Chỉ cấy được mảnh sọ vỡ vào dưới da bụng để bảo quản

Chỉ cấy được mảnh sọ vỡ vào dưới da bụng để bảo quản

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Các chuyên gia đầu ngành phẫu thuật thần kinh cùng các y bác sĩ đều quả quyết việc nuôi não trong ổ bụng là không thể.

Mới đây, PV Người đưa tin tìm đến Bệnh viện Quân y 103 (quận Hà Đông, TP Hà Nội) để tìm hiểu kỹ hơn về câu chuyện đang gây những nhầm lẫn tai hại trong dư luận này.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá - bác sĩ Nguyễn Trung Quân khẳng định: "Chắc chắn đã có sự nhầm lẫn". Theo bác sĩ Quân, việc đưa cả bộ não vào nuôi trong bụng là điều không thể, kể cả đối với nền y học tiên tiến nhất hiện nay.

"Chắc hẳn anh phó công an xã kia bị vỡ hộp sọ, sau đó được các bác sĩ đưa mảnh sọ vỡ đó cấy vào dưới da bụng để bảo quản nhằm làm giảm sức ép cho não. Khi nào não anh ta hồi phục thì các bác sĩ sẽ lấy mảnh sọ não đó ra rồi ghép lại. Những bệnh nhân bị u não, tụ máu não (thường gặp trong bệnh nhân chấn thương sọ não) cần phẫu thuật. Nhưng, sau phẫu thuật thì não sẽ bị phù, ghép lại sọ não ngay không được. Mảnh mô não này sẽ được bảo quản để ghép lại cho bệnh nhân khi não đã thực sự hồi phục. Mảnh xương sọ được bảo quản theo tiêu chuẩn ngân hàng mô của Hoa Kỳ. Hiện tại ở trung tâm, chúng tôi bảo quản gần 13.000 mẫu. Trong đó, đã có trên 5.000 mảnh được sử dụng ghép lại cho bệnh nhân" - Bác sĩ Quân cho biết.

Xã hội - Chỉ cấy được mảnh sọ vỡ vào dưới da bụng để bảo quản

Ảnh chụp màn hình tin "nuôi não trong ổ bụng" gây nhiều "tranh cãi"

Trao đổi về lĩnh vực chuyên môn, bác sĩ Quân cũng cho biết thêm về cơ cấu của xương não. Theo đó nếu không được bảo quản đúng cách, chỉ vài giờ sau khi ra ngoài không khí, xương hộp sọ sẽ giòn và vỡ. Chính vì vậy, nếu không chọn phương pháp gửi vào ngân hàng mô, việc cấy vào dưới da của chính nạn nhân đó là phương pháp tối ưu nhất. "Thực ra thì cấy vào đâu cũng được, miễn là ở dưới da. Nhưng bởi bụng là nơi ít va chạm nhất nên được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn" - Bác sĩ Quân nói.

Cũng theo vị thượng tá quân y nói trên, bệnh viện nơi ông đang công tác thường xuyên có những ca cấy ghép như vậy. "Có những trường hợp nặng bị vỡ đến một nửa hộp sọ não, cũng có những trường hợp rơi mất mảnh xương sọ ra ngoài, chúng tôi vẫn có thể sử dụng vật liệu nhân tạo để làm lại cho bệnh nhân. Đó không phải là ca phẫu thuật quá khó khăn".

Cùng chung quan điểm với bác sĩ Quân, bác sĩ Nguyễn Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Thái Bình - tỏ ra khá bất ngờ khi phóng viên đề cập tới thông tin trên.

Đồng thời bác sĩ Bình cũng cho rằng: "Việc đưa cả bộ não vào bụng rồi sau đó lại đưa lên ghép vào sọ não là thông tin không đúng. Hiện tại y học thế giới chưa thể làm được điều này. Ngay cả các nước có nền y học phát triển việc đưa cả bộ não ra ngoài mà bệnh nhân vẫn sống là một việc làm cực kỳ khó và không thể thực hiện được".

Ông Bình nhận định, rất có thể đây là một sự nhầm lẫn tai hại của phóng viên khi lấy thông tin tác nghiệp, cũng có thể phóng viên này không phân biệt được giữa nuôi não và nuôi vỏ não mà chính xác ở đây phải là xương sọ não nên mới dẫn đến luồng thông tin trên.

Việc mổ não cũng tiến hành một cách đơn giản, tùy thuộc bệnh nhân gặp phải chứng bệnh gì hay chấn thương có liên quan đến bộ phận não. Ví dụ một bệnh nhân khi chẩn đoán phát hiện hiện tượng máu tụ ở não có thế phẫu thuật lấy phần máu tụ ra sau đó tiến hành chữa trị như bình thường.

Ông Bình cũng cho biết, ngay ở bệnh viện Đa khoa Thái Bình cũng đã từng tiến hành làm phương pháp nuôi xương sọ não như các bệnh viện thường làm. Nếu quá xa các ngân hàng mô, có thể cấy ghép vào ổ bụng của bệnh nhân, tùy thuộc vào thời gian bình phục của nạn nhân có thể tiến hành cấy ghép miếng xương mà trước đó đã lấy ra cấy ghép lại như trước.

Long Giang


Tag: sọ não