Theo Rbth, hệ thống phòng không S-400 có thể biến bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ thành vùng “bất khả xâm phạm” cho tất cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của kẻ đối đầu, biến biên giới của quốc gia thành viên NATO này thành nơi không thể xâm nhập. Trong bối cảnh tình hình ở Idlib, Syria xấu hơn liệu Nga có xuống thang trước vũ khí uy lực nhất của mình?
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của Nga mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 “Triumf”, một trong những vũ khí tân tiến nhất trên thế giới và là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Ankara đã mua 4 hệ thống S-400 của Nga và vũ khí này sẽ được vận hành vào tháng 4, tháng 5/2020. Hợp đồng mua vũ khí này được ký kết vào cuối năm 2017 giữa lãnh đạo hai nước với trị giá hợp đồng khoảng 2,5 tỉ USD.
Mỗi khẩu đội S-400 khi tham gia tác chiến sẽ bao gồm bốn xe phóng với 16 tên lửa (mỗi xe phóng được trang bị bốn tên lửa) có khả năng bắn hạ chiến đấu cơ thế hệ mới và tên lửa hành trình ở cự ly 200 km.
Theo hợp đồng hai bên đã ký, danh mục vũ khí còn có một số phương tiện vận tải, trạm radar, trạm chỉ huy và các phương tiện hỗ trợ khác nhau.
Ngoài ra, các xạ thủ phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được người Nga huấn luyện vận hành vũ khí này.
Những rủi ro khó lường
Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bắn hạ máy bay Nga bằng S-400? Câu hỏi này là chủ đề được nhiều chuyên gia đề cập tới.
Theo Tổng biên tập tạp chí Arsenal của Vikor Murakhovsky, giả thuyết trên hoàn toàn là điều có thể xảy ra vì theo hợp đồng Nga sẽ trao cho Ankara không chỉ bệ phóng tên lửa mà còn trao một phần công nghệ chế tạo S-400.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự của TASS Viktor Litovkin lại loại trừ giả thuyết trên.
“Chúng tôi không cung cấp cho các nước thứ 3 mã truy cập vào vũ khí tấn công chính xác của chúng tôi. Bí mật của mọi loại hệ thống vũ khí phòng thủ trên thế giới đều được phơi bày tại nhà máy. Nếu toàn bộ chu trình sản xuất của chúng tôi đều được thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ thì điều đó hoàn toàn có thể. Nhưng theo hợp đồng giữa Moscow và Ankara, việc bảo dưỡng S-400 sẽ được thực hiện ở nhà máy Almaz-Antey tại Nga”, chuyên gia Viktor Litovkin cho biết.
S-400 cũng được cho là đã trang bị sẵn hệ thống nhận dạng đồng minh hay kẻ thù trên chiến trường, chuyên gia cho biết thêm.
“Đây không phải lần đầu tiên Nga cung cấp vũ khí có độ chính xác cao cho một thành viên NATO - vốn có khả năng quay lưng lại với chúng tôi một khi xung đột nổ ra. Những câu hỏi tương tự đã được đưa ra vào năm 1996 khi Nga bán hệ thống phòng không S-300 cho Hy Lạp. S-300 có thể bắn hạ bất cứ máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom nào sẵn có ở thời điểm đó”, ông Viktor Litovkin nói thêm.
Theo chuyên gia này, hệ thống S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phân biệt máy bay Nga hay máy bay Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi các kẻ không tặc của Ankara tìm ra đột nhập và khởi động lại hệ thống.