chức bởi Đức và Pháp. Cuộc họp đã khởi động Tiến trình Berlin, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là bên tham gia hòa giải cuộc xung đột ở Libya và ủng hộ vai trò của Liên Hợp Quốc. Đây vẫn là nỗ lực quốc tế hứa hẹn nhất để chấm dứt khủng hoảng.
Nỗ lực này lên đến đỉnh điểm vào tháng 1 với Hội nghị Berlin, do Thủ tướng Angela Merkel triệu tập để tạo ra động lực chính trị mới và tăng cường sự hỗ trợ của quốc tế để tìm giải pháp cho cuộc xung đột.
Trong số những người tham dự có nguyên thủ quốc gia và đại diện cấp cao từ 12 quốc gia, bao gồm cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cùng với một số tổ chức quốc tế và khu vực.
Đáng tiếc những nỗ lực đó đã suy thoái vào tháng 3, khi ông Ghassan Salame từ chức đặc phái viên hòa giải của Liên Hợp Quốc tại Libya, do đó tạo ra khoảng trống ngoại giao và mở cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp công khai vào cuộc xung đột Libya.
Canh bạc mạo hiểm
Các cuộc ganh đua quyền lực chính trị toàn cầu và khu vực được coi là một yếu tố quan trọng trong canh bạc Libya của Thổ Nhĩ Kỳ - bao gồm cả sự cạnh tranh với Nga, Hy Lạp, Síp, Ai Cập và châu Âu.
Thời gian qua, Ankara đã muối mặt bởi một số thất bại ở Syria và không có khả năng khuất phục người Kurd ở quốc gia này. Chính vì vậy, Libya là chiến trường để Thổ Nhĩ Kỳ lấy lại thể diện.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cũng là một động lực nổi bật ở Libya. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế từ trước cả khi dịch COVID-19 hoành hành.
Tính đến năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi xuống vị trí mong manh nhất trên bảng xếp hạng các thị trường lớn mới nổi. Mùa hè năm đó, tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ suy giảm, thâm hụt ngân sách và thương mại của nước này nằm trong vùng nguy hiểm.
Khoản nợ của nước này được xếp hạng rủi ro thứ tư trên thế giới sau Venezuela, Argentina và Ukraine. Kéo theo đó, COVID-19 đã dẫn đến những đòn đánh bổ sung làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đương đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng. Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 99% nhu cầu khí đốt tự nhiên và 93% xăng dầu. Khoảng 40% nhiên liệu hóa thạch của nước này đến từ Nga.
Nhập khẩu năng lượng được đánh giá là điểm yếu kinh tế lớn nhất của đất nước. Với giá trị hơn 40 tỷ USD vào năm 2019, chiếm khoảng 20% giá trị tổng kim ngạch nhập khẩu, đây được coi là tác nhân chính gây ra thâm hụt ngân sách và các vấn đề nợ hiện tại.
Libya xuất hiện như một mục tiêu lý tưởng. Quốc gia Bắc Phi rất giàu nguồn năng lượng và có thể bù đắp chi phí cho sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, dựa trên những thất bại trước đó của NATO khi áp dụng giải pháp quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải nhận ra rằng chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể giải quyết cuộc xung đột này.
Một sự đồng thuận ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế là cần thiết để thúc đẩy mục tiêu hòa bình. Bản thân người Libya sẽ quyết định tương lai của đất nước họ.
Các động thái đơn phương như của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là sẽ thất bại. Không những vậy, Ankara thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với vị thế của mình trong thế giới Ả Rập và toàn bộ phần còn lại của thế giới.