Gây khó bên cánh trái
Hướng lên bóng chính của Real Madrid ở bên cánh trái. Toni Kroos tuy là một tiền vệ trung tâm nhưng thường xuyên dạt sang hành lang này để phát triển bóng. Đây là mối nguy hại lớn đối với PSG, bởi cách bố trí nhân sự thường trực của Pochettino ở khu vực này bao gồm Messi, một cầu thủ rất lười phòng ngự và Danilo, một tiền vệ phòng ngự cần mẫn và Hakimi, một hữu biên (right wing-back) hơn là hậu vệ phải (right full-back).
Việc Real Madrid tấn công bên cánh trái là điều khá dễ hiểu, vì hiện diện trên hàng công là Vinicius, cầu thủ có khả năng tạo đột biến nhất của đội bóng Hoàng gia. Và như thể vẫn chưa đủ, Benzema và thậm chí Modric cũng thường xuyên “quần anh hội” bên hành lang này.
Từ đó, mũi tấn công cánh trái của Real Madrid tạo ra sức sát thương ghê gớm, với những pha ban bật nhuyễn, những màn phối hợp lớp lang và tinh kỳ, cùng những pha rê dắt gây náo loạn hệ thống phòng ngự.
Hãy quan sát chuyển động của các cầu thủ Real Madrid, họ có rất nhiều lựa chọn bên cánh trái. Trung vệ Alaba cầm bóng dạt biên thu hút sự chú ý của cầu thủ đối phương, tạo ra chuyển động đầu tiên của đợt lên bóng; tiền vệ trung tâm Toni Kroos dạt sang biên ở vị trí hậu vệ cánh trái, hậu vệ cánh trái Mendy dâng cao như một tiền vệ cánh trái; Vinicius đón lõng ở vị trí tiền vệ cánh trái, chỉ chờ bóng đến sẽ tạo ra một pha đột phá; trung phong Benzema cũng di chuyển lệch vào hành lang trong bên trái để sẵn sàng hỗ trợ hoặc đón đường phất bóng của Alaba.
Đảo cánh
Đảo cánh là hệ quả đồng thời là ưu thế bổ sung của lối đá tập trung bên cánh trái của Real Madrid. Khi đội bóng Hoàng gia dồn tới 4 cầu thủ sang hành lang trái, đồng nghĩa đối phương phải bố trí quân số tương đương hoặc hơn để phòng ngự. Và giống như tấm chăn hẹp, khi đã đắp bên trái thì hở bên phải.
Ưu thế nữa của Real Madrid là sở hữu một cầu thủ rất giỏi chuyền dài. Đó là Toni Kroos. Khi cảm thấy không thể xuyên phá, các cầu thủ áo trắng có thể trả bóng về để tiền vệ người Đức thực hiện đường chuyền đảo cánh sang phải. Thống kê chỉ ra, Kroos là cầu thủ đảo cánh nhiều nhất châu Âu, nhiều hơn cả Alexander-Arnold.
Và không chỉ Kroos, những Modric, Casemiro, Alaba hay Militao đều thực hiện nhiều đường chuyển đảo cánh. Đây là thách thức dành cho PSG, đội đã hứng chịu những chiến bại vì các pha phối hợp đảo cánh của Man City và RB Leipzig.
Bị đối phương áp đảo quân số bên cánh trái, Kroos đảo ngược cục diện bằng đường chuyền cho Rodrygo đang chờ sẵn bên hành lang đối diện.
Trên sân của Man City, PSG đã phải hứng chịu những pha đảo cánh sắc bén của đối phương.
Đường dẫn đến khung thành
Xuyên phá xuống đáy biên rồi căng ngang trở lại phía sau là một bài kinh điển của Real Madrid. Cho đến nay, đội bóng Hoàng gia có tỷ lệ ghi bàn từ ngoài vòng cấm cao nhất ở Champions League (5/14 bàn). Số liệu này phần nào phản ánh phong cách lẫn phong độ của những trụ cột của đội bóng này.
Hơn nữa, Real Madrid là đội dứt điểm nhiều thứ hai tại Champions League, tức các cầu thủ áo trắng không cần chờ đợi có vị trí lý tưởng rồi mới tung ra cú sút. Đội bóng Hoàng gia xếp ở vị trí thứ ba từ dưới lên về tỷ lệ trung bình bàn thắng kỳ vọng, với 0,101 xG/pha dứt điểm. Thấp hơn khá nhiều so với PSG (0,176 xG/pha dứt điểm).
