Sau khi cuộc khủng hoảng Ebola kết thúc ở Tây Phi vào năm 2016, Tiến sĩ Amadou Sall, CEO của Viện Pasteur Dakar (Institut Pasteur of Dakar), Senegal, nhận được quà tặng là một bức tranh từ người thân trong gia đình. Bức tranh có 2 mảng đối lập: Một bên là một gia đình chìm trong bóng tối, đang bị đe dọa bởi một loại virus đang rình rập. Bên còn lại chứa đầy ánh sáng rực rỡ, tượng trưng cho ánh sáng của khoa học.
Đây là tác phẩm của một họa sĩ Senegal. Bức tranh được treo trên tường văn phòng của ông tại viện nghiên cứu.
“Đó là một lời nhắc nhở về lý do tại sao tôi làm công việc này”, Tiến sĩ Sall, một chuyên gia kỳ cựu về bệnh truyền nhiễm, cho biết.
Tự lực cánh sinh
Viện Pasteur Dakar là đối tác trong một dự án sản xuất vắc-xin trị giá 200 triệu USD nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của châu Phi trước Covid-19, bệnh sốt rét và một loạt các mầm bệnh chết người khác có thể tấn công con người trong những năm tới.
Châu lục này đang nhập khẩu khoảng 99% tất cả các loại vắc-xin cần thiết. Do đó, mục tiêu của dự án là giảm con số đó
xuống 40%, tương đương với việc “lục địa đen” tự chủ 60% nguồn cung vắc-xin, trong 2 thập kỷ tới.
Sau khi coronavirus xuất hiện, nhiều quốc gia đang phát triển đã hướng tới Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19" (COVAX). Nhưng sáng kiến này đã phải vật lộn để có được vắc-xin do những khó khăn tới từ sự chậm trễ trong sản xuất và lệnh cấm xuất khẩu.
Một nhà máy mới, đang được xây dựng ở ngoại ô thủ đô Dakar và dự kiến bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2022, có thể giúp châu Phi ngăn chặn việc tái diễn đợt triển khai vắc-xin thất bại của năm nay.
Sản xuất chỉ tập trung ở một số quốc gia trên thế giới, và chính phủ những nước giàu có đã đặt trước hầu hết sản lượng vắc-xin ban đầu, khiến châu Phi và các khu vực khác bị bỏ lại phía sau rất xa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, trong số hơn 8 tỷ liều vắc-xin được tiêm trên khắp thế giới, chỉ 3% đến với người dân ở châu Phi.
Việc biến thể Omicron lây lan nhanh chóng nhấn mạnh sự cần thiết phải phân phối nguồn cung và công nghệ vắc-xin rộng rãi hơn.
Khi virus tiếp tục hoành hành, nguy cơ các biến thể đáng lo ngại khác xuất hiện và “né” được vắc-xin sẽ ngày càng tăng, gây ra mối đe dọa cho cả nước giàu lẫn nước nghèo.
“Thực tế chứng minh rằng bất cứ khi nào có một biến thể mới xuất hiện, nó sẽ trở thành vấn đề đối với tất cả mọi người”, Tiến sĩ Sall nhận định.
Dự án, được hỗ trợ bởi các nước châu Âu, Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế khác, với công suất hàng năm ở mức 300 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 và các bệnh khác, sẽ giúp đảm bảo rằng châu Phi được trang bị tốt hơn khi làn sóng lây nhiễm tiếp theo nổ ra.
Viện Pasteur Dakar đã phối hợp với công ty công nghệ sinh học BioNTech SE của Đức và đang trao đổi với các đối tác tiềm năng khác, Tiến sĩ Sall cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được những mục tiêu đầy tham vọng đó, châu Phi vẫn thiếu hụt nguồn cung vắc-xin cần thiết để tiêm đủ 2 liều cho mỗi người trong tổng số hơn 700 triệu người trưởng thành.
Và kế hoạch rộng lớn hơn của châu Phi sẽ phụ thuộc vào việc họ có huy động được thêm quỹ, tăng cường công tác quản lý, mở rộng mạng lưới phân phối và tiến hành các chương trình đào tạo liên quan. Tất cả những điều này có khả năng sẽ mất nhiều năm để thực hiện.
"Chúng tôi không thể để mình thất bại", Cheikh Oumar Seydi, trưởng đại diện Quỹ Bill & Melinda Gates ở châu Phi, cho biết.
Tiến sĩ Sall cũng đang làm việc với các công ty khác, bao gồm Univercells của Bỉ, nhằm sản xuất vắc-xin bằng các công nghệ khác nhau, trong trường hợp một công nghệ nào đó kém thành công hơn thì sẽ có ngay công nghệ khác thay thế.
Dự án mà ông đang theo đuổi cũng nhằm các mục tiêu khác, như thúc đẩy đầu tư nhiều hơn, xây dựng niềm tin của người dân vào các hệ thống y tế, và tạo nền tảng tốt hơn cho các thế hệ tiếp theo.
Hành động thay vì chờ đợi
Về phần mình, các công ty sản xuất vắc-xin theo công nghệ mRNA đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác châu Phi nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về vắc-xin.
