Hàng chục bể đá cổ của những người sưu tập, yêu đồ đá cổ khắp miền Bắc đã hội tụ tại một nhà vườn bonsai ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Đây là những bể đá quý, người yêu đồ đá phải mất rất nhiều công sức cũng như tiền bạc mới có được.
Anh Nhật Cường, chủ vườn bonsai cho biết: “Những bể đá cổ này đều là bể quý, được những người chơi, sưu tầm bể đá cổ khắp miền Bắc mang về đây để người dân, du khách chiêm ngưỡng”.
Ông Trịnh Tấn Liêm (phố cổ Hội An, Quảng Nam, người chuyên đục tái bản lại những bể đá cổ trong cung đình Huế xưa) chia sẻ: “Được ngắm tuyệt tác cổ còn nguyên vẹn thật sự là may mắn, bởi đây là những tinh hoa các nghệ nhân xưa để lại cho các thế hệ sau hiểu về văn hóa Việt xưa”.
“Những bể đá này ngày xưa chỉ vua, chúa mới được chơi. Các cụ ngày xưa chọn những viên đá rất đẹp để đục, đá thường có nguồn gốc từ Thanh Hóa và Ninh Bình. Nghệ nhân xưa đục mộc nhưng rất tinh xảo, bây giờ thợ có thể đục sao chép nhưng thần thái và độ tinh xảo thì không thể bằng các cụ ngày xưa”, ông Liêm cho hay.
Cũng theo ông Liêm, những bể đá này rất có giá trị bởi nó lành lặn, vết đục tinh xảo và có tuổi đời rất cao.
Trong ảnh là chiếc bể đá quý của anh Nguyễn Hùng ở Thủy Nguyên (Hải Phòng). Anh là người sở hữu nhiều bể đá cổ quý ở Việt Nam. Chiếc bể đá này đục 4 mặt, đục long, ly, quy, phượng và tùng, cúc, trúc, mai.
Ông Trịnh Tấn Liêm cho biết, chiếc bể đá này phải có tuổi đời vài trăm năm.
“Trong đồ cổ thì nhất nhân nhì vật, còn bể đá cổ này hội tụ hết. Hoa văn đục nổi, đường nét đục sâu có hồn, nét đục như đục gỗ”, ông Liêm chia sẻ.
Bể đá cổ của anh Đinh Văn Tuấn (Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội). Bể có 3 mặt đục nổi còn 1 mặt để trơn, bể được giới chơi đồ cổ định giá lên đến nhiều tỷ đồng. Theo anh Tuấn, đây là bể đá nguyên khối rất có giá trị.
“Đã là đồ cổ quý hiếm thì rất ít, có khi là độc bản nên giá trị của nó không thể định giá bằng tiền, phải nói là vô giá. Với những ai am hiểu, yêu thích đồ cổ thì có thể giá nào họ cũng mua. Còn với những người không biết, họ chỉ coi như một chiếc bể đá bình thường, không có giá trị lớn lắm. Bể đá cổ khi tưới nước vào nổi lên màu rất đẹp”, anh Tuấn chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Cường (Thanh Hóa) đang sở hữu vài chục bể đá cổ tiền tỷ cho biết: “Bể đá nhà nghèo hầu như để trơn, không chạm trổ cầu kỳ. Ngược lại, bể đá của nhà giàu, có địa vị, sẽ được chạm trổ có họa tiết tùng, cúc, trúc, mai; tứ linh ở xung quanh mặt bể”.
Anh Cường cho biết, theo kinh nghiệm săn bể đá của anh, bể càng cổ, càng lâu năm càng có giá trị. Có những bể đá quý trong gia đình quyền quý, được chạm khắc linh vật, chữ nho…, giá trị có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Những “thợ săn” bể đá cổ cho biết, có thể mất nhiều tháng, thậm chí vài năm mới có thể mua được một bể đá cổ ra khỏi nhà dân hay những người yêu đá.
Nhiều đại gia bỏ tiền tỷ mua bể cổ chỉ để thả nước hay trồng sen, trồng súng trước cửa nhà.
Chính vì độ quý hiếm, nhiều đại gia săn lùng nên bể đá cổ ngày càng hiếm. “Một chiếc bể đá cổ, đẹp chỉ cần thông tin là mất ngay”, anh Cường nói.
“Đá nguyên khối thì không có tuổi. Nhưng, nhìn vào độ mòn của hoa văn, độ mòn của các chi tiết bể đá… sẽ biết được tuổi của bể”, anh Cường giải thích.
Hồng Phú