Chủ tịch Quốc hội: Giám sát phải làm hiệu quả, đến nơi đến chốn

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 04/11/2021 10:00

Theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, giám sát phải theo tận cùng các vấn đề, có phương pháp từ tổng thể đến chi tiết, phát hiện sai phạm thì chuyển hồ sơ cơ quan chức năng.

Sáng 4/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Nhắc lại nội dung trong bài phát biểu nhậm chức tại Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định việc "tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.

Tại Hội nghị lần này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mục tiêu là giám sát phải đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước. Nguyên lý của kiểm tra, giám sát theo “nguyên tắc 4 mắt” - tức là người này làm cái gì thì phải có người khác giám sát.

Với mục đích nâng cao chất lượng giám sát là trung tâm của đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khoá XV này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu lựa chọn các chuyên đề giám sát sát đúng nhất, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 gồm 4 chuyên đề. Cụ thể:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Tiêu điểm - Chủ tịch Quốc hội: Giám sát phải làm hiệu quả, đến nơi đến chốn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian, huy động nguồn lực rất lớn, trong đó có đóng góp của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều cơ quan khác.

“Bốn chuyên đề này đều có ý nghĩa hết sức quan trọng, rất thời sự. Đề cương chi tiết của các cuộc giám sát được thảo luận rất kỹ, nhiều vòng, nhiều lần, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian rất thích đáng cho việc này”, ông Huệ nhấn mạnh.

Ông cũng nêu rõ, đã giám sát phải có hiệu quả và hiệu lực, muốn thế phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng các vấn đề được giám sát, có phương pháp giám sát từ tổng thể đến chi tiết, huy động tổng lực các cơ quan chức năng. Cả bốn cuộc giám sát nói trên đều có kế hoạch huy động các cơ quan của Quốc hội và giao nhiệm vụ cho 63 đoàn đại biểu Quốc hội vào cuộc.

Nói thêm về yêu cầu giám sát phải đến nơi đến chốn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “phải có bằng chứng cụ thể, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và phải theo dõi việc tổ chức thực hiện các giám sát này, phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu”.

Với chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là chuyên đề rất rộng, phạm vi giám sát từ sử dụng đất đai, tài nguyên đến biên chế tổ chức

“Vấn đề này, hàng năm Kiểm toán Nhà nước đều có làm và lần này giao cho Kiểm toán Nhà nước tổng kết đáng giá 5 năm và bố trí thêm chuyên đề kiểm toán năm 2022 nội dung trên. Thất thoát trong lãng phí đôi khi còn lớn hơn cả tham nhũng rất nhiều, năm nay Quốc hội yêu cầu phải kiểm toán nguồn lực cho chống dịch, qua đó làm rõ vấn đề dư luận quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, qua giám sát, nếu phát hiện sai phạm thì chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng chứ không chỉ là nêu ý kiến. Bên cạnh giám sát theo chuyên đề, theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát của Quốc hội sẽ tăng cường theo hướng chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức giải trình tại các uỷ ban của Quốc  hội.

“Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Uỷ ban Kinh tế năm nay phải tổ chức phiên giải trình về cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại sao ách tắc”, ông Huệ nói.

Sau bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nêu các khó khăn, vướng mắc về các chuyên đề giám sát nói trên.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.