Cảnh báo nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan

Cảnh báo nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 3, 23/08/2022 14:30

Nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết diễn biến bệnh rất nhanh, nguy cơ tử vong cao.

Nhiều trường hợp sốc sốt huyết, suy đa tạng

Thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết liên tục gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố.

Theo ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhi Đồng, Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng, Đồng Nai đã điều trị cho 19 bệnh nhi sốt xuất huyết phải thở máy, may mắn là các cháu đều được cấp cứu kịp thời.

Trong đó, trường hợp bé N.T.N là nặng nhất, điều trị thời gian dài, chi phí rất tốn kém. Trong quá trình điều trị bé phải sử dụng một số thuốc không nằm trong danh mục BHYT thanh toán nên tổ công tác xã hội của bệnh viện đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ với số tiền gần 100 triệu đồng, tổng chi phí trong quá trình điều trị của bệnh nhi là gần 150 triệu đồng.

Toàn cảnh - Cảnh báo nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan

Tổng chi phí trong quá trình điều trị của bệnh nhi N.T.N gần 150 triệu đồng.

Theo ghi nhận, bệnh nhi N.T.N, 10 tuổi được chuyển từ Bệnh viện ĐKKV Long Khánh đến Bệnh viện Nhi Đồng, tỉnh Đồng Nai trong tình trạng sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4, tổn thương gan nặng, theo dõi hôn mê gan, suy hô hấp.

Ngay sau khi được các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi đã được điều trị tích cực theo phác đồ truyền dịch ở trẻ sốc sốt xuất huyết Dengue, có tổn thương gan nặng, được thở máy, truyền máu, chế phẩm máu và tiến hành lọc máu liên tục 14 chu kỳ.

Trong quá trình điều trị bệnh nhân có nhiễm trùng kèm theo nên được điều trị kháng sinh tích cực. Các bác sĩ của Khoa hồi sức tích cực chống độc đã tiến hành hội chẩn khoa nhiều lần, hội chẩn với Ban giám đốc bệnh viện và xin ý kiến điều trị của các bệnh viện tuyến trên.

Theo ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, quá trình điều trị cho bé rất gian nan, diễn tiến bệnh của bé có lúc không thuận lợi, dù được điều trị theo đúng phác đồ nhưng tình trạng tổn thương gan vẫn diễn tiến. Khó khăn nhất là chống nhiễm trùng bệnh viện vì bé bị bệnh nặng sức đề kháng giảm, suy thận cấp- vô niệu, chức năng thận phải mất cả tháng mới hồi phục, phải sử dụng nhiều thủ thuật xâm lấn làm nguy cơ nhiễm trùng càng cao.

Các điều dưỡng của khoa phải chăm sóc, vệ sinh răng miệng hàng ngày cho bệnh nhân, ga giường, những đồ dùng của bệnh nhân phải được hấp tiệt trùng; bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh phải phối hợp để tắm tại giường cho bệnh nhân hàng ngày.

Sau quá trình điều trị tích cực, tập phục hồi chức năng, dần dần bé đã hồi phục, 3 tuần sau bệnh nhi đã cai được máy thở, chức năng các cơ quan hồi phục hoàn toàn. Đến nay bé tỉnh táo, đi lại bình thường và được xuất viện.

Tương tự, ngày 23/8, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân M.X.B. (19 tuổi, thuộc Sư đoàn 377- Quân chủng PKKQ) với bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, diễn biến bệnh rất nhanh.

Trước đó, bệnh nhân biểu hiện mệt mỏi, không sốt, xin đơn vị nghỉ học tập. Đến chiều cùng ngày mệt nhiều hơn, nôn ít dịch màu đen, khám tại quân y đơn vị nghĩ đến xuất huyết tiêu hoá nên chuyển Bệnh viện Quân y 103.

Tại đây, bệnh nhân được nội soi dạ dày tá tràng, phát hiện viêm trợt dạ dày tá tràng xuất huyết. Xét nghiệm có biểu hiện suy chức năng đa tạng nặng, test Dengue dương tính.

Toàn cảnh - Cảnh báo nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan (Hình 2).

Bệnh nhân M.X.B. đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 103.

Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng, biến chứng suy đa tạng và chuyển khoa Hồi sức nội điều trị trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng rối loạn ý thức, không sốt, xuất huyết dưới da ở các vị trí chọc kim tiêm – truyền. Ngoài ra còn bị viêm trợt xuất huyết đường tiêu hóa, xung huyết giác mạc mắt 2 bên, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt sâu, vô niệu hoàn toàn.

Các xét nghiệm biểu hiện suy chức năng đa tạng, men tim, men cơ đều tăng cao, chức năng thận suy cấp tính. Phim X-quang phổi và siêu âm có hình ảnh tràn dịch đa màng mức độ nhiều. Bệnh nhân được hội chẩn cấp cứu và chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, biến chứng suy đa tạng, tràn dịch đa màng.

Nhận định đây là một ca bệnh rất nặng, biểu hiện lâm sàng phức tạp, diễn biến rầm rộ nhưng không điển hình, nếu không điều trị kịp thời và đúng hướng bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thông khí bảo vệ phổi, dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp, lọc máu liên tục (4 lần), truyền các chế phẩm máu khối lượng lớn phối hợp kháng sinh phổ mạnh... và chăm sóc điều dưỡng tích cực nhằm từng bước đảo ngược tình thế.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 cho biết, trong quá trình điều trị, có những lúc tình trạng của bệnh nhân xấu đi nhiều, tưởng chừng như không còn cơ hội. May mắn là sau 14 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã gần như vượt qua cửa tử. Bệnh nhân được rút nội khí quản ngày thứ 14 sau khi thở máy, diễn biến sau đó ổn định dần theo từng ngày.

Trước đó, tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận hai bệnh nhi trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue, mạch nhanh, sốt cao liên tục, suy đa tạng, là trường hợp rất nặng.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi nam N.T.L.M (15 tuổi) sốt cao liên tục 5 ngày, đã điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không đỡ, phải chuyển lên tuyến trên. Trẻ nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mạch nhanh, sốt cao liên tục, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue.

Ths. Phạm Văn Hưng - Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho viết, bệnh nhân M. được điều trị chống sốc theo phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue, bao gồm cả truyền dịch cao phân tử. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi này vẫn diễn biến xấu, sốc không cải thiện kèm theo suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, dịch màng bụng số lượng nhiều.

Các bác sĩ phải xử trí đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ, sử dụng vận mạch Adrenalin, Noradrenalin... Sau đó 2-3 giờ, tình trạng bệnh nhi đột ngột xấu đi, trẻ tím tái, huyết áp tụt, thở máy yêu cầu thông số rất cao nhưng trẻ vẫn tím, SpO2 chỉ 60-70%, hút nội khí quản có ít máu tươi.

Toàn cảnh - Cảnh báo nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan (Hình 3).

Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng đột biến (Ảnh minh họa).

Trước diễn biến nguy kịch của trẻ, cá bác sĩ đã chủ trì hội chẩn khẩn cấp. Ngay lập tức, bệnh nhi được chụp X-quang tim, phổi tại giường thì thấy bóng tim nhỏ, siêu âm tim thấy chức năng tim giảm nặng, chỉ số đánh giá chức năng bơm máu của tim EF chỉ còn 28-30%. Xác định đây là trường hợp bị biến chứng nặng của sốt xuất huyết Dengue, sốc, viêm cơ tim cấp, vấn đề đặt ra cho bác sĩ điều trị là phải cân nhắc giữa bù dịch nhanh trong sốc do huyết tương bị thoát mạch nhưng phải hạn chế dịch do viêm cơ tim cấp, chức năng tim giảm rất nặng.

Sau hơn 7 ngày điều trị, bệnh nhi bắt đầu giảm được vận mạch và thuốc trợ tim, trẻ ổn định dần, rút được nội khí quản, cắt được hết vận mạch trợ tim. Sau một tháng điều trị, bệnh nhi M. đã hồi phục hoàn toàn được xuất viện.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi T.T. (13 tuổi), cũng điều trị tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ điều trị vừa phải cho bệnh nhân dùng thuốc trợ tim, vận mạch vừa phải truyền dịch chống sốc nhưng tốc độ dịch truyền chỉ còn 2/3 so với phác đồ và phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu quá tải dịch, các thuốc hỗ trợ gan truyền tĩnh mạch, truyền các yếu tố đông máu: Tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh. Sau đó, các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa răng hàm mặt và tai mũi họng đến lần thứ 3 mới tìm ra điểm chảy máu ở lỗ mũi sau và nhét Merocel cầm máu.

Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi T. rút được nội khí quản, chức năng đông máu và các tạng cải thiện dần. Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhi cũng được xuất viện với tình trạng khỏe mạnh bình thường.

Liên tiếp các ca tử vong do sốt xuất huyết, không được chủ quan tự điều trị

Mặc dù đã có cảnh báo, song một số người khi bị sốt vẫn tự điều trị tại nhà, dẫn tới nguy kịch, thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết đang tăng mạnh, nhiều ca biến chứng, sốc nặng nhập viện, nguy hiểm tới tính mạng.

Tại Đắk Lắk ghi nhận ca tử vong thứ 5 do sốt xuất huyết. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân thứ 5 vừa tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn là N.G.B, sinh năm 2010, trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.

