Chính thức giảm thuế VAT xuống 8% từ ngày 1/2

Chính thức giảm thuế VAT xuống 8% từ ngày 1/2

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 6, 28/01/2022 12:09

Thuế giá trị giá tăng giảm 2 điểm % từ đầu tháng 2 đến cuối năm nay, theo Nghị định 15 vừa được Chính phủ ban hành ngày 28/1.

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế có hiệu lực từ ngày 1/2/2022.

Ngày 28/1, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, Nghị định mới ban hành giữ nguyên các quy định so với dự thảo lấy ý kiến trước đó được Bộ Tài chính đưa ra, với việc tập trung vào quy định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), quy định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và hiệu lực thi hành.

Cụ thể, Nghị định quy định giảm 2% thuế suất VAT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, sau khi giảm trừ, mức thuế VAT các mặt hàng thuộc nhóm được giảm sẽ ở mức 8%.

Chính sách giảm VAT áp dụng với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không phân biệt phương pháp tính thuế khấu trừ hay tính tỉ lệ % trên doanh thu, hiệu lực từ 1/2 đến hết 31/12/2022 và chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm nay.

Tại Nghị định này, Chính phủ cũng quy định cụ thể về nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế VAT. Cụ thể, việc giảm VAT không dành cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thuế VAT được giảm trực tiếp ngay khi xuất hóa đơn. Cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp khấu trừ khi xuất hóa đơn cần ghi rõ "mức thuế VAT 8%, số tiền thuế VAT, tổng số tiền người mua phải thanh toán".

Còn hoá đơn bán hàng của cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu cần ghi rõ: Tiền hàng hóa dịch vụ trước khi giảm, Tiền hàng hóa dịch vụ sau khi giảm 20%, Khoản tiền VAT đã giảm.

Để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ việc giảm thuế VAT, Chính phủ cũng giao các Bộ, ngành chức năng và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế để giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế) từ ngày 1/2 đến hết năm 2022.

Theo đánh giá từ cơ quan quản lý, quy định trên sẽ có tác động giảm thu ngân sách năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế VAT là 49.400 tỷ đồng và thực hiện không tính thuế TNDN với chi phí ủng hộ, tài trợ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là 2.000 tỷ đồng.

Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan... là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.