Vấn đề tuyển sinh vào các trường đại học luôn được các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm, đặc biệt là thời điểm này - khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 vừa mới kết thúc.
Trước việc nhiều trường đại học, thậm chí cả nhóm trường “top” đầu cũng áp dụng hình thức xét tuyển bằng học bạ THPT, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn, lo ngại rằng việc xét tuyển như vậy có đảm bảo chất lượng đầu vào hay không? Cần những tiêu chí nào để tránh việc các trường đua nhau thu hút tuyển sinh mà “lơ là” về “năng lực” của thí sinh?
Nhìn nhận xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia giáo dục - TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (bộ Giáo dục và Đào tạo) đặt vấn đề: “Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả xét tuyển và thi tuyển, đó là quyền của các trường. Những năm trước, tình trạng xét tuyển bằng điểm học bạ THPT chủ yếu những trường “top” dưới mới áp dụng. Nhưng năm nay, tôi thấy việc này khá phổ biến, ngay cả với những trường lớn, có tên tuổi mà cũng chấp nhận chuyện xét tuyển bằng học bạ. Tôi cho rằng, đó là một dấu hiệu không lành mạnh.
Bây giờ “đổ” cho là do dịch Covid, nếu do Covid mà không thể tổ chức đượckỳ thi tốt nghiệp THPT, không có kết quả thi tốt nghiệp thì việc phải dùng đến điểm học bạ cấp 3 đã đành, thế nhưng chúng ta vẫn tổ chức được kỳ thi, vẫn có kết quả thi tốt nghiệp phổ thông, vậy tại sao cứ phải xét điểm học bạ?”.
Vị chuyên gia giáo dục phân tích: “Hiện nay, một số nơi, việc đánh giá học sinh ở bậc phổ thông chưa đảm bảo đồng bộ, khách quan, công tâm. Vì thế, không nên ưu tiên cho việc xét tuyển đại học bằng điểm học bạ.
Tôi cho rằng, việc xét tuyển bằng học bạ sẽ dẫn tới những bất cập. Thứ nhất, đó là thí sinh sẽ học lệch, chỉ học những môn xét tuyển. Thứ hai, sẽ dấy lên phong trào luyện thi, học sinh đổ xô đi học thêm để được giải những đề tương tự như đề kiểm tra trên lớp, muốn làm tốt bài kiểm tra để có học bạ “đẹp”. Hệ quả thứ ba nặng nề hơn, đó là việc đi “xin” điểm, “mua” điểm để làm “đẹp” học bạ”.
TS.Lê Viết Khuyến cho rằng: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT làm chặt chẽ như thế mà người ta còn mua điểm như mấy vụ ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Vậy có chắc sẽ không xảy ra chuyện “xin” điểm của thầy cô để làm “đẹp” học bạ?
Chủ trương để các trường quyết định xét tuyển, thi tuyển là không sai, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, bệnh thành tích, gian lận vẫn còn diễn ra ở một số nơi, nếu như các trường đại học ưu tiên sử dụng cách xét tuyển bằng điểm học bạ như thế thì rất nguy hiểm! Hơn nữa, cũng không nên vì để làm tăng thu nhập của nhà trường mà hạ các chuẩn mực chất lượng xuống. Tôi nghĩ rằng, kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra tới đây, các Đại biểu Quốc hội cũng nên xem xét, bàn luận về vấn đề này”.
Cũng trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Đại biểu Quốc hội – GS.TS Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân) nhìn nhận: “Vấn đề tự chủ tuyển sinh đã quy định trong Luật, các trường được tự quyết định phương thức tuyển sinh của mình. Tuy nhiên, đối với những trường đã có uy tín, có chất lượng thì khâu tuyển sinh đầu vào rất quan trọng. Muốn có uy tín, có chất lượng thì anh phải đạt được những tiêu chí phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của cái trường. Và như vậy thì việc trường nào đó “chạy theo số lượng”, không coi trọng tiêu chí chất lượng, không đưa ra được các tiêu chuẩn để lựa chọn thì nó sẽ ảnh hưởng ngay đến chất lượng đào tạo, uy tín của trường đó. Nó sẽ làm mất đi thương hiệu, giá trị của trường”.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phân tích thêm: “Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, phần lớn những trường “top” đầu, họ không có khó khăn trong việc lựa chọn thí sinh, thường thì số lượng thí sinh đăng ký nộp hồ sơ vào trường rất đông, vì thế trường được quyền lựa chọn với tỉ lệ cao. Cho nên, tôi kỳ vọng, các trường “top” đầu sẽ không chạy theo một phương thức nào đó để “vơ vét” thí sinh.
Và trong các phương thức xét tuyển hiện nay thì có một phương thức xét tuyển kết hợp, tức là đưa ra tiêu chí kết hợp với nhau. Thường thì các trường sẽ hướng đến một nhóm đối tượng là các em học sinh có những tố chất vượt trội, năng lực, yếu tố rất đặc biệt và họ muốn chiêu sinh được những học sinh đó, để sau này đào tạo các em trở thành những người có tố chất tốt, có chất lượng cao".
"Cho nên các trường khi xét tuyển kết hợp thì họ sẽ phải tìm ra những thí sinh có tố chất đăc biệt, ví dụ như có điểm cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi năng lực gì đó hoặc những cuộc đấu trí của Olympia, những điểm chứng chỉ quốc tế rất cao... Những em này sẽ rơi vào tầm ngắm của các trường, họ muốn lôi kéo các em trở thành sinh viên của mình.
Tuy nhiên, các trường vẫn phải xem xét những thí sinh này ngoài yếu tố vượt trội ra thì có học đồng đều hay không. Chứ nếu như chỉ vượt trội thôi mà lại không thể hiện ra được năng lực đồng đều, cũng rất khó trở thành một người để đào tạo tài năng. Cho nên, các trường phải xét năng lực đồng đều, mà thường sự đồng đều đó được thể hiện trong quá trình học tập. Do vậy, việc xét học bạ chẳng qua là để các trường đánh giá tính chất toàn diện, đánh giá thêm các mặt khác của thí sinh, chứ không phải là dùng học bạ làm tiêu chí chính để xét tuyển đầu vào.
Còn nếu như trường nào chỉ đơn thuần căn cứ vào điểm học bạ cao, rồi cho thẳng vào đại học thì không ổn!", ông Cường nêu quan điểm.