Ngày 11/2, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) cho biết, vào 7h30 cùng ngày (3h30 ở Thổ Nhỹ Kỳ), phía đông nam quốc gia này có tuyết rơi dày, nền nhiệt chênh lệch hàng chục độ so với thời tiết ở Việt Nam.
Lúc này, đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ quốc tế với 24 thành viên thuộc Bộ Công an đã tới thành phố Adıyaman.
15 người mắc kẹt trong căn nhà sập tại thành phố Adıyaman, Thổ Nhĩ Kỳ
Dù thời tiết khắc nghiệt nhưng cảnh sát Việt Nam đang nỗ lực từng ngày tìm kiếm người gặp nạn
Theo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, trước đó, đoàn đã hạ cánh xuống sân bay Adana trong chuyến bay xuất phát từ Istanbul. Thời tiết ở đây rất lạnh, chỉ cần bỏ găng tay ra là cả bàn tay đã bị tê cóng. Từ Adana tới địa điểm cứu nạn, cứu hộ hơn 300km. Ban đầu cảnh sát dự kiến di chuyển trong 6 giờ. Tuy nhiên, tuyết rơi dày và đường trơn khiến đoàn mất tới 10 giờ để tới nơi. Khi đến hiện trường, khu vực này ngổn ngang với khối lượng công việc khổng lồ.
Lực lượng của Bộ Công an Việt Nam sau đó được giao tìm kiếm cứu nạn tại đống đổ nát của một tòa nhà trên đường 531, thuộc thành phố Adıyaman, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi này được cho là đã vùi lấp 15 người sau trận động đất ngày 6/2.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, cùng trung tá Nguyễn Chí Thành (thuộc Công an TP.HCM) đã đến gặp ban tổ chức để trao đổi và lên phương án cụ thể. Hiện, chưa tìm thấy dấu hiệu nào của những nạn nhân bị mắc kẹt. Mặc dù 4 ngày trôi qua, đoàn vẫn nỗ lực và hy vọng có phép màu để cứu sống người dân nước bạn.
4 ngày trôi qua, đoàn vẫn nỗ lực và hy vọng có phép màu để cứu sống người dân nước bạn
Tính đến sáng 11/2, số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên hơn lên 23.726 và hơn 85.000 người bị thương, theo đài CNN.
Số người chết trong trận động đất mạnh 7,8 độ hôm 6/2 và một số dư chấn mạnh ở cả hai quốc gia đã vượt qua con số thương vong trong trận động đất có cường độ tương tự, diễn ra năm 1999 ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 17.000 người thiệt mạng.
Quỳnh An