BioNTech đang làm việc với chính phủ Senegal và Rwanda để xây dựng một mạng lưới có thể cung cấp hàng trăm triệu liều vắc-xin trên khắp lục địa này. Công ty sẽ sản xuất vắc-xin mRNA, khai thác công nghệ mới mà BioNTech và đối tác Mỹ Pfizer Inc. đã sử dụng thành công để tạo ra vắc-xin phòng Covid-19.
BioNTech và Pfizer cũng có kế hoạch sản xuất vắc xin Covid-19 của họ tại Viện Biovac ở Cape Town, Nam Phi.
Nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu vào quý III/2022 và sản xuất khoảng 100 triệu liều mỗi năm, Morena Makhoana, Giám đốc điều hành Viện Biovac, cho biết.
Nhà máy sẽ tập trung vào công đoạn chiết rót vắc-xin vào lọ và đóng gói.
Trong khi đó, Moderna Inc. có kế hoạch chi 500 triệu USD để xây dựng một nhà máy ở châu Phi có thể sản xuất 500 triệu liều vắc xin mRNA mỗi năm.
Những người ủng hộ mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho rằng, chia sẻ kiến thức và các công nghệ như mRNA là rất quan trọng để mở rộng sản xuất. Họ đã thúc giục Moderna hỗ trợ các sáng kiến vì cộng đồng thay vì theo đuổi các dự án của riêng mình.
“Tất cả chúng ta đều nhận ra rằng chúng ta cần phải làm gì đó để xây dựng năng lực sản xuất vắc-xin ở châu Phi”, Thomas Cueni, Tổng Giám đốc Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế, cho biết trong một hội thảo gần đây.
Nhưng khi nhiều nhà sản xuất vắc-xin tham gia, có những lo lắng về việc liệu họ có thực hiện đúng lời hứa của mình hay không, theo Tiến sĩ Petro Terblanche, Giám đốc Điều hành công ty công nghệ sinh học Afrigen Biologics and Vaccine có trụ sở tại Cape Town.
“Đó là một trong những rủi ro lớn nhất đối với chiến lược này”, tiến sĩ Terblanche cho biết.
Công ty của bà đang làm việc với WHO và những đối tác khác về một trung tâm sản xuất vắc-xin mRNA và chuyển giao công nghệ.
Afrigen và các đối tác của công ty đang thúc đẩy kế hoạch sản xuất vắc-xin Moderna, mặc dù công ty vẫn đang trong quá trình xin giấy phép và tìm cách giải quyết các câu hỏi về kỹ thuật, bà cho biết.
“Chúng tôi không thể cứ chỉ ngồi và chờ đợi”, bà tuyên bố.
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, việc sản xuất vắc-xin mRNA bên ngoài nước Mỹ và châu Âu là khả thi, với hơn 100 công ty trên toàn cầu, bao gồm 8 công ty ở châu Phi, có khả năng sản xuất vắc-xin theo công nghệ này.
“Bài học lớn nhất đối với chúng tôi là, khi nói đến việc đảm bảo an toàn sức khỏe, chúng tôi không thể dựa vào phần còn lại của thế giới vì họ cũng đang vật lộn với đại dịch", Tiến sĩ Terblanche nhận định. “Lời cảnh tỉnh này nghe có vẻ thô lỗ, nhưng thật sự là điều này không bao giờ được phép lặp lại".
"Trung tâm này, và năng lực và khả năng chúng tôi đang xây dựng ở đây, không chỉ nằm ở vắc-xin phòng Covid-19. Trên thực tế, đây là một phần trong chiến lược của châu Phi để tự lực sản xuất 60% vắc-xin các loại vào năm 2040. Đây là một phần của việc xây dựng một ngành công nghiệp", bà cho biết. "Afrigen và các đối tác của công ty đặt mục tiêu đưa những sản phẩm cây nhà lá vườn đầu tiên ra thị trường trong vòng 3 năm tới".
Khoảng cách lớn về tiếp cận giữa người giàu và người nghèo đã thúc đẩy các nhà khoa học, quan chức y tế và các công ty châu Phi nỗ lực xây dựng năng lực tự chủ của lục địa này.
Các đơn vị, tổ chức ở ít nhất 5 quốc gia châu Phi đang tham gia sản xuất vắc-xin, bao gồm một số đơn vị chỉ tập trung vào công đoạn rót lọ và hoàn thiện sản phẩm.
Việc xây dựng năng lực chuyên môn của những đơn vị chính, như Viện Pasteur Dakar, sẽ rất quan trọng.
“Có rất nhiều thiện chí, rất nhiều cam kết nhằm giúp chúng tôi thành công xoay chuyển tình thế, nên tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm được”, Tiến sĩ Terblanche nhận định. “Bất chấp sự gián đoạn mà Covid-19 gây ra, về lâu dài, châu Phi sẽ thoát khỏi tình trạng này và có một vị thế tốt hơn”.
Trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, gia đình của Tiến sĩ Sall đã tặng cho ông một bức tranh khác vẽ 2 đô vật đang đấu với nhau, với thông điệp rằng ông cần phải có chiến lược trong cuộc chiến chống lại những kẻ thù mới.
“Chúng ta có thể sẽ phải đương đầu với đại dịch khác chứ không chỉ dừng ở Covid-19. Thế giới nên chuẩn bị cho điều đó”, Tiến sĩ Sall nhận định. “Dịch bệnh có thể là một phần cuộc sống của chúng ta. Chúng ta nên học cách đối phó với chúng”.
Minh Đức (Theo Bloomberg, DW)