Chính sách không đồng bộ
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch tập đoàn Vietravel Holing đã bày tỏ về những chính sách hỗ trơ doanh nghiệp khắc phục hậu quả dịch Covid-19 trong thời gian qua.
“Tôi thấy rằng, những giải pháp thời gian qua đã chạm được vào thực tế. Nhưng chính sách đưa ra mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ, chúng ta không có kế hoạch đồng bộ”.
Ông Kỳ cho rằng, thời gian vừa qua chính sách ở một số địa phương vẫn theo Zero Covid-19, thậm chí “quay xe trong chính sách”.
Điều này làm cho những doanh nghiệp đã chuẩn bị những điều kiện tái khởi động trở lại nhưng lại bị vô hiệu những chi phí đầu tư.
“Chúng ta cần có chiến lược phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn dài hạn. Như vậy, các doanh nghiệp mới có thể triển khai mở cửa, nếu “sáng nắng chiều mưa” thì kế hoạch của doanh nghiệp sẽ là lâu đài trên cát”, ông Kỳ bày tỏ.
Đặc biệt, phải đảm bảo sự đồng bộ triển khai ở các ngành và địa phương, tránh trường hợp vẫn có rất nhiều hàng rào kỹ thuật dựng lên khiến du lịch không thực hiện được.
Ở đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đưa ra những kiến nghị về lựa chọn thị trường mở cửa du lịch giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi: “Nên tập trung vào diện và điểm, diện ở đây là khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Điểm có thể kết hợp với các nước triển khai mô hình “bong bóng du lịch” như Singapore, Malaysia, Thái Lan để tạo thành hành lang du lịch.
Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 thị trường nguồn ở trong nước, nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến khi mở cửa sẽ có những độ chậm nhất định. Vì vậy, chúng ta nên có những kiến nghị để phục hồi đối với hai địa phương này.
Chính sách nhiều nhưng vẫn thiếu
Cũng trong diễn đàn, ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế đã có những thông tin về khả năng tiếp cận chính sách của doanh nghiệp du lịch.
Theo đó, khi triển khai Quyết định 33/2021/QĐ-TTg, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Các doanh nghiệp du lịch không có căn cứ để thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Lý do theo ông Thắng: “Doanh nghiệp du lịch hầu như không phải là “tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19" mà thuộc diện không có khách để phục vụ nên phải tự dừng hoạt động”.
Trong Nghị định 92/2021/NĐ-CP có miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp quý III và IV đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021.
Các doanh nghiệp du lịch tại các địa bàn thành phố chiếm số lượng lớn, bị ảnh huởng nhiều và chi phí duy trì cơ sở nhiều (chi phí nhân công cao hơn cấp huyện) không được hưởng chính sách này.
“Về việc miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế.
Thường các doanh nghiệp du lịch (mảng lưu trú) tiền thuê đất cao, lại có tâm lý sợ ảnh hưởng đến việc duy trì hợp đồng thuê đất và pháp lý nên phải tập trung nguồn lực để trả tiền thuế, kể cả khoản tiền chậm nộp.
Nếu áp dụng chính sách này, đề nghị hoàn lại tiền chậm nộp mà các doanh nghiệp du lịch đã trả hoặc cấn trừ vào số tiền thuế phải nộp ở các kì tiếp theo”, ông Thắng bày tỏ.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh lữ hành được quy định Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI thông qua vào tháng 6/2005 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, phát triển du lịch ở địa phương.
Trong 10 năm qua, tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi tác động đến việc thực hiện Luật Du lịch. Bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi với nhiều cam kết quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành, việc thực hiện Luật Du lịch 2005 gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện thực tế và cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Doanh nghiệp khó với tới hỗ trợ
Ông Đào Mạnh Lượng, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh, Chi hội trưởng chi hội tàu du lịch Hạ Long chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp tàu du lịch.
Cho đến thời điểm này 500 con tàu đã phải dừng hoạt động. Để giải quyết các chi phí kinh doanh nhiều chủ tàu đã phải vay tín dụng đen. Doanh thu không có nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả những chi phí trông coi, bảo dưỡng, chi phí hành chính.
“Bản thân doanh nghiệp của tôi, chi phí trông coi 8 con tàu là 200 triệu/tháng. Từ tháng 3/2020 đến nay chúng tôi đã phải chi 4 tỷ đồng để tồn tại”, ông Lương cho biết.
Dù đã mở cửa du lịch nhưng thực tế theo ông Lương vẫn không có khách vì Quảng Ninh mới đang đón khách nội tỉnh. Bên cạnh đó, không phải đúng mùa du lịch và tâm lý khách hàng còn e ngại dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khởi động lại vì lo sợ những rủi ro, không có lực lượng lao động, thiếu vốn đầu tư trang sửa.
Tuy khó khăn và có nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ nhưng đại diện du lịch lại bày tỏ: “Rất khó tiếp cận vì nhiều thủ tục hành chính và nếu có thì rất nhỏ nhoi chưa thể vực dậy doanh nghiệp”.
Ông Đào Mạnh Lượng cũng nêu một vài bất cập trong các chính sách: “Gói hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh, các điều kiện đều đủ nhưng doanh nghiệp không ai tiếp cận được vì điều kiện phải có xác nhận báo cáo quyết toán thuế của cơ quan thuế.
Nhưng thực tế, chúng tôi không được quyết toán thuế ngay nhất là trong tình hình dịch bệnh. Gần như 100% tàu du lịch không có được xác nhận này và không thể tiếp cận gói vay”.
Chưa đến 6% doanh nghiệp tàu du lịch có thể tiếp cận gói vay trả lương ngừng việc này vì liên quan đến điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội.
Ông Lương cũng cho biết thêm: “Muốn được vay phải có xác nhận doanh nghiệp vẫn đang trả BHXH cho nhân viên cho đến thời gian vay. Nhưng thực tế, số tiền nộp BHXH rất lớn, nếu tất cả nhân viên vẫn đóng bảo hiểm thì chúng tôi cũng không cần sử dụng gói hỗ trợ này.
Sau khi làm việc, 240 doanh nghiệp làm hồ sơ nhưng chỉ có 14 doanh nghiệp tiếp cận được. Và mỗi công ty hỗ trợ cho 174 lao động nhưng chúng tôi có hàng ngàn người lao động”.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành, ông Nguyễn Quý Phương đã đưa ra tổng quan những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực du lịch.
Như chính sách về thuế phí có gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuế đất năm 2021,...
Chính sách về tín dụng như miễn giảm lãi vay đến hết tháng 6/2020; Nghị quyết 68/NQ-CP; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; Giảm tiền điện cho cơ sở lưu trú; Giảm 50% phí cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên: Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vị lữ hành,...