"Chiêu bài" ở Idlib của Thổ Nhĩ Kỳ: Nga-Mỹ cùng lúc "mắc bẫy" không ngờ?

"Chiêu bài" ở Idlib của Thổ Nhĩ Kỳ: Nga-Mỹ cùng lúc "mắc bẫy" không ngờ?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 5, 20/02/2020 20:00

Với việc sắp đặt một "cái bẫy" ở Idlib, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng tối đa các điều kiện, đòn bẩy mà mình có được ở Syria để thương thuyết, gặt hái nhiều lợi ích thành công từ Nga và Mỹ.

Tiêu điểm - 'Chiêu bài' ở Idlib của Thổ Nhĩ Kỳ: Nga-Mỹ cùng lúc 'mắc bẫy' không ngờ?

Sự quấy phá mà Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra ở Idlib không hề đơn giản.

Sự leo thang quân sự có chủ ý của Thổ Nhĩ Kỳ khi đưa quân tiến sâu vào Idlib đã tạo ra những bước ngoặt khó lường, buộc các thế lực toàn cầu tham gia vào cuộc xung đột Syria cần thiết phải có những tính toán mới.

Một mặt, Nga lúc này chắc chắn sẽ cảm thấy thất vọng khi các bước đi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã không đi theo đúng quỹ đạo như Tổng thống Nga Vladimir Putin mong đợi.

Thậm chí, Nga sẽ cay đắng nhận ra rằng những mâu thuẫn nội tại trong lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể khỏa lấp trong một sớm một chiều và luôn trực chờ nổi lên bất cứ lúc nào.

Sẽ không ngạc nhiên khi Tổng thống Putin đang nhìn thấy một thách thức ghê gớm từ người đồng cấp Erdogan trong bàn cờ địa chính trị Syria và đây có thể là một cuộc chơi khó khăn nhất từ trước đến giờ đối với ông, tờ Ahval News nhận định.

Nga có đánh đổi?

Đối với Tổng thống Putin, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời chính quyền Erdogan là một thành phần quan trọng trong chiến lược của Nga nhằm làm suy yếu phương Tây, đặc biệt là khối quân sự NATO.

Tuy nhiên, chính vì mục tiêu này vô cùng quan trọng nên Moscow khó có thể gạt bỏ sang một bên để tập trung toàn lực vào việc giúp Syria tái thiết lập quyền kiểm soát lãnh thổ.

Liệu kẻ mạnh như Nga sẽ lựa chọn giữa việc hỗ trợ toàn diện cho Tổng thống Bashar Assad hay sẽ buộc phải cân bằng một vài điều ở Idlib hiện tại để chiều lòng Tổng thống Erdogan?

Ở vế đầu tiên, nếu ông Putin chấp nhận nhún nhường trước Thổ Nhĩ Kỳ, ông sẽ đối mặt với việc đánh mất uy tín với chính quyền Syria đồng minh, khi bị coi là một đối tác không đáng tin cậy.

Trong khi đó, ở kịch bản thứ hai, một động thái giảm leo thang với Ankara cũng chưa chắc sẽ đạt được những gì mà Moscow mong đợi.

Cây bút bình luận Yavuz Baydar của Ahval News lưu ý rằng, những lời hứa được tô vẽ bởi nụ cười của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria thường không mấy khi được nước này thực hiện, thậm chí còn hoàn toàn đi ngược lại với cam kết ban đầu.

Bởi vậy, Tổng thống Putin sẽ phải cân nhắc sự rủi ro tương tự trong chiến lược của Tổng thống Erdogan ở Syria và Libya. Càng thỏa hiệp, chiến lược Syria của Nga sẽ càng bị tổn hại.

Chiêu bài của Thổ Nhĩ Kỳ

Tiêu điểm - 'Chiêu bài' ở Idlib của Thổ Nhĩ Kỳ: Nga-Mỹ cùng lúc 'mắc bẫy' không ngờ? (Hình 2).

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran vẫn là một phần trong tiến trình hòa bình Astana.

Bằng cách liên tục sử dụng lời dọa dẫm bỏ mặc dòng người tị nạn, Tổng thống Erdogan đã khiến châu Âu lo ngại và buộc phải phụ thuộc vào các động thái của mình, đồng thời tạo được nhiều đòn bẩy với phương Tây.

Ngoài ra, với việc liên tục nhấn mạnh về sự hiện diện vĩnh viễn (gần như chắc chắn là ý định của Ankara đối với miền Bắc Syria) ở Idlib, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn tạo được áp lực rình rập đối với chính quyền Assad.

Về sau này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không còn hướng đến mục tiêu lật đổ Tổng thống Assad nữa, nhưng với việc thiết lập được hiện diện quân sự vững chắc ở Syria, mọi kế hoạch trong tương lai liên quan đến các nhóm chiến binh khác nhau mà Ankara hậu thuẫn sẽ luôn có bệ phóng vững chắc để thực hiện.

Trong khi đó, chiến lược của Tổng thống Putin với nền tảng là tiêu diệt các phe nhóm đối lập ở Syria, sẽ đụng độ với chiến lược của Tổng thống Erdogan – dù sớm hay muộn.

Về phần mình, Mỹ dường như sẽ không có phần trong cuộc xung đột hiện tại. Washington cần hiểu một điều rằng, chừng nào Nga còn được mời ở lại Syria, sẽ không có cách nào thực sự để có thể thách thức chính quyền Tổng thống Assad.

Điều đáng quan tâm nhất đối với Nga lúc này vẫn là sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria, mà theo lời Tổng thống Erdogan thì đó là một sự xuất hiện “hợp pháp”, dẫu cho nó không được luật pháp quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, sự rắc rối mà Ankara mang lại lúc này ở Syria cũng một phần đến từ sự hỗn loạn chính sách của Washington – thế lực đồng thời bắt tay với hai đối thủ không đội trời chung Thổ Nhĩ Kỳ-người Kurd, để rồi giờ đây không biết cách nào để tháo gỡ bế tắc.

Syria sẽ là một sân chơi mà Tổng thống Erdogan luôn cố gắng giữ bằng được những lợi ích cần thiết cho mình, dù là ở mức tối thiểu.

Với sự quấy rối một cách có chủ ý, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng tối đa các điều kiện, đòn bẩy mà mình có được ở Syria để thương thuyết, gặt hái nhiều lợi ích thành công từ Nga và Mỹ.

Không có gì ngạc nhiên khi đó là một cách thức mà nhiều quốc gia khác thường xuyên sử dụng trong các cuộc chiến địa chính trị. Nhưng điều kinh ngạc là các nhà lãnh đạo toàn cầu khác - mạnh mẽ và thậm chí quyền lực hơn nhiều so với ông Erdogan - lại vẫn bị rơi vào bẫy.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.