Theo Sputnik, truyền thông nhà nước Syria đưa tin, hàng chục xe tải chở theo nhiều vật liệu và thiết bị được lính Mỹ hộ tống từ Iraq vào Syria.
Đoàn xe gồm 58 phương tiện của các lực lượng Mỹ từ Iraq tiến qua cửa khẩu al-Waleed vào tỉnh al-Hasakah, miền nam Syria.
Các nguồn tin tại thị trấn al-Yaarubiyah của Syria, gần biên giới với Iraq, cho biết đoàn xe chở theo xe tải quân sự, bê tông tấm cùng nhiều thiết bị đang tiến về thành phố Qamishli, nơi từng xảy ra vụ đấu súng chết người giữa lực lượng Mỹ và quân đội Syria hồi tháng 8.
Hiện lực lượng Mỹ tại Syria chưa bình luận về sự việc.
Nhiều hoạt động gia tăng dọc theo biên giới Syria - Iraq những ngày qua, trong đó gồm một đoàn xe khác gồm 65 chiếc đến từ phía Iraq gồm xe chở thiết giáp, tủ lạnh và xe bồn. Đoàn xe này được nhiều thiết giáp hộ tống. Hàng chục phương tiện quân sự và dân sự bị hư hỏng khác được chuyển về Iraq.
Cửa khẩu al-Waleed nằm ngoài quyền kiểm soát của chính quyền Syria và bị Damascus xếp vào diện "cửa khẩu bất hợp pháp".
Mỹ được cho là bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự tại Syria từ đầu tháng 9 và đưa khoảng 50 xe quân sự vào quốc gia Trung Đông hôm 4/9. Trước đó, truyền thông địa phương đưa tin Mỹ điều hơn 60 xe tải và thiết giáp tới tỉnh al-Hasakah thông qua cửa khẩu al-Waleed.
Chính phủ Syria nhiều lần yêu cầu các lực lượng của Mỹ rời khỏi quốc gia này, nhấn mạnh sự hiện diện của họ là bất hợp pháp theo luật quốc tế. Syria cáo buộc Mỹ cùng dân quân người Kurd đánh cắp tài nguyên tại các mỏ dầu ở al-Hasakah và Deir ez-Zor, nơi phần lớn lực lượng Mỹ đóng quân.
Khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng ở Syria
Bộ trưởng Dầu mỏ Syria nhấn mạnh, quốc gia này đang trải qua đợt thiếu hụt xăng dầu trầm trọng do sức ép từ lệnh trừng phạt của Mỹ làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu nhiên liệu.
Trong tuyên bố hôm 16/9, Bộ trưởng Dầu mỏ Syria Bassam Touma cho hay, Đạo luật Caesar được Mỹ thông qua và có hiệu lực thi hành từ tháng 6/2019 nhằm cấm các công ty nước ngoài giao thương với chính quyền Damascus, đã gây gián đoạn nhập khẩu hàng hóa của Syria từ các nhà cung cấp quốc tế.
“Vòng vây của Mỹ cùng lệnh trừng phạt hạn chế hoạt động nhập khẩu hàng hóa đã khiến chính phủ Syria phải cắt giảm năng suất phân phối xăng dầu mất 35%”, Bộ trưởng Touma cho biết.
Sự thiếu hụt nhiên liệu giữa lúc nền kinh tế Syria gần như sụp đổ hoàn toàn sau 9 năm nội chiến khiến đồng nội tệ mất giá và lạm phát tăng cao, càng tạo ra thêm thách thức và khó khăn cho dân thường Syria.
Hoạt động sản xuất dầu mỏ ở Syria sụt giảm nghiêm trọng sau khi chính quyền Damascus mất quyền kiểm soát gần như toàn bộ khu mỏ dầu trải dài từ phía đông sông Euphrates thuộc tỉnh Deir al-Zor. Khu vực này hiện nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.
Syria từng phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Iran, nhưng do các lệnh trừng phạt tăng cường mà Mỹ áp đặt với Iran, Syria không thể mua năng lượng từ các đồng minh từ năm ngoái.
Một số nguồn tin cho biết, nguồn dự trữ ngoại tệ cạn kiệt cũng là một phần nguyên nhân khiến Damascus phải giảm lượng nhiên liệu nhập khẩu trong vòng 2 tháng qua và dẫn tới cảnh khan hiếm hàng.