Mỗi khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu, vấn nạn sách giáo khoa giả, lậu lại được đặc biệt quan tâm. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, sách giả còn tiềm ẩn nguy cơ sai lệch kiến thức, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập. Song hành với việc nâng cao chất lượng của từng trang sách, các nhà xuất bản chính thống cũng đang phải "gồng mình" chống lại tình trạng in ấn, phát hành sách trái phép tràn lan, bảo vệ quyền tác giả.
Là một trong những đơn vị uy tín trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) không ít lần bị ảnh hưởng kinh tế, uy tín do sách giả, sách lậu mang lại.
Mặc dù, NXBGDVN đã chủ động triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong nội bộ hệ thống cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm đấu tranh với vấn nạn này. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong năm 2024, NXBGDVN đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 15 vụ sách giả tại 8 tỉnh/thành với hàng triệu cuốn sách giả có giá bìa gần 60 tỷ đồng.

NXBGDVN hướng dẫn phân biệt sách giáo khoa thật và giả.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Minh Thuý – Văn phòng luật sư Vạn Bảo, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội cho biết hành vi buôn bán sách giả và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Cụ thể, đối với người in sách lậu không có sự cho phép của chủ sở hữu thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131.
Người in sách lậu không có sự cho phép của chủ sở hữu thì có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng (đối với cá nhân) và 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng (đối với tổ chức).
Ngoài ra, còn buộc phải bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm trên.
Đối với hành vi buôn bán hàng giả phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định đối với cá nhân phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm tuỳ mức độ, tính chất nguy hiểm cho xã hội.
Hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người tiêu dùng cẩn tỉnh táo khi mua sách giáo khoa trôi nổi trên thị trường.
Tuy đã có những quy định và hình phạt răn đe, nhưng cũng theo luật sư Nguyễn Minh Thuý việc xử lý, phát hiện các hành vi in ấn, phát hành, buôn bán sách giáo khoa giả hết sức khó khăn.
"Các đối tượng sử dụng kỹ thuật, công nghệ làm sách giáo khoa giả ngày càng tinh vi và gần như là giống với sách thật. Chưa kể đến, mọi công đoạn của việc in lậu, phát hành sách được tiến hành một cách nhanh gọn, trong một quy trình khép kín. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiện phát hiện và xử lý vi phạm", bà Thuý cho hay.
Hiện nay, để bảo vệ người tiêu dùng, ngăn chặn sách giáo khoa giả, NXBGDVN đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp mạnh, từ nâng cao chuẩn mực nội dung, hình thức đến dán tem chống giả công nghệ cao giúp dễ dàng xác thực.

Nhiều phương pháp phân biệt sách giáo khoa thật và giả.
Áp dụng công nghệ mới để ngăn ngừa sách giáo dục giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật sách giả...
Bên cạnh đó, NXBGDVN phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, giáo viên, học sinh nhận diện và lựa chọn sách thật cũng được đẩy mạnh.
NXBGDVN khuyến cáo chỉ mua sách tại hệ thống phân phối chính thức, kiểm tra kỹ tem, giá và phản ánh kịp thời khi phát hiện dấu hiệu giả mạo. Đây chính là nỗ lực đồng bộ để bảo vệ quyền lợi người học và giữ vững uy tín ngành xuất bản.