Theo chuyên gia văn hóa Trần Hữu Sơn, trong những ngày Tết, có nhiều phong tục rất đẹp cha mẹ cần giáo dục cho con cháu. Trong đó, bữa cơm tất niên, tân niên là một trong những nghi lễ văn hóa độc đáo của người Việt.
Cha mẹ nên chia sẻ với con về ngày 30 Tết, các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm để mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn tết, sum họp cùng con cháu. Ngày mùng 1 Tết, gia đình lại chuẩn bị mâm cơm cúng tân niên. Việc này thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình người Việt.
(Ảnh minh họa).
Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, bữa cơm tất niên, tân niên có giá trị văn hóa gần với gia đình, thể hiện ý nghĩa sum họp. Đây sẽ là mâm cơm có đủ đầy các thành viên trong gia đình sau một năm đi làm ăn xa. Với những ý nghĩa đặc biệt như thế, chúng ta cần phải tôn trọng, giáo dục, gìn giữ cho thế hệ sau.
Bữa cơm chiều 30 Tết là bữa cơm gắn kết mọi thành viên, thế hệ trong gia đình mà mọi người trong gia đình đều có mặt đầy đủ.
Theo quan niệm xưa, những gia đình nào càng đông đủ con cháu, các thế hệ cùng dùng bữa cơm này chứng tỏ gia đình nhiều phúc, lộc và may mắn.
Đây cũng chính là dịp để các bố mẹ trong gia đình giới thiệu các con, các cháu; con cháu có dịp ra mắt với ông bà, tổ tiên.
Từ đó, tổ tiên mới biết được công việc, nghề nghiệp, những khó khăn... trong một năm mà thế hệ đi sau gặp phải để phù hộ độ trì. Hơn nữa trong một năm sắp qua, các thành viên trong gia đình khó có thời gian gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau thì đây chính là dịp để cả nhà đoàn tụ. Mọi người ngồi quanh mâm cơm tất niên, nâng ly rượu chúc nhau năm mới và kể cho nhau nghe những chuyện đã qua cùng những mục tiêu sắp tới.
Trẻ nhỏ lâu ngày không gặp nhau cũng được một dịp vui chơi, tụ hội và gặp mặt trong gia đình, họ hàng quanh mâm cơm tất niên.
Không chỉ mang ý nghĩa gia đình sum họp, bữa cơm tất niên còn là nghi thức để tiễn biệt năm cũ, đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản bếp núc. Sau bữa cơm tất niên, gia đình sẽ sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón chào năm mới.
DIỆU THU