Cho tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh: NASA báo kết quả

Thứ 4, 12/10/2022 08:44

Thử nghiệm cho tàu vũ trụ đâm vào để thay đổi quỹ đạo bay của tiểu hành tinh do NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) thực hiện đã thành công.

img

Tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh (ảnh minh họa từ NASA)

Hôm 26/9, NASA đã cho tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos với mục tiêu thay đổi quỹ đạo bay của nó. Kết quả phân tích dữ liệu hôm 11/10 cho thấy, dự án của NASA đã thành công vượt mong đợi. Đây cũng là lần đầu tiên con người thành công trong việc thay đổi quỹ đạo tự nhiên của một vật thể ngoài vũ trụ.

Dự án của NASA tiêu tốn hơn 330 triệu USD và mất 7 năm để thực hiện. Mục tiêu của các nhà khoa học là xem liệu có thể sử dụng tàu vũ trụ để làm chệch hướng một tiểu hành tinh hay thiên thạch khi nó có khả năng đâm vào Trái đất hay không.

NASA cho hay, ban đầu, Dimorphos mất 11 giờ 55 phút để quay quanh hành tinh lớn hơn là Didymos. Sau vụ va chạm với tàu vũ trụ, Dimorphos cần 11 giờ 23 phút để quay quanh Didymos. Quỹ đạo của tiểu hành tinh đã bị thay đổi, khiến nó hoàn thành lộ trình sớm hơn 32 phút so với tự nhiên.

Trước khi phóng tàu vũ trụ, các nhà khoa học hy vọng quỹ đạo của Dimorphos sẽ bị rút ngắn khoảng 10 phút sau va chạm.

“Đây là khoảnh khắc quan trọng đối với kế hoạch bảo vệ Trái đất và đối với toàn nhân loại. Kế hoạch này giống như cốt truyện của một bộ phim viễn tưởng, nhưng chúng tôi không phải Hollywood”, Giám đốc NASA – ông Bill Nelson – nói trong cuộc họp báo hôm 11/10.

Ông Bill Nelson cho biết, tàu vũ trụ NASA phóng đi có kích thước không lớn hơn một chiếc tủ lạnh, nhưng bay với vận tốc cực lớn. Vào thời điểm va chạm xảy ra, tàu vũ trụ đang bay với vận tốc 22.531 km/giờ.

“Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bao vệ hành tinh quê nhà”, ông Bill Nelson nói.

Dimorphos có kích thước của một sân bóng đá và cách xa Trái đất khoảng 10,9 triệu km. Tiểu hành tinh này không đe dọa Trái đất, nhưng nếu va chạm xảy ra, nó có thể xóa sổ một thành phố lớn.

“Kết quả thử nghiệm cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm chệch hướng bay của một tiểu hành tinh. Mấu chốt là phải phát hiện sớm nguy cơ đối với Trái đất”, Bill Nelson – Giám đốc bộ phận khoa học hành tinh của NASA – nói.

Hiện không có tiểu hành tinh nào đe dọa đến an nguy của Trái đất. Tuy nhiên, xung quanh Trái đất, có khoảng 27.000 tiểu hành tinh tồn tại ở đủ mọi hình dáng và kích thước, theo NASA.

Vương Nam – Reuters

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.