Ngày 30/9, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Những định hướng chính sách lớn về đảm bảo quyền của người sử dụng đất".
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển chia sẻ khía cạnh đất đai liên quan tới dân tộc thiểu số (DTTS) là một vấn đề cấp bách, bức xúc, nóng hổi cần được đặc biệt quan tâm.
Tiếp cận và sở hữu đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng DTTS ở bất cứ quốc gia nào. Đất đai là yếu tố quan trọng chi phối mạnh nhất cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là người DTTS bản địa. Đảm bảo quyền sử dụng đất là một trong yếu tố đặc biệt trong chính sách phát triển các cộng đồng DTTS ở Việt Nam từ trước đến nay.
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, Luật Đất đai đã qua 4 lần ban hành mới kể từ 1993 cho đến nay. Năm 2013, Luật Đất đai được ban hành ngay trước khi thông qua Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 chưa thể cụ thể hóa các điểm mới của Hiến pháp 2013, đặc biệt là cách tiếp cận mới đối với phát triển dân tộc thiểu số. Theo đó, ông Hạnh kiến nghị một số giải pháp để Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
Trên thực tế, khi đi khảo sát tại các khu vực có đông đồng bào DTTD sinh sống, ông Lê Hồng Hạnh nhận thấy mặc dù Nhà nước nói rất nhiều đến quan tâm đến dân tộc thiểu số nhưng trên thực tế việc tiếp cận về đất đai của DTTS thì hệ thống pháp luật xử lý chưa tốt.
Phân tích Dự thảo Luật Đất đai (bản 16/9/2022), GS.TS nhận xét vẫn chưa có những quy định cụ thể dành riêng cho quyền tiếp cận đất của dân tộc thiểu số. Trong 240 điều của Dự thảo thì có 5 điều nói về đồng bào dân tộc thiểu số gồm điều 24, 152, 154, 205, 217. Các điều này đều sao chép lại các quy định của Luật đất đai 2013.
Trong khi đó, Báo cáo về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 dân tộc thiểu số được thực hiện năm 2017 cho thấy có những địa phương như Hà Tĩnh, Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, các cộng đồng dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất và đất ở nghiêm trọng.
Tỉ lệ thiếu đất sản xuất và đất ở tại Hà Tĩnh chiếm đến 43,28% và 23,60%. Tỉ lệ thiếu đất sản xuất của các cộng đồng DTTS ở Vĩnh Phúc, Cà Mau chiếm 29,59% và 29,73%.
Số liệu trong Tờ trình của Chính phủ số 473/TTr-CP phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn ngày 11/10/2019 cũng cho thấy những thách thức này. Theo Tờ trình, ở thời điểm 2019 có 12.976 hộ DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định, 58123 hộ thiếu đất ở, 465.266 hộ cần hỗ trợ nhà; 303.728 hộ thiếu đất sản xuất.
“Hiện nay, DTTS đang đứng trước làn sóng chuyển nhượng đất, lấy đất của DTTS rất dễ, chỉ cần trả giá cao là họ bán cho doanh nghiệp, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo vệ họ như thế nào, xem xét nên bắt buộc trả lại đất cho người dân để họ có đất sinh sống”, ông Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Do đó, việc luật hóa khái niệm dân tộc thiểu số bản địa có ý nghĩa rất lớn đối với việc thi hành phù hợp hơn và hiệu quả hơn chính sách, pháp luật đất đai hướng tới phát triển bền vững. Sự công nhận này cần được tiến hành với sự tôn trọng đầy đủ về phong tục, truyền thống và hệ thống sở hữu đất đai của các dân tộc bản địa có liên quan.
Ở khía cạnh phát triển DTTS, Luật Đất đai mới cần có những quy định đặc thù, phù hợp với văn hóa, sinh kế của DTTS, đảm bảo quyền tự chủ cho cộng đồng DTTS trong quản lý và sử dụng đất của mình.
Việc luật hóa đất của cộng đồng DTTS sẽ tạo nền tảng cho các giải pháp giao đất, quản lý, thu hồi đất, sử dụng đất phù hợp với đặc trưng của các cộng đồng này.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết Bộ TN&MT đã tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc.
Và từ đó, nội dung ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số đang được đề xuất đối với các nông, lâm trường rà soát thì sẽ ưu tiên giao đất cho những người sử dụng đất và đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất.