“Bức tường thép” chống dịch nơi biên cương
Chốt 4 phòng, chống dịch Covid-19 của đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn nằm tại thung lũng giữa rừng núi, vô cùng hoang vu và heo hút. Vì vậy, mùa đông lạnh thấu xương, mùa hè thì nắng như đổ lửa. Thế nhưng, đây là nơi nằm ngay sát đường biên giới có đường mòn lối mở với nước bạn Lào, vì thế có rất nhiều người dân thường xuyên vượt biên trái phép.
Thượng úy Phan Thế Chuẩn - chốt trưởng chốt 4, đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, chỉ tay về phía bên kia khe suối Huồi Linh, cho biết: “Qua con suối này là bản Đín Đăm, cụm bản Noọng Hét Tây, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Thời gian qua, tổ tuần tra đã phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép”.
Cũng vì tình trạng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên thời điểm này anh em luân phiên trực tuần tra 24/24h, tăng cường cảnh giác cao độ, luôn trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu, quyết không để lọt người nào vượt biên trái phép.
Trung tá Nguyễn Hồng Đức, đồn trưởng đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, cho biết thêm: “Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp. Thực hiện chỉ đạo, hiện nay, chúng tôi đang tích cực triển khai các biện pháp chốt chặn, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép. Ngoài những chốt chặn cố định, đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn đã lập thêm nhiều chốt lưu động để tuần tra canh gác một cách chặt chẽ”.
Trong đó, triển khai hai giải pháp trọng tâm là ngăn chặn tuyệt đối những đối tượng nhập cảnh trái phép thông qua các đường mòn, lối mở vào Việt Nam. Giải pháp thứ hai là tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch; người dân vận động con, em, người thân mình đang ở Lào không đi theo đường tiểu ngạch về nước. Nếu về nước thì thông qua con đường chính thức ở cửa khẩu quốc tế để được cách ly, theo dõi sức khỏe, vừa tốt cho bản thân, vừa tốt cho cộng đồng.
Tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch
Đại tá Lê Như Cương – Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An thông tin, với tuyến biên giới trên bộ dài nhất cả nước, địa hình phức tạp, có nhiều đường mòn, lối mở… vì vậy, hiện Bộ đội biên phòng Nghệ An đang thường trực 100% quân số, duy trì hơn 600 cán bộ, chiến sỹ tại 101 tổ chốt cố định, lưu động và trạm kiểm soát để tham gia kiểm soát, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch.
“Ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng từ tuyến biên giới được coi là nhiệm vụ quan trọng trong suốt hơn 1 năm qua. Đặc biệt, thời điểm hiện nay lực lượng biên phòng đã nâng tình hình sẵn sàng chiến đấu cao hơn; tăng cường quản lý, khép kín đường biên giới 24/24, phòng chống tối đa nhất tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam”, Đại tá Cương cho hay.
Đặc biệt, thời gian bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã rất cận kề. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh Nghệ An lần đầu tiên đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, thời điểm này các lực lượng biên phòng càng phải vững vàng, trở thành tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch.
“Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa xác định được thời điểm chấm dứt, nguy cơ dịch xâm nhập qua biên giới rất cao. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An luôn nêu cao sự chủ động, có phương án xử lý các tình huống; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch của đồng bào dân tộc vùng biên, tạo lá chắn vững chắc, góp phần ngăn chặn dịch bệnh”, Đại tá Cương nói.
Ngày 2/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tổ chức tiếp nhận, quán triệt, giao nhiệm vụ cho 66 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An bàn giao. Lực lượng tăng cường lần này được điều động về các tổ, chốt phối hợp với các lực lượng tại chỗ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Về việc này, Trung tá Phùng Đức Hưng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: “Đợt tăng cường này có ý nghĩa rất thiết thực để làm tốt hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở và tăng cường tần suất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua biên giới”.