Tài nguyên du lịch bị ngủ quên
Chương Mỹ, huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô, đang trên đà chuyển mình mạnh mẽ, từ một vùng đất gắn liền với lịch sử - văn hóa trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, đầy tiềm năng.
Với hơn 370 di tích lịch sử, hàng chục làng nghề truyền thống và cảnh quan thiên nhiên phong phú, Chương Mỹ đang nắm trong tay những lợi thế mà ít địa phương nào có được.
Những danh thắng nổi tiếng như chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Vô Vi hay làng nghề mây tre đan Phú Vinh từ lâu đã trở thành những biểu tượng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Từ du lịch tâm linh, làng nghề cho đến những mô hình du lịch hiện đại, Chương Mỹ đang không ngừng mở rộng các loại hình du lịch đa dạng. Những hoạt động như thể thao golf tại xã Hoàng Văn Thụ, dù bay - dù lượn tại Đồi Bù (Nam Phương Tiến) và du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp giáo dục trải nghiệm tại Thủy Xuân Tiên đã đem lại những trải nghiệm mới lạ cho du khách.


Sân golf SkyLake được biết đến là sân golf 36 lỗ tốt nhất gần thành phố Hà Nội, nơi thu hút khách quốc tế hạng sang (Ảnh: Hoàng Lân).
Chia sẻ về sự phát triển du lịch của huyện trong những năm qua với Người Đưa Tin, ông Bùi Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ cho biết: "Du lịch Chương Mỹ đã có sự tăng trưởng ấn tượng, với lượng khách trung bình hàng năm tăng khoảng 15%. Tổng doanh thu du lịch cũng tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành công nghiệp không khói này đối với phát triển kinh tế địa phương".
Nhưng không chỉ dừng lại ở những thành quả ban đầu, Chương Mỹ đang quyết liệt đầu tư vào hạ tầng giao thông, nâng cấp cơ sở lưu trú và dịch vụ để nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách.
Đồng thời, huyện cũng đang gấp rút hoàn thiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2025–2030, với tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặc biệt chú trọng việc cải tạo và nâng cấp các điểm đến trọng yếu như chùa Trầm, chùa Trăm Gian.
Dự kiến, đến cuối năm 2025, huyện Chương Mỹ sẽ đón khoảng 250.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 80.000 lượt.
Đây là mục tiêu đầy tham vọng, với kỳ vọng lớn lao rằng du lịch sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống người dân.
"Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng bản sắc du lịch riêng cho Chương Mỹ, khai thác chiều sâu văn hóa – lịch sử, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch mới, thân thiện với thiên nhiên, để tạo ra một cú hích mạnh mẽ giúp Chương Mỹ bứt phá và đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch Thủ đô", ông Thắng cũng nhấn mạnh.
Cần quy hoạch du lịch cụ thể để thu hút khách
Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và những điểm đến đặc sắc như sân golf SkyLake, nhưng du lịch Chương Mỹ vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn. Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, huyện còn nhiều hạn chế trong việc khai thác và phát triển tiềm năng sẵn có.
"Chương Mỹ có rất nhiều tiềm năng, nhưng các điểm du lịch hiện tại vẫn chưa được kết nối một cách bài bản. Điều này làm cho việc phát triển sản phẩm du lịch chưa đạt hiệu quả cao. Nếu không có sự kết nối chặt chẽ, tiềm năng du lịch của huyện sẽ chưa được phát huy đúng mức", ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nói.
Thừa nhận những hạn chế trong phát triển du lịch địa phương, vị Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ cho biết, mặc dù lượng khách du lịch đến với huyện thời gian qua có sự tăng trưởng, song quy mô còn khiêm tốn.
Nguyên nhân, theo ông Thắng là do hoạt động khai thác tài nguyên du lịch mới dừng ở mức độ tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, việc kết nối các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống với phát triển du lịch còn yếu, dẫn đến sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lặp, thiếu bản sắc riêng.

Đoàn đại biểu khảo sát Khu du lịch Mộc Lâm Viên, huyện Chương Mỹ (Ảnh: Hoàng Lân).
Đề xuất giải pháp phát triển bền vững cho du lịch Chương Mỹ, bà Phạm Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) nhấn mạnh, huyện cần xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn kết với sản phẩm làng nghề theo định hướng tăng trưởng xanh.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh liên kết liên vùng, liên huyện, hình thành các tour liên tuyến, nhằm đa dạng điểm đến và thu hút khách du lịch.
Bà Thủy dẫn chứng: "Với hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú như chùa Trăm Gian, chùa Trầm, huyện Chương Mỹ hoàn toàn có thể kết nối với huyện Mỹ Đức - nơi có quần thể Chùa Hương nổi tiếng để xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn".
Đồng tình với quan điểm trên, Bà Cù Thị Thu Thủy - Trưởng Ban Xúc tiến thương mại (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) cho rằng, Chương Mỹ sở hữu lợi thế lớn về hệ thống làng nghề truyền thống. Vì vậy, huyện cần đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm làng nghề, phát triển dịch vụ trải nghiệm đặc trưng, đồng thời đầu tư dịch vụ lưu trú ngay tại làng nghề để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông quảng bá du lịch văn hóa, nông nghiệp, sản phẩm OCOP, tạo chuỗi trải nghiệm khép kín từ tham quan, tìm hiểu văn hóa đến mua sắm sản phẩm địa phương.
"Khi du khách trải nghiệm, tham quan di tích, họ sẽ có nhu cầu mua các sản phẩm nông nghiệp đặc sản. Lúc đó, cộng đồng vừa là chủ thể, vừa là đối tượng hưởng lợi từ hoạt động du lịch", bà Thủy phân tích.

Các sản phẩm mây tre đan Việt Quang, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được UBND Thành phố công nhận đạt hạng 4 sao.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, bà Đào Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty Royaltour đề xuất, huyện Chương Mỹ cần xây dựng quy hoạch phát triển du lịch bài bản, hướng tới từng nhóm đối tượng khách, bao gồm cả khách nội địa và quốc tế.
Riêng với khách quốc tế, đặc biệt là phân khúc khách chơi golf, huyện cần phát triển thêm các dịch vụ chuyên biệt, phù hợp với nhu cầu từng thị trường. Bên cạnh đó, theo bà Lan, cần có các chính sách hỗ trợ giá dịch vụ cho doanh nghiệp lữ hành, nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến địa phương.
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục hỗ trợ các huyện ngoại thành, trong đó có Chương Mỹ, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh. Đồng thời góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
"Sở Du lịch Hà Nội sẽ đồng hành với các địa phương trong công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, kết nối các đơn vị lữ hành với điểm đến, hình thành các tuyến du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề ổn định, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế", ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh.