Mập mờ sàn ảo, tin đồn mạng
Trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh, nhu cầu tích trữ và đầu tư kim loại quý này đang tăng mạnh. Bên cạnh kênh mua bán truyền thống tại các cửa hàng, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang hình thức mua vàng trực tuyến vì tính tiện lợi, nhanh chóng.
Chị Lê Thanh Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên văn phòng, cho biết: "Tôi từng ngại mua vàng online vì sợ rủi ro. Nhưng từ khi thử đặt vàng miếng qua app chính thức của Phú Quý và sau đó là PNJ, tôi thấy rất yên tâm.
Giá cập nhật liên tục, thanh toán online qua ngân hàng nội địa nhanh chóng, có hóa đơn điện tử và biên nhận rõ ràng. Đặc biệt, tôi có thể chọn giữ vàng tại cửa hàng hoặc nhận tại nhà – cực kỳ tiện lợi".
Anh Nguyễn Thanh Tùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), một nhà đầu tư cá nhân cho biết, thường theo dõi giá vàng và đặt lệnh mua qua website của SJC hoặc DOJI. Ưu điểm là minh bạch, có bảng giá cụ thể từng loại vàng, phí mua bán rõ ràng. Ngoài ra, anh còn được tư vấn bởi nhân viên trực tổng đài, nên không lo bị lừa. Đôi khi còn được hưởng ưu đãi giảm giá phí khi mua online.
Mua vàng qua mạng hoàn toàn có thể là một lựa chọn an toàn, tiện lợi nếu người dùng lựa chọn đúng kênh chính thức, thương hiệu uy tín. Tuy nhiên, trong bối cảnh lừa đảo ngày càng tinh vi, không ít người lại trở thành nạn nhân chỉ vì nhẹ dạ tin theo lời quảng cáo, mời chào trên mạng xã hội.
Trên thực tế, song song với các nền tảng giao dịch chính thống, mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các chiêu trò mạo danh, lừa đảo tinh vi trong giao dịch vàng online.
Lợi dụng tâm lý chuộng đầu tư, kỳ vọng lãi cao, nhiều tài khoản Facebook đã giả mạo tên tuổi các thương hiệu lớn như Phú Quý, DOJI… để lôi kéo người mua, thậm chí tạo fanpage có dấu tick xanh giả, quảng bá sản phẩm đã ngừng bán, rồi yêu cầu chuyển khoản trước 100% và chiếm đoạt tài sản.

Phú Quý cảnh báo về fanpage giả mạo.
Hồi tháng 4 vừa qua, CTCP Đầu tư Vàng Phú Quý đã phát có thông báo hiện xuất hiện Facebook tick xanh giả mạo có tên "Tập đoàn Phú Quý" và "Phú Quý Silver" giống hệt các Fanpage chính thức của đơn vị này, lừa khách hàng chuyển tiền vào tài khoản công ty lạ nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, trên các hội nhóm Facebook chuyên về "trade vàng" hay đầu tư tài chính, hàng loạt tài khoản cá nhân đang ồ ạt mời chào người dùng tham gia các sàn giao dịch vàng như FPG, KCM.... Những lời giới thiệu đều được tô vẽ bằng các cụm từ gây hiểu nhầm như: "chuẩn Úc", "giấy phép đầy đủ", "rút nạp nhanh", "robot top 1", "bonus chịu giá 20%", "passview 24/7", hay "trade thoải mái với vốn 5k".


