Rút quân hình thức
Nga đang cố gắng để “ra đòn” với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở đông bắc Syria bằng cách đe dọa rút lui khỏi các vị trí của mình và để SDF tự đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như lực lượng được nước này hậu thuẫn. Nếu SDF không đáp ứng các yêu cầu và lợi ích của Nga, họ sẽ bị “bỏ rơi”.
Các động thái quân sự gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga khiến SDF lo ngại về tình hình ở Hasakah và Raqqa, thuộc vùng đông bắc Syria.
SDF lo ngại, họ sẽ trở thành nạn nhân của một thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau vòng đám phán Astana thứ 15. Vòng đám phán thứ 15 này được tổ chức tại thành phố Sochi của Nga vào ngày 16 và 17/2 với sự tham gia của 3 bên Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran.
Ngày 21/2, lượng lực của Nga đã rút khỏi căn cứ của họ ở Ain Issa, thuộc vùng đông bắc Raqqa. Đây là khu vực nằm dưới sự kiểm soát của SDF. Sau khi rời khỏi Ain Issa, lực lượng của Nga chuyển đến căn cứ quân sự ở Tel al-Saman, cách 22 km về phía đông nam của Ain Issa.
Tuy nhiên, vào ngày 22/2, lực lượng của Nga quay trở lại vị trí của họ ở Ain Issa. Ain Issa vốn là khu vực Thổ Nhĩ Kỳ đang đe doạ tấn công thông qua các phe nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA).
Các lực lượng Nga cũng đã rút khỏi căn cứ quân sự ở Tel Tamr trong một thời gian ngắn trước khi quay lại.
Một nguồn tin từ Ain Aissa chia sẻ với Al-Monitor: “Việc lực lượng Nga tạm thời rút khỏi các căn cứ quân sự của họ ở Ain Issa, thuộc phía bắc Raqqa và vùng nông thôn Tel Tamr ở Hasakah bắt nguồn từ SDF không “tuân lệnh” Nga trong việc giảm leo thang căng thẳng trên các mặt trận với Thổ Nhĩ Kỳ và FSA. Thời gian gần đây, các cuộc pháo kích liên tục xảy ra.
Đây có thể là lời giải thích rõ ràng nhất cho hành động rút khỏi các căn cứ và rồi quay lại rất nhanh sau đó của lực lượng Nga. Có vẻ như, Nga đang gây sức ép với SDF thông qua những động thái quân sự này”.
Một nhà phân tích quân sự khác cũng đã chia sẻ với Al-Monitor: “Việc rút quân của Nga dường như chỉ là hình thức, vì các căn cứ của họ vẫn ở đó, bên trong vẫn còn quân. Nga đang cố gắng “tống tiền” SDF bằng cách đe doạ bỏ ngỏ mặt trận Ain Issa trước sự đe doạ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga muốn SDF phải giải quyết vấn đề ở Ain Issa dứt điểm. Nga cũng muốn chính quyền Syria phải kiểm soát hoàn toàn khu vực này. Vì vậy, nếu SDF không “vâng lời”, các hoạt động rút quân có thể sẽ thực hiện trên diện rộng.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thực hiện các động thái quân sự để gây sức ép với SDF và có thể là một cuộc chiến”.
Mostafa Bakkour, một nhà nghiên cứu và phân tích quân sự ở Idlib thuộc tây bắc Syria đã chia sẻ với Al-Monitor: “Lịch sử cho thấy, người Nga và người Thổ đã thực hiện các kết quả của Astana ngay sau cuộc đàm phán mà không hề công bố các thoả thuận đã đạt được”.
Bakkour nói thêm: “Tôi nghĩ, những gì đang xảy ra nằm trong thoả thuận giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm làm suy yếu SDF trong khu vực, đặc biệt là sau khi các cuộc đàm phán do Nga làm trung gian giữa SDF và chính quyền Syria bị thất bại. Việc lực lượng Mỹ đưa thêm khí tài quân sự vào các khu vực do SDF kiểm soát ở đông bằng Syria, bao gồm cả tên lửa phòng không, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn”.
Nỗ lực tăng cường hiện diện
Các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thoả thuận vào giữa tháng 2 để chuyển ngũ cốc từ các hầm chứa Sharkrak đến khu vực do chính quyền Syria kiểm soát. Trang Rusvesna của Nga ngày 14/2 cho biết, một nhóm thuộc lực lượng Nga ở Hasakah đã làm trung gian cho một thoả thuận giữa chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển một phần dự trữ ngũ cốc từ các hầm chứa đó đến khu vực do chính phủ kiểm soát ở Aleppo.
Cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố đoạn video cho thấy, hàng chục xe tải xếp hàng trước hầm chứa và chất đầy ngũ cốc. Bộ này cũng đã có dòng tweet: “Một bước đi trong thực hiện thoả thuận với Nga”.
Các động thái mới nhất của Nga trong khu vực do SDF kiểm soát dường như nhằm các mục đích: Giải quyết vấn đề ở Ain Issa, giữ SDF tránh xa đường cao tốc quốc tế M4, xua tan nỗi sợ hãi của Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc giữ SDF cách xa khu chiến lược và tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển thương mại giữa đông bắc Syria và Aleppo.
Những nỗ lực này của Nga cũng nhằm vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ của chính quyền Syria. Nga muốn thúc đẩy SDF tiếp tục cung cấp dầu cho chính quyền Syria và tìm cách vực dậy nền kinh tế của nước này hoặc ít nhất, giúp nó tồn tại cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong vài tháng tới.
Việc Nga gây sức ép với SDF cũng nhằm mục đích gây áp lực buộc lực lượng này dừng bao vây các khu vực của chính quyền Syria ở Hasakah và Qamishli.
Trên thực tế, Nga đang tận dụng tình hình khó khăn tại các khu vực của SDF kiểm soát ở đônh bắc Syria để mở rộng và củng cố sự hiện diện của mình, đặc biệt ở khu vực nhiều dầu mỏ Hasakah.
Các động thái quân sự của Nga không thể nằm ngoài bối cảnh chung ở miền bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Mỹ đang cạnh tranh nhau quyết liệt nhằm khẳng định sự hiện diện và tranh thủ ảnh hưởng của họ tại các khu vực quan trọng và phức tạp nhất của Syria.
HOÀ AN (Theo AM)