Sự hy sinh của các “chiến sĩ áo trắng” nói bao nhiêu cũng không đủ
Hướng tới kỷ niệm ngày Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, sáng 21/2 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" với sự tham dự các vị khách mời là lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các chuyên gia y tế để phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế cũng như năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.
Chia sẻ về những suy nghĩ, trăn trở và những ấn tượng sâu sắc nhất hơn 2 năm qua của các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ, đại dịch Covid-19 là một trong những thách thức rất lớn đối với sức khỏe của cộng đồng, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt quá con số 420 triệu ca, trong đó trên 5,8 triệu ca đã tử vong với nhiều chủng của virus SARS-CoV-2 như biến thể Delta, biến thể Omicron. Tại Việt Nam, cả nước ghi nhận trên 2 triệu ca mắc, trên 39.000 trường hợp tử vong.
Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc.
“Họ không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước và đã gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia tông tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng tâm dịch trong hai năm vừa qua. Họ luôn để lại hình ảnh gắn bó thân thương đáng nhớ với với người dân, cộng đồng, bằng tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của người dân bị dịch bệnh đe dọa”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Theo Thứ trưởng, chỉ riêng đợt dịch thứ 4, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên ngành y, ở nhiều địa phương trên cả nước hăng hái trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nóng nhất, nguy nhiểm nhất.
Nhân viên y tế luôn nhận thức được nhiệm vụ của người thầy thuốc với người bệnh, với nghề nghiệp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, với trách nhiệm tự hào đóng góp chuyên môn cho cuộc chiến chống đại dịch Covid. Và chúng ta nhận thấy rõ tinh thần chủ động tích cực, sẵn sàng, đoàn kết trong công tác chống dịch tại cơ sở địa phương, thậm chí ngay cả khi chưa có sự điều động của Bộ Y tế.
Bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất
Đối với số liệu nghiên cứu "tác động của đại dịch Covid-19 với sức khỏe và điều kiện kinh tế, xã hội, việc làm của cán bộ y tế" do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát trên 2.700 nhân viên y tế cả nước tính tới hết tháng 12/2021 cho thấy, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đây là kết quả nghiên cứu về những tác động của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe, điều kiện kinh tế xã hội và việc làm của cán bộ y tế do Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát từ tháng 9-11/2021 và được công bố tại Hà Nội ngày 8/12/2021.
Theo Thứ trưởng, thời điểm đó, đang là giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác phòng chống dịch nên việc chi trả còn chưa kịp thời, vì chúng ta đang tập trung mục tiêu trước hết là "chống dịch như chống giặc". Khi đó, tất cả nhân viên y tế lên đường không đòi hỏi gì về chế độ, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ở đâu bệnh nhân cần thì nhân viên y tế có mặt ở đó.
Chính vì thế, theo thông tin báo cáo, đến nay, sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế. Bộ Y tế đã có Công văn 6401 ngày 7/8/2021 gửi các địa phương hướng dẫn về chi trả chế độ cho nhân viên y tế của địa phương. Trong công văn, Bộ quy định rõ đối tượng được hưởng, thời gian, kinh phí chi trả, đơn vị chi trả…
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi có nhận được thông tin từ một số địa phương, sau khi dịch đã ổn định nhưng chưa chi trả hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi y tế các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khẩn trương chi trả phụ cấp ngành cho nhân viên y tế”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã hết sức quan tâm đến chính sách của nhân viên y tế. Cụ thể, ngay từ khi có đại dịch, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 37 ngày 29/3/2020, Nghị quyết 16 ngày 8/2/2021 về một số chế độ đặc thù phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có nâng phụ cấp lên 2 lần so với quy định cũ. Chế độ phụ chống dịch thời gian qua đã phần nào bù đắp đối với lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế vẫn tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 58 ngày 8/6/2021, trong đó quy định chế độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là 7.500 đồng/mũi/kíp tiêm; chế độ đối với người tình nguyện như học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng; người có chuyên môn không hưởng lương từ ngân sách nhà nước… để hưởng phụ cấp chống dịch. Cán bộ y tế tham gia chống dịch được hỗ trợ theo 3 mức 300.000 đồng/người/ngày, 200.000 đồng/người/ngày, 150.000 đồng/người/ngày, tương ứng với từng công việc, và hỗ trợ tiền ăn, chi phí phục vụ sinh hoạt trong thời gian phải ở lại chống dịch.
