Sau 2 ngày Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh để phòng ngừa dịch Covid-19, các cửa khẩu chính ở Quảng Trị thường xuyên phải đón hàng trăm công dân Việt Nam trở về từ Lào. Những người này sẽ được kiểm tra y tế chặt chẽ, đo thân nhiệt trước khi được đưa đi cách ly tập trung thời hạn 14 ngày. Trong thời gian cách ly nếu công dân nào có biểu hiện xấu về sức khỏe sẽ được chuyển lên tuyến trên làm xét nghiệm Covid-19.
Ngoài 2 cửa khẩu chính là Lao Bảo và La Lay thì Quảng Trị còn rất nhiều cửa khẩu phụ cùng nhiều lối mòn đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Vì vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch, để tránh việc người dân nhập cảnh trái phép qua những con đường này, hơn 1 tháng vừa qua, các chiến sĩ biên phòng nơi đây phải luôn căng mình thực hiện nhiệm vụ cẩn mật biên giới.
Rất nhiều chốt chặn đã được thiết lập. Hầu hết các điểm chốt này thường nằm ở các đường mòn dọc biên giới. Để đảm bảo túc trực 24/24, các chiến sĩ biên phòng phải tự dựng lều kiểm soát, nếu gần thôn bản thì tận dụng mượn nhà sàn của người dân nằm sát vành đai để ở lại.
Trong chuyến tuần tra dọc biên giới cùng với các chiến sĩ đồn Biên phòng Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ngoài được chứng kiến những khó khăn, gian nan, người viết còn được nghe những câu chuyện về nhiều tấm gương tinh thần trách nhiệm cao của những người lính mang “quân hàm xanh” nơi đây.
Lắng đọng nhất vẫn là câu chuyện về Đại úy Hoàng Minh Thiết, Phó Đồn trưởng đồn Biên phòng Hướng Lập. Đại úy Thiết sinh năm 1987, quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp ra trường, người lính trẻ Hoàng Minh Thiết được phân công nhiệm vụ về công tác tại vùng biên phía Tây tỉnh Quảng Trị. Dáng người cao, nụ cười hiền lành cùng giọng nói điềm đạm là ấn tượng đầu tiên khi gặp vị phó đồn trưởng này. Cùng đi với đoàn, Đại úy Thiết chính là “hướng dẫn viên” giúp chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống của bà con nơi vùng biên giới cũng như hình dung được công việc của các chiến sĩ biên phòng nơi đây. Giọng nói dễ nghe, câu từ dễ hiểu cùng sự nằm lòng về địa lý, phong tục, hoàn cảnh của bà con các thôn bản đã nói lên tinh thần trách nhiệm bám bản, bám làng, hòa cùng người dân của vị Đại úy trẻ này.
Nói cười vui vẻ là vậy nhưng Đại úy Thiết lại có một nỗi lòng không phải ai cũng biết. Dù đã lấy vợ được 6 năm nhưng mới vừa rồi, vợ chồng Đại úy Thiết mới có tin vui về chuyện con cái. Sáu năm sống trong hi vọng, đợi chờ “lộc trời cho”, tưởng chừng như chuyện vợ anh mang thai sẽ là điều vui mừng trọn vẹn. Thế nhưng, vợ mang song thai nhưng thai nhi luôn gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Trải qua những tháng ngày mang nặng cùng nhiều khó khăn, vất vả, có lúc phải đứng giữa lựa chọn sinh-tử, vợ Thiết cuối cùng cũng sinh hạ thai đôi: 1 trai, 1 gái. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, đứa con trai của anh vừa sinh ra lại mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh.
Cuối năm vừa rồi, dù công tác ở vùng biên xa nhưng Đại úy Thiết đành phải xin đơn vị nghỉ phép để cùng vợ đưa con vào Huế phẫu thuật nhiều ngày ở bệnh viện Trung ương Huế.
Hết phép, ngày cuối tuần được nghỉ ở đồn là Thiết lại chạy xe máy vào Huế. Liên tục như thế 4 tháng liền. Tết Nguyên đán, Đại úy Thiết cùng vợ con và mẹ già ăn Tết trong bệnh viện.
Sau quãng thời gian hậu phẫu, mới đây, vợ chồng anh lại nhận tin xấu khi con trai anh bị biến chứng viêm phổi cấp. Định tiếp tục đưa con vào Huế điều trị nhưng vì trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đơn vị phải cần lực lượng túc trực bám chốt, nên Đại úy Thiết đành tạm gác chuyện điều trị cho con dưới xuôi để ngược đồn cùng anh em làm nhiệm vụ.
Dù xa vợ con nhưng Thiết luôn dành thời gian những lúc rảnh rỗi để gọi điện thoại nói chuyện với con và động viên vợ.
Tìm hiểu từ anh em chiến sĩ trong đồn, vợ Thiết hiện phải ở quê nghèo bãi ngang bên nội để chăm hai con nhỏ. Mọi chi phí phẫu thuật, trang trải trong gia đình đều trông nhờ vào tiền lương của Thiết.
“Giữa những khó khăn trong công tác chống dịch Covid-19 ở vùng biên, câu chuyện của Đại úy Thiết luôn là động lực để anh em chúng tôi lên “dây cót” về tinh thần trách nhiệm. Đại úy Thiết sẵn sàng gác lại chuyện gia đình để làm nhiệm vụ như vậy thì hà cớ gì chúng tôi phải nề hà, kêu ca”, Thượng úy Phan Quang Vĩnh, cán bộ đồn Biên phòng Hướng Lập chia sẻ.
Đoạn nghỉ giải lao sau hành trình dài, Đại úy Thiết gọi video khoe hai đứa con mới 7 tháng tuổi đáng yêu của mình với mọi người trong đoàn. Nhìn người bố trẻ trêu đùa hồn nhiên cùng 2 đứa con thơ nhỏ dại qua màn hình điện thoại trông thật xúc động và thấy đồng cảm với cảnh người lính xa nhà.
“Chống dịch thành công, ba sẽ về đưa con vào Huế điều trị nha, nha …”, câu chào tạm biệt đứa con trai đầy lạc quan sau khi kết thúc cuộc gọi video của Đại úy Thiết dù khiến nhiều người ngấn lệ nhưng dường như lại tiếp thêm động lực cho các chiến sĩ biên phòng đi cùng đoàn trong hành trình chống đại dịch đầy gian nan phía trước.
Giữa cảnh núi rừng trùng điệp, con đường đoàn chúng tôi đi dù dốc dựng đứng, gồ ghề sỏi đá là vậy nhưng mọi nhọc nhằn đều được xóa nhòa vì phong cảnh hai bên thật hữu tình. Hữu tình vì lòng người lạc quan đi giữa muôn màu xanh tươi thi thoảng được điểm tô bởi những vạt sim sắc tím gợi nhớ...
Lê Kông