Nhưng với những cầu thủ đẳng cấp cao, Real Madrid không cần những cơ hội rõ ràng để ghi bàn. Khu vực rìa vòng cấm sẽ là chìa khóa để giải quyết trận đấu. Đặc biệt PSG lại có tình trạng luống cuống ở khu vực này. Các tiền vệ của đội chủ sân Công viên các Hoàng tử thường có xu hướng lùi quá sâu và quá gần các hậu vệ ở trong vòng cấm địa. Chính vị trí quá thấp như vậy sẽ mở ra khoảng trống cho những trọng pháo như Kroos, Modric hay Asensio khai hỏa.
Một pha phối hợp đặc trưng của Real Madrid: Kroos đảo cánh sang phải cho Carvajal, hậu vệ này đẩy bóng xuống đáy biên rồi căng ngược trở lại cho Vinicius đã di chuyển vào trung lộ ở rìa vòng cấm.
Một tình huống tương tự: Trong khi Vinicius đột phá bên cánh trái, Kroos và Modric đã đón lõng để tung ra cú nã đại bác.
Kẽ hở nhân sự trong chống pressing
Thoát pressing là một khía cạnh mà khả năng vắng mặt của Mendy và Benzema sẽ khiến Real Madrid phải trả giá đắt. Hai cầu thủ người Pháp là nhân tố cơ bản trong việc chống pressing của Los Blancos. Đầu tiên là bởi sự sáng tạo. Khả năng chơi tốt cả hai chân giúp cả hai dù bị dồn vào thế chân tường (đường biên) đều có nhiều phương án xử lý để không mất bóng. Thậm chí tạo đột biến. Thứ hai bởi sự hỗ trợ hữu ích khi không có bóng, cả hai luôn di chuyển hợp lý và sẵn sàng nhận bóng. Hơn thế nữa, kỹ năng kiểm soát bóng của bộ đôi này đều tuyệt hảo.
Xung quanh bộ đôi này, kỹ thuật của Modric, kỹ năng chuyền bóng của Kroos, những đường chuyền xuyên tuyến của Alaba, các pha chuyền dài vượt tuyến của Militao giúp Los Blancos gây bối rồi cho đối phương trong nỗ lực pressing.
Thầy trò Pochettino khó tìm thấy niềm vui trong nỗ lực ép sân. Nhưng, sự tiến bộ (vừa phải) gần đây trong việc kiểm soát trận đấu có thể hữu ích cho PSG, ít nhất là trong một số thời điểm nhất định, chẳng hạn như chống phản công ngay tại nguồn. Trừ khi đội chủ nhà chủ động rút lui hoàn toàn quân số.
Vinicius và cuộc chinh phục không gian
Nếu Mbappe là cầu thủ phản công hay nhất hành tinh, thì đối thủ tiềm tàng nhất của tiền đạo người Pháp là Vinicius. Và để tiền đạo người Brazil phát huy hiệu quả hơn, các đồng đội cần tìm cách cung cấp không gian chứ không chỉ trái bóng.
Khả năng chống pressing tốt của Real Madrid, với điều kiện có đầy đủ lực lượng, cho phép họ thu hút đối phương dâng cao mà không hề sợ hãi và sau đó tìm kiếm khoảng trống nơi hàng thủ đối phương.
Khi không có bóng, hàng tiền vệ được bố trí hợp lý để tổ chức phản công, trong đó Vinicius là mục tiêu ưu tiên của những đường chuyền, thông qua sự truy cản và thu hút đối phương của Benzema, và nhãn quan nhạy bén của cặp Kroos-Modric. Cấu trúc thường dùng của PSG rất dễ bị tổn thương bởi các pha phản công của Real Madrid, bởi Hakimi là hậu vệ thiên hẳn về tấn công và dâng rất cao.
Một pha phối hợp sở trường khác của Real Madrid: Vừa giành được bóng, Vinicius đánh tín hiệu kích hoạt và Modric phất bóng ngay lập tức.
Đột biến cá nhân
Tại sao phải kiếm soát toàn bộ trận đấu khi bạn biết cách tạo đột biến. Đó là câu thần chú xuyên suốt lịch sử Real Madrid và mùa này đang tỏ ra hiệu nghiệm. Cụ thể, đội bóng này đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với những gì tạo ra, với hiệu số bàn thắng và bàn thắng kỳ vọng lên tới 6 (48 bàn thắng cho 42 xG) và 5 bàn thua ít hơn so với bàn thua kỳ vọng (20 so với 25 xG). Tổng hai hiệu số này của Real Madrid là 11, cao gấp đôi đội xếp thứ hai là Bayern Munich (5) và gần gấp 4 đội xếp thứ ba là Man City (2,7). Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tạo ra đột biến…
Cường độ thấp, con mồi ưa thích của Messi
Real Madrid lẫn PSG đều là những đội chơi bóng cường độ thấp. Đặc điểm phụ thuộc ngôi sao hơn tập thể khiến hai đại gia này không có những pha luân chuyển bóng liên tục hay các tình huống pressing nghẹt thở. Sở trường của cả hai là những pha chuyển trạng thái chớp nhoáng và khả năng tạo đột biến của các siêu sao.
