Như Người Đưa Tin đã phản ánh, chiều 26/8, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng quyết định đã thống nhất cho các cơ quan chức năng nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá.
Một trong những yêu cầu bắt buộc mà chính quyền Tp. Đà Nẵng đề ra đó là các ban quản lý chợ, các hộ tiểu thương, người lao động tại các chợ đã được tiêm vắc-xin, thực hiện xét nghiệm PCR 3 ngày một lần, tuân thủ thông điệp 5K, sử dụng kính chắn giọt bắn, niêm yết giá bán tại quầy hàng.
Giám đốc sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các quận, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định cho mở lại hoạt động các chợ cấp thành phố, đồng thời rà soát danh sách các doanh nghiệp thương mại đầu mối đăng ký hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu, báo cáo UBND thành phố.
Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định cho mở lại hoạt động của các chợ truyền thống thuộc quận, huyện, phường, xã.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố chịu trách nhiệm về công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, cửa hàng tạp hoá.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, sau thông tin chính quyền cho phép mở lại các chợ truyền thống và tạp hóa đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Đa phần mọi người đều hồ hởi và tin rằng động thái này sẽ giải quyết được vấn đề rất lớn hiện tại của Đà Nẵng đó chính là việc cung ứng nhu yếu phẩm. Đặc biệt là quãng thời gian 10 ngày "ai ở đâu thì ở đó" từ 26/8 - 5/9.
Người dân thành phố này cũng đang chờ chính quyền sẽ mở lại những chợ nào? Và kế hoạch chi tiết ra sao?
Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc công ty Quản lý và phát triển các chợ Tp. Đà Nẵng cho biết, hiện, đơn vị đang lên phương án để thực hiện công tác mở lại chợ truyền thống.
Theo vị này, Đà Nẵng sẽ mở lại chợ Cồn và chợ Hàn. Đây là 2 ngôi chợ lớn nằm ở trung tâm Tp. Đà Nẵng.
"Công ty đang triển khai phương án chi tiết dựa trên chỉ đạo của cơ quan chức năng. Dự kiến mỗi chợ sẽ chỉ mở các ngành buôn bán về hàng hóa thiết yếu. Đó là rau củ, thịt, hải sản và hàng hóa thực phẩm khô với tổng cộng 20 chục hộ tiểu thương. Mình thí điểm trước 20 chục hộ và chọn những hộ kinh doanh lớn, năng lực tốt nhất", ông Đẩu chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc công ty Quản lý và phát triển các chợ Tp. Đà Nẵng, các hộ kinh doanh sẽ chỉ bán hàng cho tổ Covid-19 cộng đồng. Cơ quan chức năng cũng quán triệt các hộ tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh. Riêng các lực lượng chức năng quản lý chợ thì thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ".
Chợ chỉ mở vào buổi sáng hàng ngày và sẽ phân chia tần suất đi chợ, tần suất bán hàng tại chợ. Cách thức bán hàng, giao nhận hàng được quy định chặt chẽ, đảm bảo quy định phòng chống dịch bệnh.
"Chúng tôi đang lập danh sách các hộ buôn bán để trình cơ quan chức năng. Họ được cấp giấy đi đường để thuận tiện đi lại trong thời gian mở chợ", ông Tẩu nói thêm.
Ngoài 2 ngôi chợ lớn do công ty Quản lý và phát triển các chợ Tp. Đà Nẵng quản lý nói trên, theo thông tin Người Đưa Tin có được, hiện các quận, huyện trên địa bàn Tp. Đà Nẵng đang khảo sát lên kế hoạch mở lại một số chợ cấp quận, huyện.
Ông Trần Kim Đính, Trưởng ban Quản lý chợ huyện Hòa Vang cho biết, huyện đang có những bước tính toán để mở lại 1 chợ trên địa bàn. Hiện, cơ quan quản lý đang khảo sát để chọn chợ đảm bảo nhất các yêu cầu.
Trong khi đó, về công tác mở lại tạp hóa, ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang chia sẻ, do đặc thù địa bàn ở vùng nông thôn nên đa số các hộ dân đều có các mặt hàng như rau củ, gạo, một số loại thịt gia súc, gia cầm tự chăn nuôi. Cạnh đó, dưới sự điều hành chặt chẽ của chính quyền địa phương, công tác cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân hiện đang diễn ra khá tốt.
"Xã sẽ chọn và mở những tạp hóa lớn, môi trường thông thoáng nhằm đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Theo chỉ đạo từ huyện thì sẽ có xe vận tải chuyển hàng hóa thiết yếu từ phố lên xã để cung cấp cho tạp hóa. Các tạp hóa cũng chỉ bán hàng ra cho tổ Covid-19 cộng đồng, từ đó, chuyển về cho người dân", ông Tân chia sẻ.
Chợ truyền thống, tạp hóa cung ứng đến 70% nhu cầu hàng hóa!
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc sở Công Thương Tp. Đà Nẵng cho biết, trong điều kiện bình thường thì hệ thống phân phối thương mại của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cung ứng tối đa chỉ 30%. Còn lại là ở các chợ truyền thống, tạp hóa, rạp hàng rong với 70% thị phần, chiếm tỷ trọn rất nhiều trong việc cung ứng hàng hóa cho người dân.