Choáng ngợp “kinh đô lăng mộ” bậc nhất xứ Huế

Choáng ngợp “kinh đô lăng mộ” bậc nhất xứ Huế

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Không biết tự bao giờ, tại các xã vùng biển ở Thừa Thiên Huế đã có quan niệm muốn thể hiện lòng thành kính với tổ tiên để con cháu ăn nên làm ra thì lăng mộ của đấng sinh thành phải thật hoành tráng.

Thế nhưng, đằng sau những ngôi mộ trị giá hàng trăm triệu đồng ấy lại kèm theo những chuyện dở khóc, dở cười. Để tìm hiểu về những câu chuyện ấy, chúng tôi đã tìm về làng An Bằng (xã Vinh An, Phú Vang, TT - Huế) - nơi nổi tiếng cả nước với những thành phố nghĩa địa "xa hoa bậc nhất".

Nơi người chết phải mãn nguyện

Đặt chân đến khu nghĩa địa của làng An Bằng tôi thật sự choáng ngợp bởi sự đồ sộ đáng kinh ngạc của từng ngôi mộ với nhiều lối kiến trúc khác nhau.

Ông Nguyễn Sinh Quốc (65 tuổi) kể: "Làng tui hiện có hàng nghìn cái lăng, thấp thì khoảng trăm triệu đồng, có cái lớn thì cả tỷ đồng". Đến "biệt thự lăng" của gia đình mình, ông Quốc lại say sưa nói tiếp: "Tui có 2 đứa con là Việt kiều bên Úc, tháng nào chúng cũng gửi tiền về cho gia đình, tích cóp mãi giờ tui đã xây được cho ông bà cái lăng gần 60.000 đô này đây".

Chưa hết giật mình vì con số ông Quốc nói ra cứ như không thì nhìn theo hướng ông chỉ, trước mắt tôi là cả một "dinh thự lăng" khổng lồ với diện tích khoảng 350m2, cao hơn 5m với lối kiến trúc tổng hợp: Khuôn viên lăng được trang trí những hoa văn rồng phượng tinh xảo theo lối Trung Quốc cổ, mặt mái có hình vòm kiểu Ấn Độ, phía trên còn thờ tượng Đức Mẹ của phương Tây... Chưa hết, bên trong lăng còn được xây dựng theo kết cấu vua chúa triều Nguyễn với 2 nấm mộ giả đắp nổi theo kiểu song táng và có cả mái che, chỗ ngồi cho người đến thăm nom, chăm sóc.

Ông Quốc nói tiếp: "Khi sống cha mẹ đã không tiếc công nuôi nấng, dạy dỗ mình thì dù có tốn mấy tui cũng phải xây lăng các cụ cho nó bề thế, âu cũng thể hiện cái hiếu của mình với đấng sinh thành".

Không những lăng người chết, mà ở đây còn mọc lên những ngôi "mộ gió" trị giá hàng trăm triệu đồng của những người còn sống. "Sống ở, thác về, tui hiện cũng đang xây mộ gió cho mình, mới hoàn thành một nửa với chi phí gần 300 triệu đồng. Mà không riêng tui, ở đây nhiều người cũng làm vậy thôi" - ông Quốc nói tiếp. Ở giữa cả một rừng lăng mộ, tôi thầm nghĩ: "Nếu kỷ lục Guinness Việt Nam có tính chuyện này thì làng An Bằng chắc số 1".

...Và những chuyện dở cười dở khóc

Người dân ở đây còn có quan niệm, lăng mộ gia đình như là bộ mặt của cả dòng họ vì thế không được thua kém hoặc lép vế trước ai, thế nên mới có chuyện lăng mới xây được hơn 1 năm mà nhà bên cạnh lại xây to đẹp, trang hoàng hơn nhà mình, thì việc đập đi xây lại cái khác cũng là chuyện bình thường.

Gần đây, gia đình ông Hào Thanh (làng An Bằng) đã đập đi ngôi mộ của gia đình mới xây năm 2007 trị giá 200 triệu đồng để xây ngôi mới gần 1,2 tỷ đồng chỉ vì lăng của nhà mình bị các lăng nhà bên cạnh to hơn nên che khuất.

Những tưởng để xây được những lăng mộ khổng lồ như vậy thì chỉ đòi hỏi ở những gia đình có điều kiện như ông Quốc. Thế nhưng, thật ngạc nhiên thì trong số hàng nghìn ngôi mộ ở đây cứ 10 ngôi thì đến 7, 8 cái là được xây nguy nga, tráng lệ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại địa phương này cũng có rất nhiều gia đình nghèo khó, nhà cửa còn dột nát trong thời buổi bão giá như hiện nay, thì việc lo miếng ăn hàng ngày với nhiều người đã là khó chứ nói gì đến việc xây nhà, dựng cửa. Thế nhưng, khổ là việc của khổ, việc xây lăng cho tổ tiên dù vất vả đến đâu cũng phải làm cho bằng được vì đó không chỉ là niềm vinh dự mà còn cả bộ mặt của dòng họ.

Chị Th. (40 tuổi, làng An Bằng) chia sẻ: "Cả nhà tui mấy ngày ni cũng đang lo, sắp tới phải đóng 13 triệu để xây lăng trong họ. Gia cảnh thì khó quá, vay mượn mấy ngày ni mà vẫn chưa đủ. Tới ngày khởi công mà chưa đóng đủ thì mặt mũi nào mà nhìn bà con". Theo lời chị Th, có lẽ sắp tới cũng phải bán cặp heo trong chuồng để giành đóng tiền học cho con để bù vào, rồi sau này tính sau.

Tình trạng lăng mộ khổng lồ ngày càng phát triển đang ảnh hưởng đến nguy cơ mất đất sản xuất, càng ngày càng ít đi việc xây dựng các công trình xã hội trên địa bàn huyện Phú Vang. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2007 đất nghĩa trang, nghĩa địa toàn huyện là 1.841,58 ha, chiếm tỷ lệ 6,56% so với đất tự nhiên, tương đương 16,57% diện tích đất nông nghiệp.

Tỷ lệ này là cao hơn rất nhiều so với toàn tỉnh (diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa toàn tỉnh là 8.209 ha, chiếm 1,62 % so với đất tự nhiên). Trước thực trạng ấy, năm 2008 UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành quyết định về việc quy hoạch tổng thể nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn đến năm 2015. Theo quy định này, thì chỉ tiêu cho một ngôi mộ chôn cất một lần là 5m2, mộ cải táng không quá 3m2.

Nguyễn Tiến Nhất