Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Nếu đấu thầu 4 trạm thu phí sẽ thu hồi vốn trong 5-7 năm
Tại tổ thảo luận số 9, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng đầu tư cao tốc là rất cần thiết vì Việt Nam đang thiếu.
Song với tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng cho 729 km đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, ông Cường tính toán chi phí khoảng 200 tỷ đồng/km và cho rằng suất đầu tư như vậy là cao so với thế giới. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cần phải xem lại việc tính toán định mức kỹ thuật.
Trước vấn đề đặt ra suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam cao hay thấp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, mức đầu tư đưa ra là khái toán, dự báo chứ chưa lập dự án, dự toán và chưa tính phương án đền bù nên chưa thể nói mức này cao hay thấp.
Dù vậy, theo Bộ trưởng Tài chính, mức đầu tư bình quân cho đường cao tốc hiện nay là khoảng 200 tỷ đồng/km, còn tùy vào nền đường vì nền đường Bắc Bộ khác, Trung Bộ khác và vùng Nam Bộ khác…
Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm rằng, tổng dự toán bao giờ cũng nhỏ hơn tổng mức đầu tư và theo lý thuyết thì quyết toán nhỏ hơn dự toán.
“Khi lập dự toán, phê duyệt từng dự án, Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về mức độ chính xác của tổng mức đầu, cũng như thiết kế dự toán”, ông Phớc nhấn mạnh.
Góp ý cho phương án nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn sau khi dự án hoàn thành, ông Phớc cho biết ban đầu, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra phương án đầu tư 4 dự án thành phần bằng phương thức BOT với tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ. Sau khi dự án hoàn thành sẽ đặt 4 trạm thu phí, dự kiến mỗi trạm thu 730 triệu/ngày và thu trong khoảng 15 năm.
Sau khi tính toán lại, Bộ trưởng Tài chính cho rằng đầu tư công toàn tuyến với 12 dự án thành phần, sau đó đặt 4 trạm trên toàn tuyến, tức là mỗi trạm cách nhau 243km rồi tổ chức đấu thầu, giao tư nhân quản lý, sẽ hiệu quả hơn nhiều.
“Sau khi có đường rồi, có quy hoạch rồi sẽ đặt vị trí 4 đặt trạm để tính toán xem mỗi ngày có bao nhiêu lượng xe đi qua và thu được bao nhiêu tiền. Từ đó xây dựng phương án đấu thầu. Đơn vị nào có phương án hiệu quả nhất, thu phí trong thời gian ngắn nhất sẽ được lựa chọn”, ông Phớc giải thích.
Ông Phớc tính toán, nếu theo phương án này thời gian thu phí sẽ chỉ còn 5-7 năm thay vì 15 năm như dự tính ban đầu. Như vậy, số tiền Nhà nước đã bỏ ra đầu tư sẽ sớm được thu hồi, nên phương án này không ảnh hưởng gì mà chỉ còn có lợi.
Cần phải tính toán để đảm bảo hạ tầng đồng bộ
Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết dự án ảnh hưởng tới khoảng 14.983 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, số hộ phải tái định cư là 11.905 hộ. Tuy nhiên trong tờ trình chưa nêu rõ phương án di dân tái định cư, định canh.
"Tôi đề nghị bổ sung vào tờ trình phương án di dân, tái định canh, định cư. Cùng với đó là những chính sách hợp lý về việc đền bù thoả đáng đối với hộ dân có đất ở, đất sản xuất bị ảnh hưởng trong quá trình giải phóng mặt bằng", bà Yên nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh việc 45.000 nhân khẩu phải giải quyết khâu tái định canh và định cư, và đây là con số lớn. "Xây dựng các khu tái định cư phải đảm bảo vấn đề sản xuất, sinh kế", bà Lịch nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lịch, tác động của dự án cần bổ sung các quy định về phát triển các điểm dân cư, cụm công nghiệp, vùng sản xuất dọc theo tuyến. Những hạ tầng này phải đi liền với nhau và đồng bộ hoá thúc đẩy kinh tế các địa phương.
"Cần phải tính toán để đảm bảo hạ tầng đồng bộ, tránh việc như một số tuyến cao tốc không có đường gom, không có đường dân sinh… Cần tính toàn kỹ để tránh phát sinh thêm đầu tư bổ sung hạ tầng", đại biểu đoàn Bắc Giang đề xuất.
Trước ý kiến của bà Lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng: "Làm đường tỉnh lộ dân mừng lắm nhưng làm đường cao tốc dân không mừng đâu. Dân không thích đường cao tốc đi qua, vì đường cao tốc là "bất khả xâm phạm". Giải pháp để có đường dân sinh là rất quan trọng".