Có mặt tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong lễ công bố quyết định trao tặng 15 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% cho 15 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh Thắng (34 tuổi, Hà Tĩnh) và chị Tron (36 tuổi) không giấu được xúc động khi kể về hành trình 12 năm tìm kiếm con yêu của mình.
Chị Tron là người dân tộc Cơ Tu, quê tại Quảng Nam còn anh Thắng là người dân tộc Kinh. Năm 2012, sau một thời gian tìm hiểu, vượt qua những khác biệt về truyền thống văn hóa, chị Tron và anh Thắng tiến tới hôn nhân về chung một nhà. Chỉ sau 1 năm, chị Tron có thai tự nhiên, niềm vui vỡ òa đến với cặp vợ chồng trẻ. Thế nhưng, niềm vui ấy đã kết thúc khi chị Tron không may sảy thai ở tuần thứ 8.
Vợ chồng anh Dũng, chị Ngọc vỡ òa khi "tìm" con yêu.
Thu nhập của gia đình chỉ trông vào 3 sào ruộng, thi thoảng anh Thắng đi thu hoạch cây keo thuê cho chủ vườn với số tiền công 150.000 đồng/ngày. Dành dụm được ít tiền, năm 2014, vợ chồng anh Thắng, chị Tron ra Hà Nội thăm khám.
"Lúc ấy các bác sĩ nói không có vấn đề gì. Nghĩ vậy đã an tâm, hai vợ chồng tôi về nhà để tiếp tục chờ đợi tin vui. Thế nhưng, suốt thời gian ấy càng chờ đợi mong mỏi, càng không có được niềm hạnh phúc đón con yêu suốt 12 năm liền. Cũng gần như từng đó thời gian, chúng tôi chẳng dám đến nhà ai chơi suốt 12 năm qua vì sợ những lời gièm pha về việc không thể sinh con. Thậm chí có người còn nói gia đình tôi không có con vì bị... ma theo, quỷ ám"- chị Tron kể lại.
Cuối năm 2023, vợ chồng anh Thắng, chị Tron ra Hà Nội thăm khám tại bệnh viện. May mắn, gia đình chị Tron được hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký xét duyệt miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF và may mắn đã mỉm cười với vợ chồng chị Tron.
Có mặt tại bệnh viện, vợ chồng anh Dũng (33 tuổi) và chị Ngọc (24 tuổi) quê ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình (đều mang gen bệnh thalassemia) không dấu được niềm hạnh phúc.
Chia sẻ về hành trình 6 năm đằng đẵng tìm con của gia đình, anh Dũng kể, vợ chồng anh kết hôn năm 2018. Trong 5 năm, vơ anh có thai tự nhiên 3 lần. Thế nhưng, cả 3 lần đều không giữ được thai. Đã có lúc vợ chồng anh Dũng chị Ngọc muốn dừng lại bởi nỗi sợ rằng sẽ không có duyên phận để được làm cha mẹ.
Cho đến năm 2022, chị Ngọc quyết định thử thêm một lần nữa, đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kiểm tra. Lúc này, bác sĩ nói do cả hai vợ chồng đều mang gen bệnh thalassemia - tan máu bẩm sinh và đây cũng là nguyên nhân khiến chị Ngọc sảy thai 3 lần.
Anh Dũng nói lúc ấy bác sĩ tư vấn chỉ có 25% cơ hội sinh con không mang gen và có thể thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) kết hợp sàng lọc phôi để tìm ra phôi thai khỏe mạnh. Khi ấy, một hy vọng được thắp lên cho cặp vợ chồng nhưng chi phí quá lớn, hai vợ chồng không đủ tài chính.
May mắn mỉm cười, năm 2023 anh chị nhận được gói hỗ trợ IVF miễn phí và đã thành công mang thai trong lần đầu tiên. Tháng 8/2023, cặp vợ chồng đã đón được con yêu.
"Con đã sắp tròn 1 tuổi, nhưng tôi không thể quên được niềm hạnh phúc khi nghe được tiếng khóc khi con chào đời. Các cặp vợ chồng hiếm muộn hãy cứ hy vọng, đặt niềm tin vào y học hiện đại, con yêu không đến thì mình tìm con"- anh Dũng chia sẻ.
Theo BS Đinh Hữu Việt, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thực tế trong quá trình thăm khám, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp khó, hiếm muộn do nhiều nguyên nhân như: người chồng vô tinh – không có tinh trùng trong tinh dịch, người vợ mắc các bệnh lý hệ sinh sản nữ giới, trường hợp vợ chồng mang gen bệnh lý di truyền sinh ra những em bé không khỏe mạnh hay những trường hợp lưu sảy thai liên tiếp…
Với những trường hợp này, việc can thiệp hỗ trợ sinh sản IVF kết hợp với các kỹ thuật y học hiện đại là điều cần thiết để tăng cơ hội điều trị và sinh ra những em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, chi phí điều trị cho những trường hợp này sẽ tốn kém hơn, tạo thêm áp lực cho các cặp vợ chồng trên hành trình tìm con. Thấu hiểu được những khó khăn đó, Bệnh viện đã mở rộng thêm các gói hỗ trợ một phần chi phí cho những trường hợp cần can thiệp các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên sâu, phức tạp. Bệnh viện mong muốn san sẻ phần nào áp lực tài chính, truyền động lực cho các gia đình hiếm muộn chưa thể đón được con yêu về nhà bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng sẽ giúp tăng cơ hội có con cho nam giới vô tinh, đặc biệt là những trường hợp vô tinh không do tắc nghẽn vốn là thách thức lớn trong điều trị vô sinh nam. Kỹ thuật này thường được chỉ định cho các trường hợp nam giới không có tinh trùng do các nguyên nhân như: teo tinh hoàn do quai bị, các bất thường về gen, bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter…), tinh hoàn ẩn, hội chứng sinh tinh nửa chừng...
Các bất thường ở buồng tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nữ giới. Việc phát hiện kịp thời các bất thường như: dính buồng tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung hay viêm niêm mạc tử cung…có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn.
Diệu Thu