Tại Đồng Nai cũng vừa ghi nhận một nữ bệnh nhân 25 tuổi, trú tại huyện Trảng Bom tử vong do sốt xuất huyết. Ngày 2/8, cô gái bị sốt và tự mua thuốc về uống. Ngày 5/8, cơn sốt giảm, bệnh nhân đỡ hơn nhưng lại bị đau lưng nên đến phòng khám tư và được kê đơn thuốc. Tối cùng ngày, cô gái mệt mỏi hơn, đau bụng tăng dần, buồn nôn và nôn. Sáng hôm sau, cô được người nhà phát hiện đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng mệt mỏi, tím tái, khó thở, ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết ngày thứ 4, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, điều trị hồi sức tích cực và đã đỡ hơn. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, do bệnh tình quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.

Có nhiều bệnh nhân sau khi sốt đã tự mua thuốc về uống, hoặc ra phòng khám tư, không xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết hoặc cúm, mà cho truyền dịch. Đây là điều khá nguy hiểm khi có người truyền dịch quá sớm. Nhiều người khi bị sốc mới được gia đình đưa vào viện thì đã muộn. Tại Hà Nội, những năm trước đã có trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong khi truyền dịch tại nhà; hoặc có trường hợp mắc sốt xuất huyết tự điều trị tại nhà, đến ngày thứ 5 bệnh nặng, nguy kịch mới đưa vào viện thì đã không cứu được.

Trong một diễn biến khác, thời gian qua ghi nhận hàng loạt trẻ em thừa cân, béo phì sốc sốt xuất huyết thập tử nhất sinh. Theo Bộ Y tế, trẻ em béo phì mắc sốt xuất huyết nguy cơ tăng nặng và tử vong cao hơn.

PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM cho biết, có bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng với nhiều yếu tố nguy cơ như sốc sốt xuất huyết ở độ nặng nhất, tái sốc trên cơ địa dư cân béo phì khi có cân nặng lên tới 53 kg, trong khi cân nặng chuẩn ở lứa tuổi này chỉ là 26 kg.

PGS.TS Quang cảnh báo, có nhiều trường hợp bệnh nhi không chỉ nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch mà còn có tổn thương đa cơ quan có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, phụ huynh phải luôn cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, nhất là những trẻ thừa cân, béo phì. Ngoài các biện pháp phòng bệnh bằng cách diệt lăng quăng (bọ gậy), ngăn ngừa muỗi đốt, phụ huynh cần lưu ý, khi trẻ sốt cao 2 - 3 ngày và có các biểu hiện như quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống… cần đưa đến các cơ sở y tế để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết và được điều trị kịp thời.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng, có trường hợp vừa nhập viện sau một ngày đã tử vong. Cụ thể, ngày 19/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, địa phương này vừa ghi nhận thêm một ca tử vong do sốt xuất huyết.

Trường hợp mới ghi nhận là nữ, ngụ Tp.Bà Rịa. Ngày 15/8, bệnh nhân đi chăm con tại khoa nhiễm Bệnh viện Bà Rịa. Đến ngày 17/8, người này phải cấp cứu với triệu chứng đau tức ngực, đau hạ sườn phải.

Sau khi hội chẩn hồi sức cấp cứu với chẩn đoán sốt xuất huyết, kèm đái tháo đường, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Xét thấy trường hợp bệnh nhân quá nặng, Bệnh viện Bà Rịa đã chuyển ca bệnh lên Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM).

Đến khoảng hơn 15h ngày 18/8, bệnh nhân được xác định tử vong, nguyên nhân do sốt xuất huyết nặng (biến chứng sốc, tổn thương gan cấp, xuất huyết nặng, bệnh đái tháo đường không phụ thuộc Insuline, béo phì không đặc hiệu).

Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ghi nhận 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Trong đó Tp.Vũng Tàu 3 ca, huyện Long Điền 2 ca, thị xã Phú Mỹ và Tp.Bà Rịa mỗi nơi một ca.

Theo khuyến cáo của ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc, Đơn nguyên Khám Sức khoẻ tổng quát, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, người bệnh không tự ý dùng các thuốc hạ nhiệt khi chưa xác định biểu hiện sốt là do bệnh gì, nhất là Aspirin và Ibuprofen. Hai thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng. Thay vào đó, có thể hạ sốt bằng cách cho người bệnh mặc đồ mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm vắt kiệt đắp vào trán, nách cho người bệnh. Nếu phải dùng thuốc, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không thực hiện cạo gió.

Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây thoát dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1; DEN-2; DEN-3; DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt, muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, gia tăng vào mùa mưa, gặp ở cả trẻ em và người lớn. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Minh Vy (T/h Tin Tức, Vietnamnet, Sức khỏe & Đời sống, VOV)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.