Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Tại đây, lãnh đạo TPBank trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông xoay quanh kế hoạch kinh doanh năm nay của ngân hàng
Tại cuộc họp, một cổ đông đặt câu hỏi hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định mức đầu tư trái phiếu của ngân hàng không quá 5%. Cổ đông này thắc mắc tín dụng đầu tư cho trái phiếu của TPBank là bao nhiêu.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, theo quy định của NHNN, hạn mức 5% là quy định đối với khoản cho vay khách hàng đầu tư kinh doanh trái phiếu. Còn với trái phiếu doanh nghiệp đầu tư của ngân hàng thì được tính chung vào hạn mức tín dụng và NHNN cũng kiểm soát rất sát sao, đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, một cổ đông cũng cho biết, hiện các ngân hàng đang đầu tư rất nhiều vào ngân hàng số, bản thân TPBank là tiên phong ngân hàng số. Câu hỏi đặt ra là liệu lợi thế của TPBank có bị mất dần hay không.
Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết Cuộc cách mạng 4.0 đã mang đến cho nền kinh tế động lực để phát triển, việc tất cả các ngân hàng cùng đầu tư vào ngân hàng số sẽ tạo một thị trường phát triển. Có cạnh tranh thì thị trường càng phát triển và người nào tiên phong sẽ luôn có những lợi thế nhất định. "TPBank đang đi trước nhiều ngân hàng một chặng đường khá xa, một số giải pháp TPBank đã triển khai cách đây 5 năm thì bây giờ mới có ngân hàng làm", ông Tú cho hay.
Ông Tú nêu ví dụ, cũng là xe điện nhưng xe Tesla sẽ khác những xe khác, khi nhiều người phát triển thì càng nhiều người sử dụng xe điện và là điều tốt cho thị trường.
Ngoài ra, hiện có nhiều thông tin liên quan đến việc siết tín dụng bất động sản, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết tỉ lệ lệ cho vay bất động sản của TPBank là dưới 6%. Trong đó, các dự án bất động sản hoặc khách hàng vay đều có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi và được thẩm định kỹ càng. Cho tới thời điểm hiện tại sẽ không có rủi ro cho ngân hàng.
Đặc biệt, về vấn đề cổ phiếu TPB trên thị trường chứng khoán, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết cổ phiếu TPB có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2021, từ 27.800/cổ phiếu lên 40.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính cả những quyền lợi phát hành thêm thì giá trị cổ phiếu TPBank đã tăng tới 50% trong một năm.
"Chúng tôi không kiểm soát giá cổ phiếu mà giá trị do thị trường đánh giá. Năm ngoái, một cổ đông hỏi làm thế nào giá trị tăng lên. Tôi cũng có trả lời là tuỳ đánh giá của nhà đầu tư về ngân hàng về hiệu quả kinh doanh, an toàn. Thời gian qua, TPB là một trong những cổ phiếu giảm ít dù toàn thị trường đỏ rực như vậy", ông Đỗ Minh Phú nói. Chủ tịch TPBank đảm bảo cổ phiếu đó được lưu hành tuân thủ quy định của pháp luật. Nhà đầu tư sẽ tự tín nhiệm với cổ phiếu TPB.
Tại Đại hội, Đại diện Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) cũng có mặt và đặt câu hỏi. Theo vị cổ đông này, trong kế hoạch năm 2022 mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18% trong khi hiện nay hạn mức được duyệt là 14%. Nếu Ngân hàng không được nới room thì sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh ra sao. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại, tỉ lệ nợ xấu có khả năng gia tăng, cổ đông thắc mắc giải pháp của TPBank trong các năm tới để duy trì tỉ lệ nợ xấu tốt.
Ông Đỗ Minh Phú cho biết Ngân hàng đã chủ động hạ mức tăng trưởng của năm 2022 từ mức hơn 21% năm ngoái xuống 18%. Giả sử không được nới room thì hụt 4%, tổng dư nợ tụt khoảng 7.200 tỷ đồng bị thiếu. Với 3% margin thì chúng ta hụt khoảng 200 tỷ đồng, con số này không lớn so với sự nỗ lực và cố gắng của TPBank. Trong điều kiện như vậy, chắc chắc TPBank sẽ phải tính đến khả năng bù đắp từ những mảng khác.
"Về vấn đề nợ xấu, các khoản tái cơ cấu theo Thông tư 01 ảnh hưởng từ Covid-19 vẫn phải trích lập đều đặn. Mức nợ xấu dưới 1,5% là mức hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát", Chủ tịch Đỗ Minh Phú khẳng định.