Thế nên, không khó hình dung một trận đấu cường độ thấp sẽ diễn ra tại Công viên các Hoàng tử. Chất lượng kỹ thuật vượt trội ở giữa sân có thể giúp Los Blancos chiếm ưu thế trong kiểm soát bóng. Song, ở vòng đấu loại trực tiếp, sự kiên nhẫn và bất ngờ mới là yếu tố tiên quyết.
Hơn nữa, PSG sẽ không phải chịu sức ép liên tục từ phía Real Madrid. Thống kê chỉ ra đội bóng Hoàng gia xếp thứ 16 La Liga mùa này ở chỉ số pressing. Xu hướng của các cầu thủ áo trắng mỗi khi mất bóng và lùi về phía sau. Điều này tạo điều kiện cho tuyến sau PSG có nhiều thời gian cầm bóng.
Hơn thế nữa, cách đá hạn chế pressing của Real Madrid chính là con mồi ưa thích của Lionel Messi, thiên tài đi bộ người Argentina. Khi phải tham gia vào một trận đấu có cường độ quá cao, La Pulga thường bị phong tỏa và mất hút. Nhưng khi có không gian và thời gian, không ai đáng sợ như siêu sao số 30 của PSG. Đó là lý do tại sao anh ghi rất nhiều bàn vào lưới Los Blancos.
Dưới đây là hình ảnh các cầu thủ Real Madrid chủ động lùi sâu trong trận El Clasico gần nhất.
Bóng tối dưới ngọn hải đăng
Ngay cả khi Ancelotti thiên về sơ đồ 4-4-2 khi tổ chức phòng ngự, thì cấu trúc thường thấy vẫn là 4-5-1. Trong cấu trúc này, những cầu vệ tổ chức, vốn được ví như những ngọn hải đăng soi đường lối chơi, là Kroos và Modric sẽ lần lượt gây áp lực với cầu thủ cầm bóng đối phương, trong khi Benzema đảo về vị trí bọc lót.
Việc Modric và Kroos phải dâng khá cao như vậy sẽ đổ lộ khoảng trống lớn sau lưng. Đó chính là bóng tối dưới ngọn hải đăng mà PSG có thể khai thác. Bởi lẽ, Benzema không phải lúc nào cũng lùi về kịp thời, trong khi khả năng bóng lót từ các cầu thủ bám biên cũng hạn chế.
Khoảng trống sau lưng Kroos là cơ hội cho PSG khai thác. Vinicius có thể hỗ trợ cho tiền vệ người Đức trong pha bóng này nhưng kỳ thực thần đồng người Brazil không sinh ra để phòng ngự và luôn thụ động, thiếu nhạy cảm trong những tình huống như thế này.
Một pha bóng tương tự: Modric dâng cao và để lộ khoảng trống. Vinicius cũng đứng rất cao và không có ai hỗ trợ Kroos. Một mình Mendy nguy cơ đối mặt 2 cầu thủ đối phương.
Dễ bị tổn thương
Việc các tiền vệ được di chuyển tự do tạo ra sự đột biến trong phát triển bóng. Tuy nhiên, trong trường hợp mất bóng, nguy cơ bị tổn thương của hàng phòng ngự cực cao.
Không chỉ Kroos và Modric duy chuyển tùy ý, ngay cả Casemiro cũng hiếm khi án ngữ ở vị trí mỏ nèo. Đơn cử như pha bóng này, Casemiro (khoanh trắng) đứng còn cao hơn cả Kroos và Modirc. Hệ quả là áp lực gần như dồn toàn bộ xuống bộ đôi trung vệ Alaba-Militao.
Ở trận đấu trước mắt, Militao, trung vệ lệch phải của Real Madrid sẽ phải đương đầu với thử thách cực đại mang tên Mbappe. Không chỉ có vai trò duy trì chiều sâu đội hình, khả năng săn bàn lẫn rê dắt khi dạt biên của tiền đạo người Pháp cho phép anh tạo ra nhiều khoảng trống hơn.
Nếu Militao để sổng Mbappae, khung thành Courtois sẽ gặp nhiều nguy hại. Cách đây không lâu, Real Madrid và Militao đã gặp khó khăn như vậy với một mẫu tiền đạo tương tự Mbappe nhưng ở đẳng cấp thấp hơn: Inaki Willams của Athletic Bilbao.
Ngay sau khi Bilbao đoạt bóng, Inaki Williams sẵn sàng trong thế quay lưng để thu hút Militao đồng thời làm tường cho đồng đội. Sau đó, khoảng trống lập tức được mở ra.