Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).
Theo TTXVN, chiều 5/5, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh và lãnh đạo Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh; làm việc với lãnh đạo bệnh viện về công tác khoanh vùng, cách ly tại đây.
Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã dốc sức cứu chữa, xét nghiệm phục vụ công tác chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều biến chủng mới, nỗ lực của lực lượng tuyến đầu chống dịch như bác sĩ, nhân viên y tế là hết sức quan trọng.
Ông Chu Ngọc Anh thống nhất với Bộ Y tế lập tức phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; nhanh chóng khống chế dịch, đảm bảo an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ tại đây và bằng mọi cách không để lây lan dịch ra cộng đồng.
Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, từ khi phong tỏa, cơ sở 2 của bệnh viện sẽ là khu vực "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Thành phố yêu cầu tra soát danh sách người ra viện từ 10 ngày trở lại đây để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, nhanh chóng xử lý ổ dịch tại bệnh viện.
Theo cổng thông tin điện tử TP.Hà Nội, trước đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu rõ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, các Trung tâm y tế phối hợp các bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn thành phố khẩn trương xét nghiệm nhanh nhất theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ; xét nghiệm đối với các trường hợp ho sốt, khó thở khi khám bệnh tại các bệnh viện, các ca nghi ngờ và các trường hợp cần thiết khác để đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch có hiệu quả.
Chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân luồng, khám sàng lọc, tăng cường xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phát hiện kịp thời ca bệnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Có phương án bảo đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, người bệnh, đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người có bệnh lý nền; một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 1 người chăm sóc, không thăm bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn. Thực hiện nghiêm Bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, về tình hình tiêm vaccine, Bộ Y tế cho biết trong ngày 5/5 có thêm 90.417 người Việt Nam đã tiêm vaccine phòng COVID-19, nâng tổng số người được tiêm ở nước ta lên 675.956. Các địa phương đang nỗ lực tiêm chủng và đảm bảo tuân thủ an toàn theo các hướng dẫn chuyên môn.
Tính đến 16 giờ ngày 5/5, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 675.956 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Chi tiết 90.417 người được tiêm tại 48 tỉnh/TP trong ngày 05/5/2021 như sau:
Hà Nội: 851 người; Hải Phòng: 1.622 người; Thái Bình: 1.070 người; Nam Định: 1.517 người; Hà Nam: 500 người; Ninh Bình: 1.026 người; Thanh Hoá: 19.683 người; Hải Dương: 4.905 người; Hưng Yên: 395 người; Thái Nguyên: 1.998 người;
Hoà Bình: 585 người; Nghệ An: 918 người; Hà Tĩnh: 492 người; Lai Châu: 113 người 15- Lạng Sơn: 2.037 người 16- Tuyên Quang: 718 người; Hà Giang: 2.470 người; Yên Bái: 914 người; Lào Cai: 1.340 người; Sơn La: 1.361 người; Điện Biên: 185 người; Quảng Bình: 865 người; Quảng Trị: 768 người; TT- Huế: 406 người; TP. Đà Nẵng: 1.431 người;
Quảng Nam: 534 người; Quảng Ngãi: 1.384 người; Bình Định: 637 người; Phú Yên: 182 người; Khánh Hòa: 160 người; Bình Thuận: 1.057 người; Ninh Thuận: 324 người; Kon Tum: 886 người; Gia Lai: 1.295 người; Đắc Lắc: 3.090 người; Đắk Nông: 1.081 người; TP. Hồ Chí Minh: 3.889 người; Đồng Nai: 372 người; Tiền Giang: 1.973 người; Long An: 1.524 người;
Lâm Đồng: 652 người; Tây Ninh: 1.644 người; Cần Thơ: 779 người; Sóc Trăng: 1.945 người; An Giang: 4.391 người; Bến Tre: 1.746 người; Trà Vinh: 1.367 người; Vĩnh Long: 502 người; Đồng Tháp: 2.243 người; Bình Dương: 2.583 người; Bình Phước: 1.467 người; Kiên Giang: 4.068 người; Cà Mau: 69 người; Bạc Liêu: 403 người.
H.H (tổng hợp)