Chậm xử lý tài sản đảm bảo, PVcomBank khó thu hồi nợ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 3, 21/12/2021 14:45

Sự chậm trễ của các cơ quan liên quan trong vụ phá sản của công ty Sikar đã khiến ngân hàng PVcomBank khó xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Liên quan đến vụ Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) kiện Công ty TNHH Sikar vi phạm nghĩa vụ trả nợ, không còn khả năng thanh toán và một số tài sản thế chấp không thể tách rời do đặc thù của các dây chuyền sản xuất gắn liền kề, chung nhà xưởng, không thể phân tách, không thể kiểm đếm chi tiết các hạng mục tài sản, các bên không thống nhất tài sản thuộc thế chấp của mỗi ngân hàng nên không thể nhận bàn giao tài sản để xử lý thu hồi nợ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của PVcomBank.

Cụ thể, Sikar đang nợ PVcomBank cả gốc và lãi vay tổng là 22,8 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho khoản nợ này gồm: Dây chuyền máy móc thiết bị, nhà xưởng tại Cụm công nghiệp, nhà và quyền sử dụng đất hộ ông Trần Hữu Bằng (giám đốc công ty Sikar) tại 69 Lê Duẩn, thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. 

Tuy nhiên, vụ việc đã bị đình chỉ do Sikar có đơn đề nghị mở thủ tục phá sản doanh nghiệp được tòa án thụ lý. 

Đến ngày 21/01/2020, TAND huyện Hải Lăng đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Hải Lăng xem xét yếu tố hình sự trong vụ án phá sản.

Tháng 6/2020, VKSND huyện Hải Lăng tiếp tục chuyển hồ sơ để Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an huyện Hải Lăng điều tra, giải quyết về các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong yêu cầu tuyên bố phá sản của Sikar.

Đến nay, Cơ quan CSĐT – Công an Hải Lăng đang thực hiện việc xác minh thông tin để phục vụ công tác điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.

Tài chính - Ngân hàng - Chậm xử lý tài sản đảm bảo, PVcomBank khó thu hồi nợ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Khu nhà xưởng bỏ hoang của công ty TNHH Sikar, PVcomBank phải tự tạm ứng chi phí để thuê bảo vệ tài sản

Ông Mai Xuân Thuần - Giám đốc Khối Quản lý và tái cấu trúc tài sản – PVcomBank cho biết: "Việc chậm xử lý đối với TSBĐ (gồm máy móc, thiết bị, nhà xưởng tại Sikar và bất động sản thuộc sở hữu của Hộ gia đình ông Trần Hữu Bằng) trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản và điều tra tội phạm đến nay đã và đang làm cho một số hạng mục tài sản có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, giá trị tài sản bị suy giảm đáng kể, ảnh hưởng trực thiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của PVcomBank".

Dưới góc nhìn pháp luật trong vụ việc này, ông Nguyễn Xuân Sang - Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho biết: "Khó khăn, vướng mắc của PVcomBank trong vụ việc là đề nghị xử lý tài sản nhưng không được chấp nhận; phải tự tạm ứng chi phí để thuê bảo vệ tài sản và quá trình giải quyết kéo dài quá thời hạn quy định của pháp luật".

Theo luật sư Sang, PVcomBank đã nhiều lần có văn bản đề nghị TAND huyện Hải Lăng tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, TSBĐ đã không được xử lý và đã bị xuống cấp hư hỏng, giảm giá trị.

Trong việc xử lý TSBĐ mà PVcomBank nêu ra, trách nhiệm đề xuất thuộc về Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (DNTN QL&TLTS) Quảng Trị, trách nhiệm ra quyết định xử lý tiếp theo là thuộc về Thẩm phán/ tổ Thẩm phán phụ trách hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Liên quan đến chi phí bảo vệ tài sản PVcomBank đang phải chi trả, luật sư Sang cho rằng: “Theo Điều 16, Điều 19 của Luật phá sản năm 2014, trách nhiệm về việc quản lý tài sản của công ty Sikar thuộc về Quản tài viên và DNTN QL&TLTS Quảng Trị. Trách nhiệm nộp tạm ứng chi phí phá sản là Người nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản mà trong trường hợp này là Công ty TNHH Sikar.

Tuy nhiên trong thực tế, PVcomBank phải thuê đơn vị bảo vệ và tạm ứng chi phí bảo vệ tài sản là do trách nhiệm của Thẩm phán/tổ Thẩm phán phụ trách hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản chưa thực hiện đầy đủ các công việc theo thẩm quyền được quy định tại luật phá sản năm 2014”.

Đặc biệt, trong vụ này vướng mắc lớn nhất là thời gian giải quyết vụ việc kéo dài làm cho một số hạng mục tài sản có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, giá trị tài sản bị suy giảm đáng kể, ảnh hưởng trực thiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của PVcomBank.

Tài chính - Ngân hàng - Chậm xử lý tài sản đảm bảo, PVcomBank khó thu hồi nợ: Trách nhiệm thuộc về ai? (Hình 2).

