Chính sách hỗ trợ cần xác định đúng và trúng các đối tượng
Chiều 5/12, phát biểu bế mạc “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc trách nhiệm, khẩn trương, diễn đàn đã hoàn thành toàn bộ chương trình với sự thành công tốt đẹp…
Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, tác động của đại dịch Covid-19 là bất ngờ, chưa có tiền lệ, không lường trước được và chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Đặc biệt, trong thực tiễn đã gây ra hậu quả tổn thất nặng nề và sâu rộng cho tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam không phải ngoại lệ. Do đó, trong bối cảnh đặc biệt cần có giải pháp đột phá với các cơ chế khác trong điều kiện bình thường.
Theo đó, cần tập trung tăng tổng cung và tổng cầu, ưu tiên nhiều hơn cho tổng cung; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình cụ thể.
Đồng thời, theo Chủ tịch Vương Đình Huệ cần có mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng, kịp thời, vừa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, những người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô và nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh đó, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ và cần sớm thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ cải cách, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, đầu tư thương mại giữa các nước với Việt Nam trên thế giới.
“Các chính sách tổng thể tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành và lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị năng lực đầu tư tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn ứng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao và có tính dài hạn trong việc cải cách thể chế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững… các chính sách hỗ trợ cần xác định đúng và trúng các đối tượng để tạo ra tác động lan toả, kích thích phục hồi nền kinh tế và đảm bảo hiệu quả của dòng vốn đầu tư”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.
Hướng tới phát triển xanh và bền vững
Chủ tịch Quốc hội cho biết, có nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi về các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những luận điểm được nhấn mạnh tại diễn đàn, tuy không phải là mới nhưng ít khi nêu là khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính.
Hiện nay, có một số nước đưa ra các gói kích thích siêu nới lỏng về tài khóa, tiền tệ, một mặt là để đối phó với thiệt hại do dịch bệnh gây ra nhưng cũng để đề phòng, giảm thiểu tiêu cực của suy giảm kinh tế theo chu kỳ.
Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Cái hay là chúng ta thống nhất quan điểm không chỉ khắc phục hậu quả do y tế mà phải tính toán đến lâu dài, tức là cơ cấu lại nền kinh tế để hướng tới phát triển xanh và theo hướng bền vững. Đây là điểm tôi thấy tâm đắc qua diễn đàn”.
Vì vậy, kể cả phương diện lý luận cũng như thực tiễn để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định là chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô và các công cụ chỉ mang tính hỗ trợ. Trong đó, chính sách tài khoá đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần có sự kết hợp hài hoà với chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần chú trọng mối quan hệ hữu cơ giữa ngân sách nhà nước, tín dụng ngân hàng và nhu cầu năng lực của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp và người dân tạo ra của cải vật chất, đóng góp vào ngân sách Nhà nước cũng như tạo ra dòng tiền đối với hệ thống ngân hàng. Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển hệ thống ngân hàng.
Về chính sách tài khoá, cách thức huy động nguồn lực, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết, các đại biểu cũng đều nói cân nhắc kế hoạch vay, trả nợ, có thể chấp nhận một tỉ lệ nợ công trên GDP cao hơn, tỉ lệ bội chi ngân sách cao hơn trong năm 2022-2023, sau đó phấn đấu để đưa trở về trạng thái bình thường. Tổng các chỉ tiêu vĩ mô trong 5 năm giữ ở mức ổn định…
Tiếp tục giảm chi thường xuyên, đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Rà soát nguồn vốn đang tồn đọng tại các quỹ ngoài ngân sách Nhà nước như quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Ngoài ra, nhiều đại biểu đề xuất nghiên cứu giảm phí BHXH, thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế/phí trước bạ ô tô để bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương có thể bằng các công cụ của chính sách tiền tệ, giảm lãi suất điều hành, công cụ của thị trường mở, tiết giảm chi phí cảu ngân hàng thương mại để tiếp tục chia sẻ khó khăn đối với các đối tượng được tiếp cận các gói tín dụng...
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã toát lên một số thông điệp, đó là chúng ta cần tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần lạc quan, tự tin vào chính mình, vào dân tộc mình, vào khả năng biến nguy thành cơ, trong việc tìm kiếm cơ hội từ những thách thức khó khăn. Đồng thời, cần đồng hành cùng với nhau trong phục hồi và phát triển. Ngoài ra, phải tăng cường hợp tác với các nước, đoàn kết quốc tế, khu vực.
Chủ tịch Vương Đình Huệ bày tỏ sự tin tưởng: “Có thể khẳng định rằng, thông tin của diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rõ ràng, cụ thể sẽ là tư liệu hết sức quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan xây dựng, hoàn thiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đề xuất các gói chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ cho phòng, chống dịch và chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tôi tin rằng, sau cơn mưa trời lại sáng và sẽ rực rỡ hơn. Hãy biến Covid-19 thành cơ hội của chúng ta”.
Hoàng Bích – Hoa Trà