Để đẩy mạnh hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 145 ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi một số chính sách phòng chống dịch, trong đó nâng phụ cấp phòng chống dịch lên 1,5 lần đối với người lao động, bao gồm cả người tình nguyện, sinh viên, học sinh và người có chuyên môn không hưởng lương ngân sách nhà nước làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị tại Tp. HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương và BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong thời gian từ 1/8-31/10/2021.
Như vậy, về cơ bản, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
“Tôi cho rằng, nhiều nghị quyết của Quốc hội, nhiều chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành nhằm bảo đảm chế độ cho nhân viên y tế, nhưng vẫn chưa đủ. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời tới những người tham gia phòng chống dịch, điều chỉnh bổ sung mức phụ cấp để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu chống dịch”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế
Nói về giải pháp để khắc phục bất cập trong chế độ đãi ngộ cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian tới, trong công tác phòng chống dịch, chúng ta phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Mặc dù, những hỗ trợ, phụ cấp đó cũng chỉ là một phần để động viên nhân y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch.
Còn những giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng và hệ thống y tế, trong đó có y tế cơ sở và y tế dự phòng, ngoài nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị thì phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế. Chính vì thế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, những giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài đều hết sức quan trọng. Các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, đó là thời gian tới, chúng ta phải nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, để kịp thời động viên cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ một loạt văn bản hỗ trợ nhân viên y tế. Bộ cũng đã có tờ trình để có giải pháp đối với chính sách nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thông bản. Vừa rồi, dịch xảy ra, không chỉ nhân viên y tế ở các trạm y tế mà nhân y tế của các thôn, bản, cô đỡ thôn bản cũng cần có chế độ đãi ngộ.
Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ xem xét ban hành một số chế độ, chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng như ban đầu tôi đã đề cập. Đây cũng là thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đó là phải có chính sách đủ mạnh, khuyến khích trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và trong lĩnh vực y tế dự phòng.
“Thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Tôi nghĩ đây là điều mà các cán bộ nhân viên y tế mong muốn đón nhận”, Thứ trưởng Tuyên nói.
Theo đó nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế.
Để có giải pháp căn cơ lâu dài đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt y tế cơ sở và y tế dự phòng, thứ nhất, thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12, Bộ Y tế phải chủ động sắp xếp và tối ưu hóa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.
Thứ hai, có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị.
Thứ ba là từng bước bảo đảm nhân lực y tế để thực hiện các hoạt động về phòng chống dịch, cung cấp dịch vụ cho người dân trên địa bàn, đảm bảo đội ngũ nhân lực là bác sĩ và nhân viên y tế có chuyên ngành về hồi sức cấp cứu.
Thứ tư, sẽ chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với chuẩn chung của thế giới; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phòng chống dịch của Việt Nam.
Thứ năm, nghiên cứu và đánh giá với dịch SARS trước đây và giờ là Covid-19 thì thấy rằng chúng ta cần phải có định hướng đào tạo phù hợp và sẵn sàng ứng phó với dịch mới nổi, đồng thời phải lồng ghép công tác phòng chống dịch và ứng phó với thảm họa trong chương trình đào tạo. Phải nâng cao năng lực y tế tại địa phương, ưu tiên đào tạo nhân lực cho vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thứ sáu, phải đảm bảo điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân viên ngành y tế.
“Trong thời gian tới, theo tinh thần Nghị quyết 20 cũng như Nghị quyết 27 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách tiền lương, sẽ đảm bảo quyền lợi đối với nhân y tế, người lao động trong ngành y tế phù hợp. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế về chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành y tế, đặc biệt là qua 4 đợt dịch Covid-19 vừa rồi.