Nhà xưởng Công ty TNHH Sikar xuống cấp nghiêm trọng do quá trình giải quyết vụ việc kéo dài

Luật sư Nguyễn Xuân Sang cho rằng: “Trách nhiệm về thời gian, tiến độ giải quyết vụ án của các cơ quan có thẩm quyền phụ thuộc vào việc hồ sơ đã và đang được cơ quan nào thụ lý và giải quyết”.

Theo tiến trình vụ án, TAND huyện Hải Lăng là cơ quan thụ lý vụ kiện dân sự do PVcomBank nộp đơn khởi kiện. Sau khi đình chỉ vụ án dân sự, TAND huyện Hải Lăng có trách nhiệm tiếp tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản. Khi phát hiện hành vi phạm tội hình sự TAND huyện Hải Lăng đã chuyển hồ sơ sang VKSND huyện Hải Lăng và Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hải Lăng nên trách nhiệm giải quyết các giai đoạn tiếp theo thuộc về hai cơ quan này.

Tiếp theo, về giai đoạn hồ sơ vụ việc do Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hải Lăng xử lý: Theo thông báo số 02/TA-PS, ngày 21/01/2020, TAND huyện Hải Lăng chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc yêu cầu tuyên bố phá sản đối với công ty Sikar sang VKSND huyện Hải Lăng để xem xét khởi tố vụ án.

Đến ngày 17/04/2020, VKSND huyện Hải Lăng mới ra thông báo yêu cầu PVcomBank cung cấp hồ sơ và nêu quan điểm là bị chậm nhiều thời gian so với quy định của pháp luật về xử lý tin báo tố giác tội phạm.

Theo Quy định tại điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015, thời gian trong giai đoạn xác minh tin tố giác tội phạm là 20 ngày, trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp khó khăn có thể gia hạn không quá 2 lần, mỗi lần không quá 2 tháng. Như vậy tổng thời gian cho giai đoạn này là 2 tháng 40 ngày.

Tuy nhiên trong thực tế, VKSND huyện Hải Lăng đã xử lý hồ sơ chậm 2 tháng. Như vậy, VKSND huyện Hải Lăng chịu trách nhiệm về sự chậm tiến độ giải quyết vụ việc trong giai đoạn hồ sơ do TAND huyện Hải Lăng chuyển sang.

Cuối cùng ở giai đoạn hồ sơ vụ việc do Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Hải Lăng xử lý: Ngày 29/06/2020, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hải Lăng gửi văn bản số 173/ĐTTH cho PVcomBank về việc đề nghị PVcomBank cử người đại diện tham gia tố tụng trong khi người đại diện tham gia tố tụng của PVcomBank đã tham gia từ giai đoạn nộp hồ sơ khởi kiện từ tháng 5/2018.

Đến ngày 28/02/2021, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hải Lăng tiếp tục gửi văn bản số 113/ĐTTH trả lời PVcomBank với nội dung cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Hải Lăng đang trong giai đoạn xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm do Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng chuyển kèm hồ sơ giải quyết vụ việc công ty TNHH Sikar yêu cầu tuyên bố phá sản.

Như vậy, nếu tính từ ngày 20/1/2020 là ngày TAND huyện Hải Lăng chuyển hồ sơ đến ngày 28/2/2021 là 13 tháng, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hải Lăng vẫn chưa hoàn thành giai đoạn xác minh giải quyết tin tố giác tội phạm.

So với quy định của pháp luật, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hải Lăng đã thực hiện công việc chậm 9 tháng. Theo Điều 147, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hải Lăng chịu trách nhiệm về việc chậm thực hiện công việc trong giai đoạn xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Luật sư Sang cho biết: “Hiện hồ sơ vụ việc này đang nằm ở bên cơ quan CSĐT thì bắt buộc phải chờ kết luận Sikar có dấu hiệu phạm tội hay không? Khi đó sẽ có quyết định khởi tố vụ án và PVB sẽ tiếp tục theo vụ án đó với tư cách là bên bị hại. Về tài sản đảm bảo sẽ kiến nghị cơ quan điều tra ra biện pháp ngăn chặn phong tỏa, hoặc kê biên tài sản để bảo vệ, bảo quản”.

Những khó khăn và thiệt hại của PVcomBank trong quá trình giải quyết vụ việc đã được thể hiện rất rõ nét qua việc thời gian giải quyết vụ việc bị kéo dài, qua những con số về chi phí để bảo vệ TSBĐ trong suốt thời gian chờ giải quyết cũng như việc các TSBĐ xuống cấp nghiêm trọng qua từng ngày. Tuy nhiên, thời gian qua dường như các Cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết trong vụ việc này chưa hề xem xét hay quan tâm đến các thiệt hại mà Ngân hàng phải gánh chịu để có phương án giải quyết phù hợp dù Ngân hàng đã rất nhiều lần có văn bản, ý kiến đề nghị. Do đó, để có thể đảm bảo quyền lợi cho PVcomBank nói riêng cũng như các TCTD nói chung trong quá trình giải quyết nợ xấu, cần hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các Cơ quan, ban ngành có thẩm quyền giải quyết.

Thu Hà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.