Cây ca cao “lội ngược dòng” sau gần 20 năm bị lãng quên

Cây ca cao “lội ngược dòng” sau gần 20 năm bị lãng quên

Thứ 5, 01/05/2025 09:42

Giá ca cao tăng vọt, đạt mức kỷ lục sau nhiều năm, đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, cơn “sốt giá” này cũng khiến cho thị trường giống cây ca cao liên tục rơi vào tình trạng khan hiếm, cung không đủ cầu.

Hồi sinh trên những vườn ca cao

Gần đây, giá ca cao liên tục tăng mạnh, có thời điểm chạm mốc 260.000 đồng/kg – mức cao nhất trong nhiều năm qua, đã thổi một luồng sinh khí mới vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Ông Dương Quang Khang (trú tại thôn Tân Tiến, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cây ca cao có khả năng chịu hạn tốt, thích nghi dễ dàng trên những diện tích đất khô cằn. Quá trình canh tác cũng không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp hơn so với nhiều loại cây trồng dài ngày khác.

Cây ca cao “lội ngược dòng” sau gần 20 năm bị lãng quên- Ảnh 1.

Giá ca cao tăng đạt mức kỷ lục khiến nhiều nông dân phấn khởi.

Nhận thấy những ưu điểm đó, năm 2004, gia đình ông Khang đã mạnh dạn đầu tư trồng khoảng 9 sào ca cao. 

Thế nhưng, trong nhiều năm liền, giá ca cao bấp bênh, có thời điểm chỉ dao động từ 38.000–40.000 đồng/kg, thậm chí sau khi thu hoạch không có người hỏi mua. Hơn nữa, vào mùa mưa, sâu bệnh tấn công quả ca cao thối, năng suất giảm mạnh. Vì vậy, gia đình ông Khang đã phải phá bỏ khoảng 3 sào ca cao để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày.

Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây, giá ca cao liên tục biến động, từ mức 90.000 đồng/kg nay đã lên tới 240.000–260.000 đồng/kg. Điều này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, tiếp thêm động lực cho người trồng ca cao mạnh dạn tái đầu tư nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cây ca cao “lội ngược dòng” sau gần 20 năm bị lãng quên- Ảnh 2.

Cây ca cao cho thu hoạch quanh năm và đạt sản lượng cao vào mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na, huyện Krông Ana) cho hay, hiện hợp tác xã có 15 xã viên, với tổng diện tích canh tác 36ha. "Khoảng hai năm trở lại đây, giá ca cao tăng mạnh và ổn định, hiện đang ở mức khoảng 235.000 đồng/kg hạt khô. 

Nhờ vậy, bà con đã tích cực đầu tư, chăm sóc vườn ca cao để nâng cao năng suất. Với sản lượng trung bình từ 1,5 - 1,8 tấn/ha/năm, sau khi trừ chi phí, người dân thu về lợi nhuận từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy, nhiều hộ dân là thành viên của hợp tác xã từng bước cải thiện cuộc sống, mua sắm được thêm nhiều trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình".

Để nâng cao giá trị sản phẩm, sau khi thu mua quả tươi, Hợp tác xã Tân Thành đã chủ động sơ chế, ủ lên men và phơi khô hạt ca cao trước khi xuất bán. Hợp tác xã cũng xây dựng mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sản phẩm ca cao của hợp tác xã được thu mua với giá ổn định.

Cây ca cao “lội ngược dòng” sau gần 20 năm bị lãng quên- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất ca cao hạt Tân Thành cho biết, giá ca cao tăng giúp các thành viên của hợp tác xã từng bước cải thiện cuộc sống.

Hàng năm, hợp tác xã cũng thông qua các công ty liên kết để mời chuyên gia về tập huấn chi người dân về kỹ thuật canh tác, trồng, chăm sóc cây ca cao, cũng như các phương pháp ủ lên men hạt ca cao, rồi phơi khô. Đồng thời, liên tục cập nhật tình hình giá cả, cũng như các chương trình phúc lợi cho người dân khi tham gia liên kết.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trọng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết, trước đây toàn xã có 300-400ha ca cao. Tuy nhiên, nhiều năm trước, do giá cả bấp bênh nên người dân phá bỏ nhiều diện tích ca cao để chuyển đổi cây trồng khác như hồ tiêu, cà phê. Do đó, hiện toàn xã chỉ còn khoảng 60ha ca cao. 

Với giá ca cao tăng vọt như hiện nay là tín hiệu rất đáng mừng cho người dân. Tuy nhiên, quỹ đất không còn nên hầu như người dân ít mở rộng diện tích mà chỉ tái đầu tư, cải tạo lại vườn ca cao hiện có để tăng năng suất, thu nhập.

