Hãng thông tấn Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/3 cho biết, các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cân nhắc những biện pháp hỗ trợ Ankara trong cuộc khủng hoảng Syria.
“Không có đồng minh NATO nào khác chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Syria nhiều hơn Thổ Nhĩ Kỳ", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ tại một cuộc họp báo hôm 19/3, ám chỉ đến những tổn thất quân sự mà Ankara phải hứng chịu, và thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận 4 triệu người tị nạn Syria.
Theo ông Stoltenberg, NATO đã tăng cường sự hiện diện hải quân trong khu vực, và Tây Ban Nha cũng đang xem xét hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hệ thống phòng không.
Tổng thư ký NATO đồng thời “lên án các cuộc tấn công tùy tiện của chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn”, và kêu gọi hai quốc gia này ủng hộ các nỗ lực do Liên hợp quốc dẫn đầu nhằm thiết lập một giải pháp chính trị và đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng ở khu vực Idlib, cũng như trên toàn lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, động thái của NATO liệu có cứu vãn được tình thế như nhiều nhà phân tích nhận định là thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ trước Nga và Syria ở Idlib, Syria hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Ngày 18/3, nhà báo Nga Oleg Blokhin công bố một số bức ảnh, bóc trần bản chất thật sự của trạm quan sát "ngừng bắn" của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây bắc Hama của Syria. Các bức ảnh cho thấy, các "trạm quan sát" này được vũ trang như căn cứ quân sự mạnh.
Gần thị trấn Shir Mughar có trạm quan sát của lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trấn này đang bị Quân đội Syria bao vây từ 3 hướng. Những bức ảnh, do một máy bay không người lái chụp, cho thấy trong trạm quan sát có cả xe tăng, xe bọc thép và pháo tự hành.
Theo những thỏa thuận ban đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ được lập lên để theo dõi những vi phạm ngừng bắn của các bên ở Greater Idlib của Syria. Nhưng hiện nay, các trạm quan sát này đang trở thành các căn cứ quân sự mạnh.
Các trạm quan sát không chỉ là căn cứ hậu cần kỹ thuật, yểm trợ hỏa lực cho HTS và nhiều nhóm khủng bố khác, mà còn sử dụng như là lá chắn, cho phép thánh chiến đặt các trận địa pháo gần kể để bắn phá chiến tuyến quân đội Syria. Đồng thời cũng là địa điểm tập trung quân cho các cuộc tấn công của thánh chiến.
Việc tập trung binh lực ngày càng tăng ở Greater Idlib cho thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cho việc tiến hành một cuộc xâm lược thực sự vào Syria, chứ không đơn giản là một sự hậu thuẫn cho các nhóm thánh chiến. Trong tình huống này, lực lượng Hồi giáo cực đoan thánh chiến đang là đệm lót đường cho chiến lược chiếm đóng lâu dài của Ankara.
Idlib vẫn là “chảo lửa” căng thẳng
Nhờ sự hỗ trợ quân sự của Nga, Iran và lực lượng Hezbollah, chính phủ Tổng thống Assad đã tái kiểm soát hơn 70% đất nước bị chiến tranh tàn phá, theo Reuters.
Tỉnh Idlib ở tây bắc Syria hiện là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy. Đây cũng là mục tiêu tấn công dồn dập của lực lượng chính phủ Syria kể từ tháng 12/2019.
Ít nhất 60 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng sau những đợt không kích dữ dội nhắm vào phe nổi dậy ở Idlib hồi cuối tháng 2.
Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ra lệnh cho quân đội tiến hành những đợt tấn công trả đũa liên tục từ ngày 1 – 3/3 nhắm vào lực lượng chính phủ Syria, giết chết 100 binh sĩ và bắn hạ 2 chiến đấu cơ Su-24 của Syria.
Ông Erdogan gọi đó "chỉ là khởi đầu" và đe dọa tấn công tất cả mục tiêu ở Syria, nếu các chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bị tấn công.
Chiến tranh ủy nhiệm có nguy trở thành cuộc đối đầu trực diện nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tấn công vì Nga cũng có lực lượng quân cảnh hiện diện ở Idlib.
Ngày 13/3, Nga - Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc các vòng đàm phán và đã đạt thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực ở Idlib từ ngày 15/3.
Cũng theo thỏa thuận, phía Thổ Nhĩ Kỳ - Nga sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung từ thị trấn Tronba ở tỉnh Idlib, theo Interfax.
Tuy nhiên, “cuộc tuần tra chung ngày 15/3 đã bị cắt ngắn do những phần tử cực đoan dùng thường dân, phụ nữ và trẻ em làm lá chắn sóng dọc theo xa lộ M4 để gây hấn”, theo thông báo Bộ Quốc phòng Nga.