Trong nhiệm kỳ này, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đặt nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế đối với chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện những dự án để trình Chính phủ sớm ban hành để việc tổ chức thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm.
Tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng chống dịch, việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để công tác phòng chống dịch cũng như năng lực hệ thống chăm sóc sức khoẻ của người dân thực sự bền vững, vấn đề cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế đặt ra hiện nay theo Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bùi Sỹ Lợi trước mắt chúng ta chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết. Chúng ta phải duy trì cô đỡ thôn bản và nâng phụ cấp cho cô đỡ thôn bản là chính sách rất quan trọng và rất đúng đắn.
Theo Nghị quyết 68 của Quốc hội, ông Lợi cho rằng nên tiếp tục mô hình bác sĩ gia đình. Chống dịch vừa qua chúng ta thấy rõ y tế cơ sở là pháo đài chống dịch, là nền tảng rất quan trọng. Tuy nhiên, để cho công tác phòng chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhân dân bền vững thì vấn để cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế phải sửa đổi. Luật Khám chữa bệnh đã có trong chương trình, Luật BHYT và những luật liên quan đến tiền lương và cải cách tiền lương tiếp tục bổ sung vào hệ thống các phụ cấp đang được dự thảo trong chính sách tiền lương. Tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động.
“Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân. Theo tôi, hệ thống của chúng ta trước mắt tập trung xử lý theo đề xuất của Bộ Y tế là sửa Nghị định 56 để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. Nhưng tôi vẫn đề nghị trong các khoản phụ cấp này, chúng ta xác định phụ cấp 100% nhưng không phải lĩnh vực nào cũng 100% mà có những nơi phải là 120%, 150% và có những cái phải thấp hơn. Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng chống dịch chưa có tiền lệ bao giờ”, ông Lợi nhấn mạnh.
Ba nút thắt cần tập trung tháo gỡ
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nói về những nút thắt lớn nhất về thể chế cần tập trung tháo gỡ để đội ngũ cán bộ y tế được hưởng thù lao thoả đáng, yên tâm trong công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khoẻ của người dân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bùi Sỹ Lợi cho rằng hệ thống pháp luật của chúng ta là đầy đủ. Nhưng hệ thống của chúng ta chưa đề phòng hết được chính sách đãi ngộ cho ngành y tế như đại dịch Covid-19.
“Có những cái chúng ta chưa giải quyết kịp thời về chính sách cho cán bộ y tế nên dẫn đến có nhiều tâm tư. Do đó, việc chúng ta chậm hoặc không tính đến đặc thù tác động trực tiếp đến thu nhập của ngành y tế. Điều đó tác động đến vật chất, tinh thần các lực lượng cùng tham gia công tác phòng chống Covid-19. Đây là điểm lớn nhất.
Tuy nhiên, chúng ta tự hào là họ vẫn kiên định vượt qua thách thức, vượt qua cuộc chiến chống dịch như chống giặc. Đây là điều rất quan trọng chúng ta trân trọng, đánh giá cao.
Theo tôi, cơ chế chính sách của ngành y tế có ba nút thắt lớn về thể chế mà chúng ta cần phải tập trung tháp gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thoả đáng. Và phải điều chỉnh bảng lương.
Vấn đề thứ nhất là ngành y được đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.
Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. Điều này tôi đã kiến nghị từ lâu. Tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang? Nhiều lần tôi nói rằng, đối với ngành y tế thì chú ý về vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở những bệnh viện lớn được chuyển giao công nghệ thì được. Nhưng huyện, xã không có điều kiện thì chúng ta làm sao tự chủ được, kể cả không có bệnh nhân.
Thứ ba, do đặc thù đặc biệt, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên chúng ta cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến. Nếu chúng ta giải quyết được những nút thắt này thì y bác sĩ sẽ toàn tâm toàn ý trong công tác chống dịch, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Dù, chúng ta có nói tinh thần trách nhiệm, ý thức cách mạng như thế nào thì cuộc sống, đời sống của gia đình và chính bản thân bác sĩ phải được đảm bảo thì mới làm tốt và hiệu quả được”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.