Liên tục "cháy hàng" cây giống

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, cơn "sốt giá" ca cao hiện nay cũng đang đặt nhiều khó khăn, thách thức cho nhiều hợp tác xã. 

Ông Nguyễn Văn Sỹ lý giải: "Với giá ca cao như hiện nay, nhiều hộ dân găm hàng để chờ giá tiếp tục leo thang. Bên cạnh đó, thương lái thu mua nhiều nên việc cạnh tranh cao. Nhiều thời điểm, hợp tác xã không thể gom đủ hàng để cung cấp cho các doanh nghiệp đã ký kết".

Tình trạng này cũng đang diễn ra tại Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ và Thương mại Thành Đạt (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). 

Ông Đường Văn Đình, Giám đốc hợp tác xã cho biết, trung bình mỗi năm, hợp tác xã thu mua, sơ chế, lên men và cung ứng hơn 20 tấn hạt ca cao khô cho các công ty sản xuất socola và bánh kẹo. Tuy nhiên, năm nay do nguồn hàng khan hiếm nên từ đầu năm đến nay, hợp tác xã mới chỉ thu mua được khoảng 5 tấn hạt ca cao khô.

Cây ca cao “lội ngược dòng” sau gần 20 năm bị lãng quên- Ảnh 5.

Người dân ủ lên men hạt ca cao sau thu hoạch.

Không chỉ khan hiếm nguyên liệu, nhiều cơ sở sản xuất cây giống ca cao cũng đang liên tục rơi vào tình trạng "cháy hàng".

Bà Triệu Thị Quyền (trú tại xã Ea Na) chia sẻ: "Hằng năm, gia đình tôi đều ghép chồi, ươm hạt giống ca cao để bán. Tuy nhiên, trước đó, rất ít người hỏi mua, thậm chí có năm không bán được cây giống nào. Từ đầu năm nay, nhu cầu mua cây giống ca cao tăng đột biến. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã xuất bán khoảng 3.000 cây ca cao giống cho người dân các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông".

Tương tự, gia đình ông Trần Xuân Hiệu (xã Ea Na) cũng đã xuất bán khoảng 10.000 cây ca cao giống. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn hàng chưa có cây giống để cung ứng.

Cây ca cao “lội ngược dòng” sau gần 20 năm bị lãng quên- Ảnh 6.

Bà Mai Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na cho biết, giá ca cao tăng mạnh giúp người dân có cơ hội tái đầu tư trên diện tích hiện có.

Thông tin từ các cơ sở ươm giống, hiện giống cây ca cao ghép chồi đang được bán với giá từ 17.000–18.000 đồng/cây, còn cây thực sinh khoảng 10.000 đồng/cây. 

Do nguồn cây giống khan hiếm, một số hộ dân đã thu hoạch chồi ca cao để bán cho các vườn ươm với giá khoảng 180.000 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất ca cao hạt Tân Thành chia sẻ: "Để đảm bảo chất lượng cây giống, ca cao phải đạt từ 5–6 năm tuổi mới có thể thu chồi để ghép. Nếu sử dụng chồi từ những cây chưa đủ tuổi, cây giống sẽ suy yếu, cho năng suất thấp hoặc thậm chí không đậu trái, gây thiệt hại nặng nề cho người trồng".

Theo bà Mai Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na, dù giá ca cao đang ở mức kỷ lục, người dân vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mở rộng diện tích sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng, cũng như khả năng đầu tư của gia đình. Nếu phát triển diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch, rất dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến rớt giá.

Cây ca cao “lội ngược dòng” sau gần 20 năm bị lãng quên- Ảnh 7.

Hiện giống cây ca cao ghép chồi đang được bán với giá từ 17.000–18.000 đồng/cây.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, cây ca cao là 1 trong 5 cây công nghiệp của tỉnh, với diện tích hơn 1.000ha. 

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang có đề án phát triển ngành hàng ca cao bền vững. Từ đó, rà soát lại diện tích, vùng trồng và cơ cấu lại giống phù hợp để nâng cao năng suất. Đồng thời, tổ chức liên kết giữa các tổ chức nông dân, đến doanh nghiệp, thị trường thông qua nhiều sản phẩm từ ca cao đến thanh sô-cô-la.

Tiến sĩ Trương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi, thời cơ để tái cơ cấu lại cây ca cao (loại cây trồng đã bị quên lãng trong thời gian hơn 10 năm nay) theo hướng kinh tế tuần hoàn. Bởi giá cả đang phục hồi, cầu nhiều hơn cung. Bên cạnh đó, xu hướng kinh tế tuần hoàn cũng giúp gia tăng giá trị ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ca cao. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân,...

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.