Hàng loạt tài khoản cá nhân đang ồ ạt mời chào người dùng tham gia các sàn giao dịch vàng.
Không dừng lại ở quảng bá chung chung, nhiều tài khoản còn để lại số điện thoại, Zalo kèm lời mời "inbox riêng để tư vấn đầu tư". Đáng chú ý, một số người còn tự bình luận bằng nhiều tài khoản khác nhau để tạo hiệu ứng đám đông, khiến người mới dễ tin tưởng rằng đây là cộng đồng đầu tư thật, sàn uy tín đã được kiểm chứng.
Nguy hiểm hơn, bên cạnh các bài đăng mời gọi đầu tư, một số tài khoản còn liên tục tung tin trái chiều để thao túng tâm lý nhà đầu tư. Có thời điểm, sáng sớm một tài khoản bất ngờ đăng tin "vàng sắp tăng đột biến, ai muốn mua thì tranh thủ", thì đến chiều cùng ngày lại đăng cảnh báo "giá vàng lao dốc, phải xả ngay kẻo lỗ nặng".
Những thông tin thiếu kiểm chứng, mang tính giật gân này tạo ra hiệu ứng nhiễu loạn, đẩy những người nhẹ dạ vào vòng xoáy mua bán theo cảm xúc, đặc biệt là các nhà đầu tư "lướt sóng".
Thực tế, giá vàng trong nước thời gian qua dù biến động nhưng vẫn ở mức cao, không xuất hiện những cú tăng hay giảm sốc như lời đồn. Người tham gia mua bán dễ bị đánh lừa cảm xúc, rơi vào bẫy mua đắt – bán rẻ, dẫn tới thua lỗ mà không hiểu nguyên nhân.
Sự an toàn cần đặt lên hàng đầu
Theo ông Trương Vi Tuấn - chuyên gia trang Giavang.net, việc mua bán vàng qua mạng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. "Hiện tại, câu chuyện nhà đầu tư muốn mua lại vàng của người khác, không qua tiệm diễn ra rất phổ biến. Người bán bán được giá cao hơn, người mua mua được giá thấp hơn niêm yết.
Tuy nhiên, khi không được kiểm định chất lượng 1 cách rõ ràng, giấy tờ mua – bán đầy đủ, người mua sẽ gặp các rủi ro liên quan tới: vàng giả, giao dịch thanh toán ngân hàng lỗi… Chính vì vậy, tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng với hình thức này, sự an toàn cần đặt lên hàng đầu", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, vàng thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cá nhân và tổ chức vẫn ngang nhiên thực hiện các giao dịch vàng, từ nhỏ lẻ đến số lượng lớn, qua các nền tảng mạng xã hội mà không tuân thủ quy định pháp luật.

Chuyên gia đánh giá việc mua bán vàng qua mạng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Ông Đức nhấn mạnh: "Khi kinh doanh vàng, nhất là vàng miếng, việc phát hành hóa đơn, chứng từ là bắt buộc. Kinh doanh vàng miếng mà không có giấy phép là vi phạm pháp luật."
Bộ Công an mới đây cũng đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn mạo danh doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý kêu gọi người dân đầu tư mua bạc tích trữ.
Trong đó chỉ ra phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là mua lại các tài khoản Facebook có tích xanh từ trước, đổi tên thành các thương hiệu uy tín để tạo sự tin cậy cho người dân, đăng tải nhiều bài viết giống như tài khoản thật của các thương hiệu.
Chỉ nhận đặt hàng qua các tài khoản Facebook, yêu cầu người dân thanh toán toàn bộ tiền hàng trước với lý do mặt hàng có hạn, chỉ nhận những đơn thanh toán trước. Chiếm đoạt tiền và chặn liên lạc với người dân.
Bộ Công an cảnh báo người dân cần thận trọng khi tham gia mua hàng trên mạng nói chung, đầu tư vàng bạc, trang sức nói riêng. Cần tìm hiểu kỹ thông tin về các trang mạng xã hội của cơ sở kinh doanh.
Luôn kiểm tra tính minh bạch của các trang Facebook bán hàng trên mạng. Đồng thời yêu cầu người bán cho thanh toán khi nhận hàng, kiểm tra kỹ thông tin tài khoản nhận tiền thông qua trang web chính thức hoặc hotline của các thương hiệu uy tín.
Ngày 14/5/2025, giá vàng miếng trong nước ghi nhận sự giảm nhẹ so với ngày hôm qua, nhưng tạm ổn định và không có biến động lớn trên các hệ thống lớn như SJC, DOJI (Hà Nội và TP.HCM), Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC và DOJI (tại Hà Nội và TP.HCM) cùng Bảo Tín Minh Châu đồng loạt niêm yết ở mức 118 triệu đồng/lượng mua vào và 120 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng nhẫn SJC loại 1-5 được niêm yết ở mức 112,5-115 triệu đồng/lượng (mua-bán). Giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu cao hơn một chút, niêm yết ở mức 115,5-118,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).