Khi được hỏi về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Trisha - một cư dân ở thành phố Cape Town, Nam Phi, chỉ lắc đầu. Cô gái 19 tuổi này chưa đi tiêm phòng vì cảm thấy sợ hãi trước thông tin lan truyền về việc có ca tử vong sau khi tiêm vắc-xin.
Trisha cho biết, chỉ một nửa số thành viên trong gia đình cô đã tiêm vắc-xin. Con số này cao hơn một chút so với mức trung bình của cả nước.
Khoảng 40% người trưởng thành ở Nam Phi được tiêm phòng đầy đủ. Tính trên toàn lục địa, tỉ lệ này chỉ là 15%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu trước tháng 6/2022. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có Mauritius và Seychelles đạt được con số đó ở châu Phi. Hầu như toàn bộ lục địa đen đều gặp khó khăn trong việc hoàn thành được mục tiêu trên.
Từng là “thỏa thuận lịch sử”
“Chúng ta phải đấu tranh với sự tự mãn”, ông Stavros Nicolaou, giám đốc điều hành cấp cao của Aspen Pharmacare Group cho biết. Khoảng một năm trước, công ty này bắt đầu sản xuất vắc-xin Covid-19 tại thành phố Gqeberha, Nam Phi.
Công ty nhận được gói tài chính dài hạn trị giá 600 triệu Euro (634 triệu USD) từ các tổ chức phát triển, bao gồm các tổ chức của Đức, để vận hành dây chuyền sản xuất.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gọi sự kiện này là một "thỏa thuận lịch sử". Aspen cho biết nhà máy có thể sản xuất hơn 200 triệu liều vắc-xin mỗi năm cho tập đoàn Mỹ Johnson & Johnson. Song, con số đó đã không bao giờ đạt được.
Sau đó, Aspen đã ký thỏa thuận cấp phép với Johnson & Johnson và có quyền tự sản xuất vắc-xin riêng mang tên Aspenovax. Nhưng cho đến nay nhà máy vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng nào, và hiện có nguy cơ phải đóng cửa các dây chuyền sản xuất.
“Mọi người đều ủng hộ việc xây dựng năng lực địa phương trên lục địa. Nhưng quyết định về chính sách đó vẫn chưa thực sự được thể hiện qua các đơn đặt hàng", ông Nicolaou chia sẻ với DW.
Aspen đã dự kiến sẽ nhận được đơn đặt hàng từ các cơ quan mua sắm đa quốc gia, nhưng thực tế thì chưa bao giờ nhận được đơn nào.
Khoảng 60% vắc-xin Covid-19 được sử dụng ở Châu Phi đến từ cơ chế COVAX.
Sự kéo lùi lớn cho lục địa đen
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Covid-19 Toàn cầu lần thứ 2, được tổ chức trực tuyến hôm 12/5, Tổng thống Ramaphosa đã kêu gọi các cơ quan quốc tế và các tổ chức từ thiện cung cấp vắc-xin Covid-19 cho châu Phi nên đặt hàng vắc-xin do châu Phi sản xuất.
Lời kêu gọi của ông Ramaphosa được đưa ra sau khi công ty Aspen than thở về thực trạng sản xuất vắc-xin ở nhà máy của mình.
Aspen cho biết, trong trường hợp không có đơn đặt hàng nào, họ phải xem xét việc sử dụng 2 dây chuyền sản xuất vắc-xin Covid-19 để sản xuất các sản phẩm khác. Ông Nicolaou nói: “Châu lục này sẽ mất năng lực sản xuất vắc-xin Covid duy nhất hiện có. Đó sẽ là một sự kéo lùi lớn đối với kế hoạch nội địa hóa và giảm sự phụ thuộc của châu Phi vào vắc-xin nhập khẩu”.
Khoảng 1% vắc-xin được sử dụng ở châu Phi hiện được sản xuất ở châu lục này. Khi đại dịch mới bùng phát, một số nhà lãnh đạo châu Phi mong muốn 60% tổng số vắc-xin được sản xuất tại địa phương vào năm 2040.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) kêu gọi tất cả các bên mua vắc-xin Covid-19 trên toàn lục địa hãy đặt hàng từ công ty Aspen.
Ông John Nkengasong, Giám đốc CDC Châu Phi, cho rằng an ninh y tế toàn cầu sẽ bị hủy hoại nếu các công ty như Aspen không được hậu thuẫn.
“Tất cả chúng ta đều đã phải trải qua thách thức về sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận và phân phối vắc-xin, chúng ta không muốn trải qua điều đó một lần nữa”, ông Nkengasong cho biết.
Ông Wolfgang Preiser, một nhà virus học tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho rằng nguy cơ phải đóng cửa nhà máy sản xuất là tin đáng báo động.
Ông lo lắng về bối cảnh đại dịch trong tương lai, các công ty dược phẩm có thể do dự hơn trong việc tăng mức đầu tư khi phải chịu áp lực.
Tuy nhiên, ông nói điều đó không nằm ngoài dự đoán: Khi năng lực sản xuất toàn cầu được tăng cường trên toàn thế giới, rõ ràng là trong một số giai đoạn, nguồn cung vắc-xin sẽ lớn hơn cầu.
Thách thức nối tiếp thách thức
Trong khi công ty Aspen điều hành nhà máy sản xuất vắc-xin Covid-19 thương mại duy nhất trên lục địa này, ít nhất 6 nước châu Phi hiện đang thiết lập năng lực sản xuất vắc-xin theo công nghệ mRNA.
Ông Preiser tin rằng các cơ sở này hoàn toàn có thể được sử dụng để sản xuất các loại vắc-xin khác.
"Lĩnh vực này đã thực sự phát triển nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch. Nhiều người kỳ vọng trong tương lai chúng ta sẽ có vắc-xin mRNA chống lại một số bệnh khác như bệnh ung thư".
Sau khi phải vật lộn ở giai đoạn đầu của đại dịch để đảm bảo tiếp cận nguồn cung vắc-xin Covid-19, giờ đây nhiều quốc gia châu Phi đã được cung cấp đầy đủ vắc-xin cần thiết, nhưng phải đối mặt với những thách thức mới: Sự do dự của người dân trong việc tiêm chủng và các vấn đề về hậu cần.
Vị chuyên gia tại Đại học Stellenbosch cho biết, đôi khi ông cảm thấy mệt mỏi vì phải tranh cãi với những người từ chối tiêm vắc-xin. "Việc này làm tôi nhớ lại 25 năm trước, khi chúng ta trải qua những tình huống tương tự đối với HIV".
"Nhưng chúng ta cần cải thiện cách truyền đạt với công chúng để thuyết phục mọi người đi tiêm phòng", ông Preiser gợi ý.
Hoàng Ngân (Theo DW, Reuters)