Giám đốc TP Media nhận định, việc áp dụng chiến lược giá rẻ trong Marketing mang đến nhiều ưu điểm như: tạo lợi thế cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp, là công cụ để nhà bán hàng tối đa hóa lợi nhuận, góp phần giúp thương hiệu dễ nhận dạng trên thị trường, thân thiện và gần gũi hơn với người tiêu dùng.
Link chương trình: https://youtu.be/3P3OYjSYHNg
CEO Ngô Thị Nhật Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH TM & DV TP Media đã có một buổi chia sẻ thẳng thắn và cởi mở trong chương trình Talk Show của Kiến Làm Giàu được phát sóng trên kênh Youtube Kiến Làm Giàu, với chủ đề “Chiến lược giá trong Marketing có thực sự hiệu quả?”. Chị cho biết Chiến lược giá trong Marketing là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp tạo ra tỷ lệ chuyển đổi; góp phần định vị được thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng và đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong chiến lược giá có nhiều loại chiến lược tương ứng với từng doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp mới với sản phẩm mới được tung ra thị trường thông thường sẽ có hai chiến lược giá, bao gồm: Chiến lược giá “Hớt váng sữa” (Price Skimming) và Chiến lược giá “Thâm nhập thị trường” (Penetration pricing).
Giám đốc TP Media phân tích thêm, nếu phân loại theo sản phẩm ta sẽ có chiến lược giá theo dòng sản phẩm. Việc chia các dòng sản phẩm thành sản phẩm chính và phụ cũng có những chiến lược riêng biệt. Trong đó, đối với dòng sản phẩm chính sẽ có Chiến lược giá theo dòng sản phẩm bắt buộc hoặc không bắt buộc.
Bên cạnh đó, Chiến lược giá theo combo, Chiến lược giá theo tâm lý người tiêu dùng, theo phân khúc khách hàng, theo chương trình khuyến mãi và theo vị trí địa lý,... cũng là một số chiến lược áp dụng phổ biến đối với từng sản phẩm.
Chị Ngô Thị Nhật Tuyết chia sẻ, theo lý thuyết sẽ có ba cách để hình thành giá của một sản phẩm. Thứ nhất, làm giá dựa trên chi phí bao gồm chi phí cố định, chi phí biến đổi,...và lợi nhuận mà doanh nghiệp mong muốn từ sản phẩm đó. Thứ hai, khảo sát và làm theo giá của đối thủ cạnh tranh trên thị trường, Chẳng hạn như sản phẩm của đối thủ là 10 đồng, thì sản phẩm của mình cũng sẽ là 10 đồng hoặc có chênh lệch nhưng không nhiều. Thứ ba, xây dựng giá trị thương hiệu, từ đó giá sản phẩm không chỉ bao gồm lợi ích vật chất mang đến người tiêu dùng mà còn là giá trị thương hiệu của sản phẩm đó.
CEO đề cập đến chiến lược giá rẻ của Điện Máy Xanh, chị nhận định rằng nếu Điện Máy Xanh chỉ sử dụng chiến lược này trong ngắn hạn thì rất có thể mục đích của họ là để kích cầu, giải quyết hàng tồn kho và các vấn đề trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu sử dụng nó với mục tiêu dài hạn thì nguyên ngành điện máy sắp tới sẽ có thể đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Thực tế, có nhiều người nghi ngờ về chương trình khuyến mãi giá rẻ, nghĩ rằng sản phẩm bán với giá thấp thì luôn đi đôi với chất lượng thấp. Thế nhưng, quan điểm này không đúng lắm, lấy ví dụ ở các sàn TMĐT hàng tháng vẫn thường diễn ra chương trình khuyến mãi. Những cửa hàng trên sàn sẽ tham gia vào chương trình sản phẩm giá rẻ nhằm mục đích kích cầu người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng mua một sản phẩm khuyến mãi, họ có thể vào cửa hàng để tìm mua những sản phẩm khác, do đó đây cũng được coi là một chiến lược để thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Hoặc một dẫn chứng khác về hãng thời trang H&M, vị chủ người Thụy Điển của hãng thời trang này có triết lý kinh doanh “Giá rẻ thì kinh doanh số lượng nhiều vẫn có lãi”. Bởi vì có hai cách thức bán hàng, bán theo “Giá trị” (Value) và bán theo “Số lượng” (Volume), cho nên một số nhà kinh doanh sẽ có quan niệm khác nhau về cách thức cũng như chiến lược giá phù hợp, CEO Ngô Thị Nhật Tuyết cho biết.
Giám đốc TP Media nhận định, việc áp dụng chiến lược giá rẻ mang ưu điểm như tạo lợi thế cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp. Đây cũng là công cụ để nhà bán hàng tối đa hóa lợi nhuận, góp phần giúp thương hiệu dễ nhận dạng trên thị trường, thân thiện và gần gũi với người tiêu dùng hơn.
Tuy nhiên, cũng trong buổi Talk show của Kiến Làm Giàu, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cũng đã bày tỏ quan điểm, mặc dù chiến lược giá rẻ trong Marketing đem lại nhiều lợi ích nhưng song song đó vẫn tồn tại một số nhược điểm. Thứ nhất, đối với những khách hàng khó tính, về mặt tâm lý sẽ rất khó tiếp cận và chấp nhận những sản phẩm giá rẻ hoặc khuyến mãi vì e sợ sản phẩm bị lỗi. Thứ hai, các sản phẩm giá rẻ không phải lúc nào cũng có sẵn, vì vậy, muốn tiếp cận được sản phẩm cũng khá khó khăn. Thứ ba, về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa sẽ rất khó đo lường nếu đứng ở phương diện Nhà nước hay phương diện từ các chuyên gia.
CEO Ngô Thị Nhật Tuyết cho rằng, để thực hiện chiến lược giá trong Marketing hiệu quả thì doanh nghiệp phải xác định được mục tiêu của mình đầu tiên. Nếu muốn chiếm thị phần thì việc áp dụng chiến lược giá rẻ sẽ là một trong những phương pháp giúp doanh nghiệp thực hiện thành công. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của doanh nghiệp chỉ trong ngắn hạn để giải quyết hàng tồn kho, hay kích cầu thì cần phải áp dụng những chiến lược khác sau đó.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cực kỳ quan tâm đến vấn đề chi phí. Không nên làm mọi cách chỉ để chiếm được thị trường mà bỏ quên tình hình bán lỗ của doanh nghiệp. Khi sức bền tài chính của doanh nghiệp gặp vấn đề, nó sẽ là yếu tố quyết định doanh nghiệp còn tồn tại được trên thị trường hay không? Do đó, việc rành mạch và rõ ràng trong kế hoạch chi phí là điều cần thiết để doanh nghiệp không rơi vào tình trạng thua lỗ.
Thu Hà