100% phiếu tín nhiệm
Tại Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam diễn ra hôm 9/1, Ban Chấp hành đã đồng thuận để Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn làm Quyền Chủ tịch VFF, sau khi đương kim Chủ tịch Lê Khánh Hải từ nhiệm.
Cần phải nói lại, một thời gian dài vừa qua, chiếc ghế Chủ tịch VFF bỏ trống khi ông Lê Khánh Hải xin thôi chức.
Theo kết quả bỏ phiếu, 100% thành viên dự Đại hội nhất trí để ông Trần Quốc Tuấn đảm nhận vai trò quyền Chủ tịch VFF. Ông Trần Quốc Tuấn sẽ đảm nhận vai trò quyền Chủ tịch VFF cho tới khi bầu lại tại Đại hội khoá 9, dự kiến vào cuối năm 2022.
“Tôi rất cảm ơn sự có mặt, ủng hộ của các đơn vị tổ chức thành viên VFF trong ngày hôm nay. Sự đồng hành, đoàn kết của các đơn vị thành viên sẽ giúp VFF có thể hiện thực hóa được các nhiệm vụ quan trọng của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Trần Quốc Tuấn là Phó chủ tịch VFF các khóa 7 (2014-2018) và khóa 8 (2018-2022), được đánh giá cao về kinh nghiệm và năng lực ở VFF, hiện là Trưởng ban thi đấu Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Đây cũng là nhiệm kỳ thứ ba ông được bầu vào thường vụ AFC (nhiệm kỳ 2019-2023).
Trong những năm qua, ông Tuấn là quan chức của VFF nhận được sự tín nhiệm và có tấm ảnh hưởng lớn tại khu vực cũng như châu lục.
Sau khi nhận chức Quyền Chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn khẳng định, VFF sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho bóng đá trẻ với mục tiêu là tấm vé dự World Cup 2026, khi FIFA tăng số đội tuyển tham dự từ 32 lên 48.
"Vai trò quốc tế mang lại nhiều thuận lợi cho việc tiếp cận hệ thống thi đấu cao nhất của bóng đá thế giới, cũng giúp vị thế và tiếng nói của bóng đá Việt Nam tốt hơn. Tôi sẽ tận dụng tối đa cơ hội để có được sự hỗ trợ cho bóng đá Việt Nam phát triển", ông Tuấn cho biết.
Chiếc ghế đã chọn đúng người
Trước nhiệm kỳ 8 của ông Lê Khánh Hải, nhiệm kỳ của ông Lê Hùng Dũng được xem là thành công về chuyên môn khi U23 giành HCB U23 châu Á 2018, ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, U20 tham dự U20 World Cup tại Hàn Quốc năm 2017…
Tuy nhiên, có những thời điểm, chiếc ghế Chủ tịch của VFF rất “nóng” khi ông Lê Hùng Dũng không may bị bệnh, không thể tham gia điều hành tổ chức xã hội này. Đặc biệt, càng đến cuối nhiệm kỳ, VFF có nhiều sóng gió khi mà nội bộ có những dấu hiệu lục đục. Đáng chú ý, một vị Phó Chủ tịch phải từ chức khi bị rõ rỉ những bê bối của bản thân.
Lại nói chuyện cũ, trước khi lên ngồi chiếc ghế phó Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng từng làm Phó Chủ tịch Phụ trách tài chính. Thời điểm đó, ông Dũng đang là Phó Chủ tịch của một ngân hàng lớn và được xem là người kiếm tiền nhiều nhất cho VFF. Cuối năm 2013, khi ông Nguyễn Trọng Hỷ từ chức, ông Lê Hùng Dũng trở thành Quyền Chủ tịch VFF.
Sau đó, ông Dũng chính thức trở thành Chủ tịch. Ông Trần Quốc Tuấn đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Ông Nguyễn Xuân Gụ phụ trách Truyền thông và đối ngoại. Và đặc biệt, “tứ trụ” của VFF có sự xuất hiện của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) ở cương vị Phó Chủ tịch phụ trách tài chính.
Như đã nói trên, nhiệm kỳ thứ 7 được xem thành công về mặt chuyên môn khi các đội tuyển gặt hái được nhiều thành tích. Nhưng dấu ấn mà những lãnh đạo để lại là không quá nhiều. Ở thời điểm bấy giờ, có ý kiến cho rằng, việc đặt nặng vấn đề kiếm tiền cho đội tuyển đã khiến chuyên môn của ĐTQG bị ảnh hưởng.
Điển hình, ĐT Việt Nam dưới triều đại của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã phải nhận thất bại tại AFF Cup 2016. Cay đắng hơn, U23 Việt Nam đã bị Thái Lan loại ngay vòng bảng.
Cũng lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Thanh, Hồng Duy… nhưng dưới bàn tay của HLV Park Hang Sang đã rực sáng tại VCK U23 châu Á 2018. Bóng đá Việt Nam sang một trang mới nhưng ngoại trừ ông Trần Quốc Tuấn, những người còn lại khá mờ nhạt. Hoặc có, ông Đoàn Nguyên Đức chỉ được xứng tên khi tạo ra một lứa cầu thủ tài năng tại Học viện HAGL.
Về kinh nghiệm quản lý, lẫn tầm ảnh hưởng quốc tế, rõ ràng ông Trần Quốc Tuấn là người xứng đáng được chọn ngồi vào chiếc ghế Quyền Chủ tịch VFF và có thể tới đây là Chủ tịch VFF.
Tất nhiên, sẽ có những tranh cãi, liệu rằng, vai trò của một ông Chủ tịch VFF thuần tuý về chuyên môn liệu có ảnh hưởng đến việc kiếm tiền hay những vấn đề liên quan?.
Nhìn sang Thái Lan, những câu hỏi này hoàn toàn có lý. Nhưng mỗi nền bóng đá có một đặc thù riêng. Chúng ta không thể chờ vào sự hào nhoáng, chịu chơi như nữ tỷ phú Trưởng đoàn của ĐT Thái Lan Nuanphan Lamsan (Madam Pang) hay sự giàu có của Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Somyot Boompanmoung.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, tiền sẽ đến khi bóng đá Việt Nam tiếp tục gặt hái được những thành công và thành công chỉ đến khi những người đứng đầu có chuyên môn sâu, có mối quan hệ và đủ tầm ảnh hưởng khi bước ra sân chơi quốc tế.
Chúc mừng ông Trần Quốc Tuấn!.
Nhật Thị