Chủ Man City kiếm bộn nhờ… bất động sản cho thuê 999 năm

Nguyễn Ngọc Trung

Nguyễn Ngọc Trung

Thứ 7, 30/07/2022 16:43

Đầu tư không tiếc tay vào Man City, Sheikh Mansour không hề chi tiền để tiêu khiển, ngược lại còn thu được những nguồn lợi khổng lồ.

Bóng đá Anh - Chủ Man City kiếm bộn nhờ… bất động sản cho thuê 999 năm

Động lực nào để Sheikh Mansour bin Zayed al Nahyan, Phó thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) đồng thời là anh trai Tổng thống nước này, đầu tư tiền không tiếc tay vào Man City suốt 14 năm qua?!

Cứ mỗi khi The Citizens đạt được thành tích nào đó đáng kể, từ cú “ăn ba” quốc nội đến thành tích lọt vào chung kết Champions League, luôn một câu hỏi được đặt ra: Tại sao, tại sao và tại sao?

Roman Abramovich cũng từng chi đậm cho Chelsea, nhưng hiếm khi bị tranh luận như ông chủ của Abu Dhabi United Group (ADUG), tập đoàn được xem như phương tiện đầu tư cho hoàng gia Abu Dhabi, tiểu vương quốc rộng lớn và giàu có nhất trong 7 tiểu vương quốc tạo nên Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất.

Cho dù chỉ riêng tiền mua sắm ngôi sao đã lên tới con số 1,4 tỷ bảng (xấp xỉ 2 tỷ USD), sẽ thật ngờ nghệch nếu cho rằng Sheikh Mansour biến Man City từ đội bóng tầm trung trở thành thế lực thống trị bóng đá Anh chỉ để tiêu khiển hay một thứ trang sức xa xỉ.

Từ khi Sheikh Mansour mua lại Man City đến hiện tại, giá trị của đội bóng này đã tăng 2.000 lần, từ 212 triệu USD vào năm 2008 đến gần 4 tỷ USD vào thời điểm hiện tại. Có nghĩa đội bóng áo xanh thành Manchester ngày càng là một tài sản có giá trị của vị tỷ phú đến từ Trung Đông, và những con số không hề chỉ để mua vui.

Cụ thể, gần 1/4 cổ phần của Man City không thuộc sở hữu của Sheikh Mansour vì ông đã bán cho các nhà đầu tư lớn. Năm 2015, 15% cổ phần được bán cho tập đoàn đầu tư Trung Quốc với giá 400 triệu USD. Đến năm 2019, ông chủ của Man City thu về thêm khoảng 500 triệu USD nữa từ việc bán 10% cổ phần cho công ty Silver Lake của Mỹ.

Cho dù Hội đồng quản trị Man City có thêm đại diện từ những nhà đầu tư này song Sheikh Mansour vẫn nắm quyền lực tổng thể và thu về gần 1 tỷ USD.

Bóng đá Anh - Chủ Man City kiếm bộn nhờ… bất động sản cho thuê 999 năm (Hình 2).

Tuy nhiên, những lợi nhuận “thuần túy chuyên môn” mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Sau khi đầu tư vào Man City, ADUG đã được hưởng lợi với một “thỏa thuận dễ thương” với Hội đồng Thành phố Manchester, cơ quan quyền lực cao nhất tại địa phương. Cụ thể, tập đoàn sở hữu City Football Group, công ty mẹ của Man City, được tạo điều kiện mua lại những khu đất công rộng lớn tại thành phố Manchester với giá rẻ mạt.

Cho dù được gọi là “thỏa thuận tỷ bảng” giữa chính quyền thành phố Manchester và ADUG nhưng đổi lại, tập đoàn Trung Đông này được quyền khai thác những mảnh đất rộng hàng ngàn mét vuông ngay tại trung tâm thành phố trong thời gian… 999 năm, thời gian dài một cách phi lý.

Theo báo cáo dài 65 trang, được xuất bản bởi các học giả tại Đại học Sheffield, Hội đồng Thành phố Manchester và ADUG đã tạo ra liên doanh mang tên Manchester Life để “chuyển giao công sản vào tay tư nhân một cách thiếu thận trọng”.

Đáp trả kết luận của các nhà nghiên cứu, một phát ngôn viên của Hội đồng Thành phố Manchester tuyên bố: “Đất được định giá bởi các chuyên gia độc lập, sử dụng tiêu chuẩn định giá “sổ đỏ” được chấp thuận trên toàn quốc và chúng tôi đã có được thỏa thuận tổng thể tối ưu tại thời điểm thị trường có rất ít sự quan tâm đến bất động sản trong khu vực này.

“Đây luôn được xem là những thỏa thuận dài hạn – Hội đồng thành phố sẽ thu về thêm vài triệu bảng trong năm tài chính này thông qua những khoản thanh toán đầu tiên”, vị này nói thêm.

Trong những năm qua, Manchester là lá cờ đầu và được xem như tấm gương cho công cuộc tái thiết các thành phố tại Anh quốc, khi biến những khu vực hoang vu và trì trệ trong thành phố trở thành trung tâm năng động và đáng mơ ước. Sự bùng nổ về xây dựng và bất động sản của Manchester thập chí còn vượt xa London; theo một vài chỉ số, đây là thành phố phát triển nhất tại Anh.

ADUG,  tập đoàn sở hữu Man City là hạt nhân của cuộc tái thiết. Những cao ốc mọc lên san sát trên các bãi đất trống xung quanh Etihad, sân bóng mang tên hãng hàng không do nhà nước UAE hậu thuẫn. Khi liên doanh Manchester Life ra đời vào năm 2014, 6 năm sau khi Abu Dhabi United mua lại Man City, liên doanh này còn được tạo điều kiện mở rộng đầu tư sang Ancoats, một quận nằm giữa sân Etihad và trung tâm thành phố Manchester.

Bóng đá Anh - Chủ Man City kiếm bộn nhờ… bất động sản cho thuê 999 năm (Hình 3).

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng ADUG còn lũng đoạn khủng khiếp hơn. Họ phát hiện ra rằng 9 địa điểm ở quận Ancoats đã được Tập đoàn đến từ UAE này bán cho các công ty con đăng ký kinh doanh tại “thiên đường thuế” Jersey, một hòn đảo thuộc vương quốc Anh và có thuế suất thấp hơn rất nhiều so với nội địa.

Thế nên mới có chuyện, công ty quản lý giám sát phát triển hạ tầng ghi nhận một công ty đạt doanh thu 10 triệu bảng từ việc cho thuê bất động sản trong năm 2021, nhưng chỉ phải đóng thuế… 4.000 bảng vì đặt trụ sở ở Jersey. Công ty này dĩ nhiên cũng nằm trong chuỗi cung ứng bất động sản của ADUG.

Một khía cạnh khác, Hội đồng thành phố Manchester nhấn mạnh rằng mỗi thỏa thuận đều được cân nhắc tối ưu. Tuy nhiên, bất chấp tình trạng vô gia cư là căn bệnh trầm kha trong thành phố, các nhà đầu tư được miễn thực hiện cam kết an sinh xã hội, bao gồm giá cả nhà ở phải chăng được quy định bởi cơ quan quản lý địa chính và kế hoạch địa phương, những người đã đưa ra quyết định xác quyết thành phố có đủ nguồn cung ứng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu.

Báo cáo cũng kết luận rằng “các dòng tiền doanh thu cho thuê và bán bất động sản có thể quan sát” từ 1.468 căn nhà được xây dựng trên các địa điểm cho đến nay “chỉ chảy vào túi Abu Dhabi”. Mặc dù Hội đồng Thành phố Manchester tuyên bố có một thỏa thuận chia sẻ doanh thu với các đối tác, song các nhà nghiên cứu cho biết họ không tìm thấy “khoản thu nhập nào từ Manchester Life trong tài khoản Hội đồng Thành phố”.

Bởi vậy, các nhà nghiên cứu kết luận: “Đánh giá của chúng tôi về sự phát triển của Manchester Life là Hội đồng Thành phố Manchester “đã bán gia sản với cái giá quá rẻ mạt”,”. Họ cho rằng cái bắt tay thân thiết quá mức giữa Hội đồng Thành phố Manchester và tập đoàn Abu Dhabi United gây tổn hại đặc biệt vì “nguy cơ gây ảnh hưởng về uy tín” của chính quyền địa phương lẫn quốc gia.

“Về lâu dài, sự hợp tác này đặt ra câu hỏi về giá trị mang đến, giá trị của ai và thành phố này đại diện cho ai”, các nhà nghiên cứu viết về thỏa thuận đất đai được Hội đồng Thành phố Manchester thông qua, và nói thêm: “Điều này rất quan trọng vì Manchester được dự báo là mô hình tái thiết đô thị kiểu mẫu để các thành phố khác noi theo, nhưng nếu mô hình được xây dựng dựa trên việc thu hút các nhà đầu tư trong ngắn hạn bằng cách bán bất động sản với giá rẻ mạt, thì đó có thể không phải mô hình tốt đẹp và bền vững”.

Về phần Sheikh Mansour và ADUG, có lẽ sau báo cáo này, không ai còn nghĩ họ đầu tư không tiếc tay vào Man City chỉ để cho vui.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.