Nói về nghề nấu xôi ở Phú Thượng (Hà Nội), không ai rõ có tự bao giờ, người thì bảo có gần trăm năm, người lại bảo cũng vài trăm năm rồi. Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng nói: “Đời tôi, đời mẹ tôi, đời bà tôi đều đã làm xôi. Có lẽ nghề xôi đã có hàng trăm năm ở làng này rồi”.
Cả làng nấu xôi, thế hệ này truyền cho thế hệ khác, nghề nấu xôi cứ thế được gìn giữ suốt nhiều đời. Gánh xôi cứ thế mà dưỡng nuôi biết bao nhiêu thế hệ trong gia đình.
Còn nhớ, xưa kia, người dân ở Phú Thượng chỉ bán xôi chè, rượu nếp, bánh đa kê… vào “tháng Ba ngày Tám”, thì nay nghề nấu xôi đã trở thành nghề mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều gia đình tại địa phương.
Để có xôi bán buổi sớm mai, mỗi ngày, vào cuối giờ chiều, các nhà lại rục rịch sửa soạn, ngâm gạo, đồ xôi. Khi trời chưa sáng, cả làng đã rộn ràng gọi nhau đi chợ. Những thúng xôi từ đây tỏa đi khắp phố phường của Thủ đô…
Những mẻ xôi vừa ra lò
“Hàng ngày, gia đình tôi thường dậy từ 3h sáng để chuẩn bị đồ xôi, 5h30 sáng di chuyển lên phố kịp giờ bán lẻ. Những ngày cận Tết, việc đồ xôi thì bất kể ngày đêm, hết nồi này lại nấu sang nồi khác, phải chạy đua với thời gian để kịp đơn đặt hàng”, bà Loan – một hộ dân trong làng cho biết.
Những gói xôi thơm lừng, nóng hổi
Trước đây gánh xôi chỉ có xôi đậu xanh và xôi gấc nhưng giờ đã được bổ sung nhiều loại xôi khác nhau để phục vụ khách hàng, như xôi lạc, xôi xéo, xôi ngô, xôi vừng dừa. Vào những ngày tết, ngày rằm mùng một, các gia đình còn làm thêm xôi ngũ sắc, xôi khuôn,... để bán đáp ứng nhu cầu thắp hương dâng lễ của người dân.
Hàng chục loại xôi khác nhau
Xôi Phú Thượng tạo dựng được thương hiệu lâu đời, ăn vào tiềm thức thì có nhiều lý do. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến - một người sinh ra và lớn lên ở làng cho biết: “Để có nắm xôi dẻo, ngon thì yêu cầu trước hết đó là nguyên liệu phải chọn lựa kỹ, gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy đều, ngâm đúng cách, canh đủ giờ mà lật trở thì xôi mới ngon được”.
Nhiều thế hệ trong gia đình tại làng Phú Thượng cùng nấu xôi
Phú Thượng hiện nay có quá nửa hộ trong làng làm xôi, có rất nhiều gia đình có truyền thống đồ xôi rất khéo, theo ước tính của bà Loan, toàn phường Phú Thượng có khoảng 600 hộ nấu xôi, phụ nữ chiếm 95% và nhiều gia đình 5-6 thế hệ nối nghiệp nhau. Trung bình 1 ngày, mỗi nhà đồ từ 15 – 20 kg gạo, tổng cả làng xôi Phú Thượng sẽ sử dụng hết khoảng 10 tấn gạo, vào các ngày mùng 1, Rằm, Lễ Tết sẽ tăng gấp 2-3 lần, đem lại thu nhập ổn định cho người dân làng nghề.
Xôi nóng được bán trên hè phố hấp dẫn du khách
Thưởng thức gói xôi nóng hổi, vừa vị, tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại cần rất nhiều công đoạn khác nhau. Cũng chính vì lẽ đó, người trong làng từ trẻ nhỏ đến người già, phụ nữ hay đàn ông, ai cũng biết làm và có công việc phù hợp để làm.
Bà Nguyễn Thị Tuyến bên thúng xôi - công việc bà từng gắn bó cả cuộc đời
Các em nhỏ thì lau lá, xếp lá và chia sẵn vừng theo từng túi còn người lớn thì đảm đương công việc chính.
Ngoài việc bán lẻ tại các chợ và trên phố thì nhiều hộ khác chuyên nhận thổi xôi đặt tiệc cưới, hiếu, hỷ, cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn…
Giờ đây, xôi Phú Thượng đã trở thành món đặc sản không thể thiếu của người dân Hà Nội theo tiêu chí 3 nhất “ngon, bổ, rẻ” với chi phí trung bình chỉ từ 10.000 đồng/gói.
Theo thời gian, xôi Phú Thượng giúp người dân làm giàu, trở thành nghề có giá trị kinh tế cao mang lại nguồn lợi cho nhiều hộ gia đình. Với những giá trị độc đáo đó, đầu năm 2024 vừa qua, nghề làm xôi nơi đây đã được ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quỳnh Chi